Chuyện về dầu thắp và cái đèn dầu ngày xưa

ANTD.VN - Thời Lý, dân chúng thành Thăng Long đã thắp sáng ban đêm bằng dầu lạc và dầu vừng. Dầu lạc được đổ ra cái đĩa rồi cho một sợi bằng bông đã xe làm bấc dẫn dầu. Bằng chứng là các làng Bái Ân, Tiên Thượng (nay thuộc phường Nghĩa Đô), Yên Thái (nay thuộc phường Bưởi) ở kẻ Bưởi  thờ Vũ Phục làm thành hoàng. 

Chuyện về dầu thắp và cái đèn dầu ngày xưa ảnh 1Phố Hàng Dầu nằm ở phía Bắc hồ Gươm vào thế kỷ XVIII chuyên bán dầu ăn và dầu thắp

Theo truyền thuyết, vua Lý bị đau mắt, bao nhiêu thầy thuốc đã chữa nhưng không khỏi. Một hôm, có thầy bói ở phương xa đi qua phán rằng vua bị đau mắt do nước ở ngã ba sông Tô Lịch và Thiên Phù xói vào góc thành, muốn vua khỏi đau mắt thì phải có người chết ở ngã ba sông. Ở kẻ Bưởi khi đó có vợ chồng Vũ Phục làm nghề bán dầu thắp, hàng ngày ông bà gánh dầu vào bán trong thành. Biết chuyện, Vũ Phục đã tình nguyện lao xuống sông tự tử. Sau khi ông chết, vua Lý khỏi bệnh. Để biết ơn người đã cứu mình, vua cho xây đền ở Bái Ân, cắt cử cắt các họ trông coi đền và từ đó các làng này thờ Vũ Phục. 

Thế kỷ XVIII, Thăng Long có phố chuyên bán dầu ăn và dầu thắp gọi là phố Hàng Dầu nằm ở phía bắc hồ Gươm. Nguồn dầu do thợ ép lạc, vừng ở vùng Kinh Bắc cung cấp. Cuối thế kỷ XIX, ở phố này xảy ra một chuyện động trời liên quan đến dầu. Sau khi hạ được thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư Pháp. Ban ngày, có một đám lính canh xua tất cả những ai lại gần. Chúng cấm tuyệt đối dân không được vào cúng lễ.

Trước cảnh ngang trái ấy, có một học trò tên là Nguyễn Văn Minh, 17 tuổi, đang theo học chữ Nho cùng một người bạn 14 tuổi là Đức Nghi, nhà ở phố Hàng Dầu, nảy ra ý định đốt cầu Thê Húc. Khoảng nửa đêm 30-9-1887, Minh và Nghi lẻn vào cầu vì lính canh đã rút vào đền. Hai người nhét sẵn giẻ, giấy bản và bấc đèn tẩm dầu đã chuẩn bị sẵn vào khe ván trên mặt cầu rồi rải than hoa đang cháy. Xong việc, cả hai nhanh chóng về nhà. Giẻ dầu gặp than lại có gió bắc thổi đã bùng lên và khi lính trong đền phát hiện thì cầu đã thành tro. Thế nhưng, vô tình Đức Nghi để lộ chuyện nên Minh bị bắt, phải tải đạn cho lính Pháp rồi bị xử tử. 

Cũng thế kỷ XVIII, Hà Nội có phố Hàng Thiếc, chuyên đúc cây nến, lư hương, đĩa đựng ấm chè… nhưng nổi tiếng vì đúc đèn để thắp dầu lạc. Đèn thắp dầu lạc có miệng hình tròn, ở giữa có mấu lồi lên để đặt sợi bấc, phía dưới có thân và đế. Hầu hết thợ ở đây là dân làng Phú Thứ (huyện Hoài Đức). Và các mặt hàng của phố này thay đổi khi Pháp xâm chiếm Hà Nội cuối thế kỷ XIX. Thợ phố Hàng Thiếc đã dùng  vỏ thùng đựng hàng hóa nhập khẩu từ Pháp bằng sắt, vỏ đồ hộp đã sử dụng để làm ra một số đồ sinh hoạt như: đĩa đốt  dầu lạc cho các cửa hiệu hút thuốc phiện, gáo múc nước, hộp đựng thuốc lào… vì thế chính quyền thực dân đặt tên phố là Rue des Ferblantiers (phố Thợ làm sắt tây).

