Kẻ Láng đâu chỉ có rau húng

ANTD.VN - Kẻ Láng là làng cổ ở ven kinh thành Thăng Long xưa, nổi tiếng với nghề trồng rau. Nhưng mảnh đất này còn gắn với nhiều truyền thuyết, di tích thú vị mà không nhiều người thấu tỏ.

Lễ hội chùa Láng

“Ở đâu mà chẳng biết ta

Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau

Rau thơm, rau húng, rau mùi 

Thì là, cải cúc, dậy mùi hành hoa

Mùng tơi, rau ghém, ớt cà 

Bí đao, đậu ván vốn nhà trồng nên

Quang song tám dẻ cho bền

Chọn người thanh lịch gánh lên kinh kỳ”.

Tuy nhiên, Láng nổi tiếng nhất là rau húng.  

“Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”. 

Để phân biệt húng Láng với húng các làng khác phải nhìn vào ngọn. Ngọn húng Láng nhỏ có màu tía sẫm, ăn cay nhẹ và có vị thanh. Loại húng này mang đi trồng nơi khác có mùi bạc hà. Hành hoa cũng là đặc sản của Láng. 

Kẻ Láng là tên nôm của xã Yên Lãng. Thời Trần có tên là phường Vườn tỏi, là 1 trong 61 phường của kinh đô Thăng Long. Vua Trần Dụ Tông đã sai gia nô khẩn hoang bên bờ bắc sông Tô Lịch trồng tỏi. Năm 1942, Láng thuộc huyện Hoàn Long, ngoại ô Hà Nội, có 3 thôn: Thượng, Trung, Hạ, dài 3 cây số từ Cầu Giấy về Ngã Tư Sở. Thôn Thượng ngày nay còn di tích chùa Nền. Đây là nền nhà ông bà Từ Vinh và Tăng Thị Loan, sinh ra Từ Đạo Hạnh. 

Theo truyền thuyết, đạo sỹ Từ Vinh làm quan trong triều nhưng dùng pháp thuật quấy nhiễu nhà Diên Đình,  bị pháp sư Đại Điên ở làng Dịch Vọng Tiền dùng pháp thuật chém trôi sông Tô. Chồng bị chém, bà Loan bỏ đi tu ở làng Thượng Yên Quyết (tức làng Cót, nay là Yên Hòa) nhưng lẩn tránh ở chùa Hoa Lăng giữa cánh đồng làng Dịch Vọng Tiền. Khi Từ Đạo Hạnh lớn lên, đi tu ở chùa, học được pháp thuật, có thể cho cây gậy cho trôi ngược sông Tô. Pháp sư Đại Điên thấy lạ ra cổng đứng xem đã bị Từ Đạo Hạnh vụt chết báo thù cho cha. Nay ở xóm Quan Hoa của Làng Cót còn địa danh gọi là ngõ Vụt.

Cũng theo truyền thuyết dân gian, Từ Đạo Hạnh lại dùng pháp thuật đầu thai làm con Sùng Hiển, em Vua Lý Thánh Tông. Khi con trai của Sùng Hiển lên làm vua là Lý Thần Tông, tương truyền ông đã xây chùa Láng để thờ Từ Đạo Hạnh. Chùa có tên chữ là Chiêu Thiền tự, một di tích nổi tiếng của Thăng Long. Chùa Láng to và đẹp, giữa sân chùa có lầu bát giác, hậu cung có tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây được sơn son. Trên đường vào chùa có 2 hàng muỗm cổ thụ. Xưa còn có cây thông. Chùa Láng chính là bối cảnh cho bộ phim câm Kiều Nguyệt Nga quay vào những năm 1920. 

Xưa, hội Láng vui bậc nhất ngoại ô Thăng Long: “Nhớ ngày mồng 7 tháng 3/ Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy”. 

Nhưng hội Láng không phải năm nào cũng mở, tùy theo đời sống của dân chúng no hay đói và thường hàng chục năm mới mở một lần. Hội không chỉ có người dân làng Láng mà có sự tham gia của dân các làng xung quanh vì khi mở hội có tục rước Từ Đạo Hạnh từ chùa Láng sang thăm mẹ ở chùa Hoa Lăng và thăm cha ở làng Mọc. Lệ rước không đi trên cầu vì cha chết trôi sông nên trai các làng phải lội qua sông Tô chỗ gần Cầu Giấy hiện nay sau đó đỡ kiệu lên bờ. Cả 3 thôn Láng có chung 1 đình nằm ở thôn Hạ gần Ngã Tư Sở, đình thờ hậu Thổ phu nhân. Tương truyền, khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm thành nằm mơ thấy 1 người con gái tự xưng là Tinh hoa nước Nam xin giúp vua dâng kế phá giặc. Khi thắng trận trở về, Lý Thánh Tông cho xây đền thờ cô gái và phong là Hậu Thổ phu nhân.

Láng cũng nổi tiếng truyền thống thượng võ. Trong dịp hội làng bao giờ cũng có đấu vật, đấu võ. Trai làng không mấy ai không biết võ.

Tại Láng Trung hiện còn một di tích có giá trị là pháo đài Láng. Năm 1940, thực dân Pháp cắm 5 mẫu ruộng ở Láng Trung lập pháo đài để cùng với các pháo đài Xuân Tảo (Xuân Đỉnh), Xuân Canh ở Đông Anh, Thổ Khối ở Gia Lâm bảo vệ Hà Nội. Trong pháo đài đặt 4 khẩu pháo 75 ly do Đức sản xuất, có đài chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm để đạn, hai khẩu đại liên và nhiều súng trường để hỗ trợ và bảo vệ cho pháo cao xạ khi bị tấn công. Quân số có một đại đội lính Pháp và lính khố đỏ, do một viên quan hai Pháp chỉ huy. Cách mạng Tháng Tám thành công, pháo đài Láng về tay quân đội nhân dân Việt Nam. Được sự hướng dẫn của một số sĩ quan người Việt giác ngộ đi theo cách mạng, các chiến sĩ bộ đội và tự vệ xã Yên Lãng ở đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, chuyển pháo cao xạ thành pháo mặt đất để sẵn sàng bắn vào quân Pháp. 

Hồi 20 giờ ngày 19-12-1946, pháo đài Láng đã nổ những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành, mở màn cuộc kháng chiến của quân dân ta. Thực dân Pháp điều máy bay trinh sát để chỉ điểm cho máy bay chiến đấu ném bom vào pháo đài Láng, song pháo ta phản kích trả. Ngày 21-12-1946, pháo đài Láng đã bắn rơi một máy bay địch, xác rơi xuống phố Hàng Bột. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị bộ đội ta bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Ngày nay, pháo đài Láng đã trở thành di tích lịch sử cách mạng.

Ba thôn của làng Láng xưa nay gộp lại thành hai phường là Láng Thượng và Láng Hạ thuộc quận Đống Đa. Rau húng cũng không còn, sau chùa Láng hiện chỉ còn vạt lẻ tẻ gọi là giữ lại hương vị thứ sản vật trứ danh này.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến