Cơ hội hiếm có

(ANTĐ) - Hơn 140 quan chức cấp cao từ 16 quốc gia đã đến Việt Nam tham dự cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “hậu khủng hoảng”. Sau khi phân tích sâu sắc hàng loạt vấn đề nổi cộm gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam như sự “phình to” của khu vực kinh tế nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp, chi phí phát triển hạ tầng khá cao, thâm hụt ngân sách lớn, một số diễn giả nhất trí kết luận: “Đây chính là thời điểm, là cơ hội Việt Nam cần khắc phục những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế”.

Cơ hội hiếm có

(ANTĐ) - Hơn 140 quan chức cấp cao từ 16 quốc gia đã đến Việt Nam tham dự cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “hậu khủng hoảng”. Sau khi phân tích sâu sắc hàng loạt vấn đề nổi cộm gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam như sự “phình to” của khu vực kinh tế nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp, chi phí phát triển hạ tầng khá cao, thâm hụt ngân sách lớn, một số diễn giả nhất trí kết luận: “Đây chính là thời điểm, là cơ hội Việt Nam cần khắc phục những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế”.

Trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến của giới học giả trong và ngoài nước đã lên tiếng khuyến cáo và thúc giục Việt Nam cần có những biện pháp căn bản nhằm lành mạnh hóa và giải quyết những yếu kém nội tại của nền kinh tế, nhất là khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lắng dịu dần. Có ý kiến lo ngại Việt Nam sẽ tuột khỏi tay cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế khi cuộc khủng hoảng đi qua. Tại một diễn đàn trước đó, một giáo sư Nhật Bản đã hơn 16 năm nghiên cứu về Việt Nam cũng đã lên tiếng lưu ý Việt Nam thực hiện những thay đổi trong quá trình hoạch định chính sách nhằm đạt được bước phát triển lành mạnh tiếp theo.

Vị giáo sư đã trình bày một bản nghiên cứu công phu tại nhiều cơ quan hoạch định chiến sách của Việt Nam với hy vọng sẽ có tác động lên suy nghĩ của các nhà hoạch định chiến lược. Theo giáo sư, điều tối quan trọng là Chính phủ đã nhận thấy cơ hội hiếm có để tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng cần phải có cam kết và chỉ đạo mạnh mẽ quyết liệt. Cũng như trên nhiều diễn đàn khác như Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hoặc các kỳ họp Quốc hội gần đây, các nhà lãnh đạo cũng như giới chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều thừa nhận những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế cũng như những thách thức trong điều hành kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Những thách thức được nêu ra tại các diễn đàn là những điều hiển nhiên. Chính phủ đã nắm rõ những thách thức này và đang có một loạt vấn đề đặt ra”. Câu hỏi mà các diễn giả đặt ra là: Làm sao để xây dựng những chính sách dài hạn, tổng thể hay ít nhất là ngắn hạn để khắc phục những nhược điểm cố hữu mang tính cơ cấu, mà thâm hụt ngân sách là một dẫn chứng. Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á, thâm hụt ngân sách của Việt Nam đã trở nên đáng quan ngại từ năm 2006-2010, từ 4% lên 10,2% GDP, khác xa so với giai đoạn 2001-2006 khi con số này chỉ dao động 4-5% GDP, theo đúng chỉ tiêu của Quốc hội. Rõ ràng là kỷ luật ngân sách còn lỏng lẻo, một chuyên gia cho rằng, thâm hụt ngân sách không còn mấy không gian để “xoay xở”.

Tuy vậy, theo một quan chức, chưa hẳn đã công bằng khi “đổ lỗi” cho các cơ quan hoạch định chính sách. Ông tiết lộ rằng, cơ quan ông chỉ được cấp 7 triệu đồng để soạn thảo và lấy ý kiến cho một thông tư, 15 triệu đồng cho một nghị định. Trong khi đó, một số chuyên gia có trình độ cao có thể giúp ông soạn thảo những văn bản quan trọng đó chỉ hưởng lương vỏn vẹn có 2 triệu đồng/tháng, thật khó mà nuôi thân chứ đừng nói đến gia đình. Một số người đã có ý định bỏ ra ngoài làm ăn.

Ông tâm sự: “Cho nên đừng trách những người làm chính sách nếu có gì chưa đúng”. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng đáng ghi nhận trong hai thập kỷ vừa qua là điều không phải bàn cãi, nhưng nó vẫn còn những khiếm khuyết, bất cập. Những lời khen ngợi hay phê phán, dù từ bên trong hay từ bên ngoài, tất nhiên đều cần lắng nghe, phân tích để giúp kinh tế phát triển bền vững.

Một giáo sư nổi tiếng thế giới, người đã đóng góp ý kiến tâm huyết 4 bản báo cáo về kinh tế Việt Nam cho Chính phủ, nhận xét: “Việt Nam đang có những vấn đề của riêng mình. Tôi cho rằng, Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng tương đối tốt trong những năm tới, nếu biết tận dụng cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế và quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn”.

Đan Thanh