Cuối thế kỷ XIX, dầu hôi (còn gọi là dầu hỏa, dầu tây) của hãng Socony (Standard oil Company of New York) và xăng của hãng Shell (của Anh) theo chân quân đội Pháp vào Hà Nội. Để dân chúng Hà Nội biết cách sử dụng thứ nhiên liệu mới lạ, lần đầu họ thấy để thắp đèn, hãng  Socony tặng đèn thắp dầu miễn phí cho người mua dầu. Đèn làm bằng sắt tây nên dân chúng gọi là đèn sắt tây.

Chuyện về dầu thắp và cái đèn dầu ngày xưa ảnh 2Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Trong bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” (Technique du peuple Annamite) vẽ  năm 1908-1909 của Henry Oger có nhiều  tranh vẽ các kiểu đèn thắp bằng dầu lạc như đèn có thân và đế, đèn đĩa, đặc biệt là tranh “Đèn sắt tây” ghi rõ là được làm bằng sắt tây và đốt (thắp) bằng dầu tây. “Đèn sắt tây” cao khoảng 15cm, phía dưới là bầu đựng dầu hình trụ, bên trên cổ đèn có rãnh xoáy vào thân đèn. Trên cổ đèn có “hàng rào” để giữ bóng, chắn gió đồng thời cũng có khe hở  để lấy không khí. Bên trong có ống dẫn rỗng bằng sắt để luồn bấc. Bên cạnh cổ đèn có núm điều chỉnh bấc cũng là chính là điều chỉnh ánh sáng như ý muốn. 

Thấy chiếc “Đèn sắt tây” xuất hiện, thợ Hàng Thiếc nhanh chóng bắt chước vì kỹ thuật làm đèn cũng đơn giản và nguyên liệu sắt tây cũng sẵn. Còn bóng đèn thì họ đặt  các lò thủy tinh ở phố Hàng Bồ. Và chiếc “Đèn sắt tây” hoàn chỉnh được làm tại Hà Nội. Từ khi thợ Hàng Thiếc làm ra đèn, Socony không tặng đèn cho khách hàng nữa. Nhà Hà Nội học người Pháp là Dumoutier sống ở Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX gọi “Đèn sắt tây” là “Đèn nhỏ để bàn” (lanterne de poche).

Thế nhưng ở phố Hàng Thiếc có hiệu Nam Thái không làm bằng sắt tây mà làm đèn bằng đồng. Đèn đồng của Nam Thái rất đẹp, tỷ mẩn từng chi tiết nên bán giá cao vì thế chỉ nhà nhiều tiền mới mua đèn này. Khi hãng Shell bắt đầu bán dầu thì dân Hàng Thiếc đã làm được đèn và cạnh tranh giữa hai hãng diễn ra quyết liệt, xe bán dầu của Shell sơn màu đỏ và xe bán dầu của Socony màu vàng xen kẽ nhau trên phố. Từ những năm 1920, phần lớn  các gia đình ở Hà Nội đã dùng dầu hỏa thắp đèn nên phố Hàng Dầu chỉ còn bán dầu ăn.

Ban đầu người Hà Nội gọi là “Đèn sắt tây” nên tác giả cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam” cũng dùng từ đó trong cuốn sách. Nhưng vì sao lại có tên là đèn Hoa Kỳ? Sở dĩ có tên này vì một số nhà báo, nhà văn Tản Đà, Vũ Trọng Phụng sử dụng trong các bài viết nên dần dần báo chí dùng từ này thay vì dùng từ “Đèn sắt tây”.