Chuyện vui của các nhà thơ nữ Hà Nội

(ANTĐ) - Câu  lạc bộ thơ nữ của Hội Nhà văn Hà Nội được thành lập từ năm 1995. Những năm đầu chúng tôi sinh hoạt rất đều. Các chị Anh Thơ, Ngân Giang, Cẩm Lai đã có tuổi đều mặc áo dài và đi “xe ôm” đến, rất trang trọng và tốn kém.

Chuyện vui của các nhà thơ nữ Hà Nội

(ANTĐ) - Câu  lạc bộ thơ nữ của Hội Nhà văn Hà Nội được thành lập từ năm 1995. Những năm đầu chúng tôi sinh hoạt rất đều. Các chị Anh Thơ, Ngân Giang, Cẩm Lai đã có tuổi đều mặc áo dài và đi “xe ôm” đến, rất trang trọng và tốn kém.

Các bạn trẻ thì tíu tít đọc thơ mới sáng tác hoặc tặng thơ vừa in xong cho nhau. Sinh hoạt của câu lạc bộ rất vui và đều đặn. Chúng tôi nhận được nhiều đơn xin vào câu lạc bộ. Ban chủ nhiệm họp bàn, thấy câu lạc bộ là nơi vui vẻ, ai thích thì cứ đến, biết đâu chẳng vì thế mà chị em sáng tác nhiều hơn, hay hơn, nên chủ trương tiếp nhận rộng rãi. Vậy là ngoài các chị đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, còn có cả các bác, các chị yêu thơ trong thành phố đến rất đông vui. Đặc biệt là các bà các chị chưa phải hội viên đều rất thích được đọc thơ của mình, thường là những bài lục bát rất dài. Thế là “anh Cường” của chúng tôi bất ngờ xuất hiện.

Một hôm, chẳng nhớ là nhân dịp gì đó, mấy nhà thơ nữ Bùi Kim Anh, Bảo Chân và các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương rủ nhau đến nhà tôi chơi. Lúc đó, tôi ở phố Huỳnh Thúc Kháng, rất gần nhà của nhà thơ Vũ Quần Phương, nhưng mọi người đã đến đủ mà chưa thấy anh đâu. Lúc anh bước vào, nhà thơ Bùi Kim Anh reo:

- A, anh Cường Phương đã đến, sao chậm thế?

Vũ Quần Phương cười:

- Mình đi bộ lững thững ấy mà. Nhưng sao lại gọi mình là anh Cường?

Các bạn trai đều ngớ ra.

Một lần khác, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến mời chúng tôi cùng đi đọc thơ ở Hải Phòng. Trong đoàn có nhà thơ Anh Ngọc. Nhà thơ Bảo Chân nhỏ tuổi nhất  thỉnh thoảng lại gọi:

- Anh Cường Ngọc ơi, xách giùm em cái túi.

- Anh Cường Ngọc ơi, nhanh lên ra chụp ảnh nào!

Và nhà thơ Anh Ngọc cũng ngơ ngác:

- Sao lại gọi mình là anh Cường?

Bọn con gái chúng tôi cứ rũ ra cười. Chuyện là thế này.

Một chiều sinh hoạt Câu lạc bộ thơ nữ Hà Nội, các chị mới được mời vào sinh hoạt đều hăng hái đọc thơ, mà gây ấn tượng nhất là người đọc bài thơ chị viết ca ngợi mẹ chồng. Bài này dài hơn bài “Mẹ của anh” của cố thi sĩ Xuân Quỳnh, song ý tứ thì hình như… hơi giông giống. Nhà thơ Xuân Quỳnh kết bài thơ bằng một câu rất tuyệt:

Chắt chiu từ những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

Còn chị mới đến sinh hoạt câu lạc bộ thì có câu kết bài thơ của mình ca ngợi mẹ chồng như sau:

Chắt chiu từ những tình thương

Mẹ sinh ra một anh Cường cho con

Từ đó, chúng tôi gọi tất cả các anh mà mình quen là “anh Cường”. Ví dụ Bảo Chân gọi điện cho tôi:

- Cô Nhàn ơi, anh Cường Khoa ốm rồi, đang nằm viện 108 đấy.

Hoặc Lam Luyến nói vui:

- Các anh Cường của em đều hỏng cả rồi. Anh thì đang ốm, anh thì nợ đầm đìa, anh thì vừa bỏ vợ lại sắp lấy vợ hai…

Và Kim Anh đùa:

- Đề nghị chị Nhàn đi đâu không được giới thiệu em là vợ anh Cường Hạnh nữa nhé. Bác cứ đưa cái barie ấy ra để cản đường em à?

“Anh Cường” của chúng tôi bây giờ đang sống rất sinh động giữa chị em. Chỉ có điều lâu nay, câu lạc bộ thơ nữ Hà Nội gần như thôi không sinh hoạt đều đặn nữa. Không biết ngoài “anh Cường” ra, có thể còn xuất hiện những anh chàng nào nữa đây?

PHAN THỊ THANH NHÀN