Chuyện về những người giữ Xẩm

ANTĐ - Có hơn 700 năm tuổi nhưng xẩm Hà Thành đã từng đối diện với nguy cơ thất truyền. Tuy nhiên, đó là câu chuyện cách đây hơn chục năm. Còn hiện giờ, xẩm đã lên cả sân khấu Nhà hát Lớn, nơi vẫn được mệnh danh là “thánh đường nghệ thuật”, xẩm len lỏi cả vào các phòng trà. Các buổi diễn xẩm đều bán vé và thú vị thay, lần nào vé cũng “cháy”. 

Chuyện về những người giữ Xẩm ảnh 1Nhóm Xẩm Hà thành với nỗ lực đưa xẩm đến gần với công chúng

Xẩm cũng có “fan”...

Buổi biểu diễn gần đây của nhóm Xẩm Hà thành ở không gian quán cà phê nằm trong Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, có MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng dẫn chương trình, có nhạc sĩ Giáng Son tình nguyện vừa đàn vừa hát cùng nhiều nghệ sĩ khác góp vui với xẩm. Chương trình bán vé hẳn hoi, 200.000 đồng/vé, lại diễn ra đúng vào buổi tối trời mưa tầm tã, vậy mà khán giả vẫn kéo đến chật kín cả trong phòng lẫn ngoài trời. Nhiều người sau đó tỏ ý tiếc khi xem ảnh và clip về đêm diễn được đăng tải trên mạng xã hội Facebook và “trách” nhạc sĩ Quang Long - thành viên của nhóm Xẩm Hà thành rằng “thế mà chẳng loan tin gì sất, chẳng hú nhau đi nghe gì cả”. Thế mới thấy, hóa ra xẩm cũng “hot”. 

Lại cũng chuyện về xẩm. Mới đây gặp nghệ nhân Mai Tuyết Hoa - thành viên của nhóm Xẩm Hà thành, chị hào hứng kể, có cậu bé đang học lớp 8 ở Vĩnh Phúc vừa liên hệ hỏi chị về lớp học hát xẩm, còn gửi cho chị đoạn clip mà cậu bé này vừa hát vừa tự kéo nhị. Nghe vậy, người viết tò mò thử nhấp chuột vào trang Facebook cá nhân của cậu bé này, thấy để ảnh bìa là nghệ nhân Hà Thị Cầu, ảnh đại diện là một hình cũng liên quan đến nghệ thuật xẩm, cộng thêm một vài clip quay lại màn hát xẩm rất tự tin của cậu bé. Thật không thể tin cậu bé còn rất trẻ này lại là “fan” hâm mộ cuồng nhiệt của xẩm. 

Nhưng, như lời chia sẻ của nghệ nhân Mai Tuyết Hoa thì đây không phải lần đầu tiên chị nhận được những tin nhắn hỏi thăm về xẩm. Trái lại, chị chia sẻ cũng bất ngờ khi thấy Facebook cá nhân của mình có rất nhiều người quan tâm theo dõi, họ chủ yếu biết chị qua xẩm và thường xuyên hỏi chị về xẩm. Điều đó, khiến chị cảm thấy rất vui.

Từ diễn miễn phí đến bán vé

Nhóm Xẩm Hà thành tính đến nay đã có hơn 7 năm thành lập. Nhưng như lời chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - một trong những người sáng lập ra nhóm thì trước đó nhiều năm, nhóm đã âm thầm hoạt động cùng với dự án phục hồi nghệ thuật hát xẩm của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Trong số gần 20 thành viên của nhóm hiện giờ, bên cạnh những nghệ sĩ có khả năng chuyên môn về xẩm còn có cả những người bạn gắn kết với nhóm chỉ đơn thuần vì yêu xẩm, như nhạc sĩ Giáng Son chẳng hạn.

Cũng vì mê xẩm nên có không ít người ngoại đạo với nghệ thuật nhưng vẫn tìm đến nhóm với mong muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật truyền thống này, kể cả những người lớn tuổi. Như trong đêm trình diễn vừa rồi của nhóm Xẩm Hà thành, có một tiết mục không kém phần thú vị khi một người phụ nữ luống tuổi với trang phục tứ thân tự tin hát xẩm trên sân khấu. Thì ra, chị vốn thích xẩm, nghe thông tin về đêm diễn nên đã xung phong tập hát để trình diễn 1 bài xẩm, lại chọn bài mà học thuộc thôi đã khó rồi chứ chưa nói gì đến luyến láy sao cho thành xẩm.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long kể, khi mới đi vào hoạt động, nhóm Xẩm Hà thành cũng thỉnh thoảng làm đêm xẩm ở một quán cà phê đầu phố Thái Hà, chủ yếu để đưa xẩm đến gần với mọi người. Các chương trình khi đó đều không bán vé, mọi người đến xem và chỉ phải trả tiền nước uống. Ban đầu, các thành viên trong nhóm đều xác định “có người đến xem là tốt rồi”, thế nhưng sau mấy lần tổ chức lại ngỡ ngàng vì lượng khách đến xem tương đối đông.

Nhớ lại, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long kể, khi hát nhóm vẫn thường để một cái chậu thau hoặc một cái bị phía trước cài bông hoa lên trên để tái hiện hình ảnh xẩm xưa. Thế nhưng rất nhiều người sau khi xem nhóm hát thì lại thả tiền vào ủng hộ thật. Nhiều người Việt ở nước ngoài về và cả những vị khách nước ngoài cũng rủ nhau đi xem và tỏ sự thích thú trước màn trình diễn của nhóm. 

Cũng từ đấy, cả nhóm nghĩ đến chuyện “sao không thử nghiệm làm xẩm bán vé”. Và rồi nhiều đêm xẩm sau đó được tổ chức từ sân khấu nhỏ đến sân khấu Nhà hát Lớn, bán vé từ vài chục nghìn đến vài ba trăm nghìn đồng/vé. Chẳng những bán được vé, mà nhiều buổi diễn có cả “phe vé”.

Cũng nhờ thế mà nhạc sĩ Nguyễn Quang Long khẳng định, xẩm vẫn có khách, quan trọng là phải làm thế nào để càng nhiều người biết đến càng tốt. Nhưng cuối cùng, cả nhóm đều thống nhất quan điểm xẩm sẽ “sống” mà không dựa vào bất cứ yếu tố “PR” nào, thay vào đó là bằng chính chất lượng nghệ thuật, bằng các sản phẩm âm nhạc hay, bắt kịp được hơi thở của cuộc sống thời đại. Hình ảnh một khán giả cao tuổi từ Hải Phòng lên Hà Nội chỉ để xem một đêm diễn xẩm của nhóm, cho tới giờ vẫn khiến các thành viên Xẩm Hà thành cảm động và xem đó như động lực để nuôi tiếp giấc mơ đưa xẩm đến gần và len lỏi vào đời sống thường ngày.

Không có kinh phí cố định, đứng trước mỗi hoạt động, nhóm Xẩm Hà thành đều phải tự thân vận động để lo liệu từ đầu đến cuối. Chật vật là thế nhưng dù diễn trong quán cà phê, phòng trà hay sân khấu lớn nhỏ nào, các thành viên trong nhóm đều không ngần ngại với suy nghĩ “có chỗ để diễn là tốt rồi”, bởi cái đích cao nhất là làm sao để xẩm lưu truyền chứ không bị thất truyền. Cuộc sống tinh thần của người hát xẩm là thế, vốn luôn rất lạc quan.