Chuyện khoe vàng, phơi của, của những ông bố, bà mẹ hám danh

ANTĐ - Ngày cưới được coi là một trong những ngày hạnh phúc nhất của các đôi trẻ. Và đó cũng là ngày để không ít ông bố, bà mẹ lấy hư danh về cho mình thông qua việc cho con gái, con trai rất nhiều… vàng.

Mặc cho vàng tăng giá, họ kiên quyết phải có út nhất một, hai cây vàng để quăng vào cổ con, nhét chẫn vào các ngón tay của con để chứng tỏ tình thương, sự giàu có… Và đằng sau đó là vô số câu chuyện dở khóc, dở cười.

Con cái li hôn, cha mẹ cuống cuồng đòi vàng

Yêu nhau từ năm thứ ba đại học, trải qua nhiều ngăn cấm, cuối cùng Hùng và Miên cũng làm đám cưới. Gia đình Miên chê nhà Hùng nghèo, không xứng làm thông gia với gia đình họ. Bố mẹ Hùng không muốn con trai bị coi thường nên cũng khuyên nhủ anh nên tìm đám khác, không chê nghèo, khoe giàu với nhà anh thì cuộc sống vợ chồng Hùng mới có thể có được hạnh phúc.

Nhưng đã trót yêu nhau, hai người không làm cách nào mà chia tay được. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Cuối cùng hai nhà vẫn phải đồng ý cho hai con mình nên duyên vợ chồng. Hùng và Miên hạnh phúc bao nhiêu thì hai gia đình lại cay cú bấy nhiêu. Các bố mẹ vẫn chưa hài lòng về chuyện này nên họ quyết phải làm cho nhà thông gia bẽ mặt.

Bố mẹ Hùng không muốn con trai mình bị người đời chỉ trỏ là trai nghèo nên bằng mọi giá, họ nhất định sẽ tặng quà cho con dâu trước khi về nhà chồng trước mặt tất cả các khách khứa một món quà thật lớn và giá trị. Nhà chỉ có một con trâu cày cùng ba con bò sữa. Bố Hùng quyết định bán hết chỉ để lại con trâu cày để làm kế sinh nhai. Tiền bán bò và vay mượn thêm cũng đủ để ông mua một cây vàng, đánh thành chiếc kiềng lớn cho con dâu trong ngày cưới. Nói khó với vài bạn bè thân, ông vay được thêm chút tiền để sửa sang lại nhà cửa, xây thêm một gian nữa cho đôi trẻ và láng lại cái sân gạch cho tươm tất. Mọi việc xem chừng đã ổn, bố mẹ Hùng mới quay sang chuẩn bị tiệc cưới và danh sách khách mời cho con.

Trong khi đó, nhà Miên cũng không kém nhộn nhịp để lên kế hoạch “đấu đá” với thông gia. Gia đình Miên vốn khá giả nhưng để chuẩn bị cho một đám cưới đình đám, bố mẹ cô cũng đã phải rút hết tiền tiết kiệm dưỡng già của mình. Ông bà mua cho con gái ba cây vàng, con rể ba cây. Tất cả được đánh thành vòng và theo dự kiến, họ sẽ trao cho con gái và con rể đúng vào ngày cưới. Thông tin bị rò rỉ. Bố mẹ Hùng bàng hoàng vì dù đã cố gắng có được một cây vàng để cho con dâu nhưng nhà gái lại cho con gái và con rể của họ nhiều hơn. Thế chẳng khác nào đã biến ông bà thành trò cười cho thiên hạ. Không thể kiếm thêm tiền để mua thêm vàng, bố mẹ Hùng chuyển sang kế sách làm lại chiếc kiềng trông lớn hơn và rỗng ruột.

 

Ảnh minh hoạ.

Đám cưới cuối cùng rồi cũng xong. Thế nhưng sau đó, bố mẹ Hùng nói nhỏ với con trai để con trai đưa lại cho hai người ba cây vàng mà bố mẹ vợ cho trong lễ cưới để bố mẹ anh bán đi trả nợ. Biết bố mẹ vì mình mà bán hết những thứ giá trị trong nhà nên Hùng không suy nghĩ nhiều mà đưa cả cho mẹ. Anh còn lấy thêm một cây vàng trong số của hồi môn bố mẹ vợ cho Miên để bố mẹ mình bán đi lấy tiền trả nợ. Điều này làm Miên không mấy hài lòng nhưng cô cũng cho qua, không để bụng. Bình thường, vợ chồng Hùng sống ở trên thành phố, chỉ tết nhất mới về nhà. Ở thành phố thì không sao nhưng hễ về nhà là y như rằng có chuyện.

Nhà Hùng và nhà Miên cách nhau chỉ khoảng 15 phút đi bộ. Dù hai con đã cưới nhau nhưng hai bên bố mẹ vẫn giữ thái độ “thù địch”. Tết nhất hai nhà lại tranh nhau đua “giàu”. Tất nhiên dù có thế nào, nhà Hùng vẫn không thể hơn nhà Miên về kinh tế nhưng bố mẹ anh chẳng màng chuyện đó, bao nhiêu tiền tích cóp được trong năm đều mang ra dùng cả cho mấy ngày Tết nhằm chứng minh nhà mình cũng có chút của nả. Thông gia không thuận, con cái thành ra thường xuyên cãi nhau. Những câu chuyện theo kiểu chuyện nhà anh, chuyện nhà tôi, chuyện nhà mình khiến đôi vợ chồng trẻ cảm thấy mệt mỏi. 3 năm sau khi cưới, hai người quyết định chia tay để giải thoát cho nhau. Nhưng câu chuyện không kết thúc dễ dàng như thế.

Bố mẹ Miên nói, trước khi li hôn, cô phải mang về cho hai người toàn bộ số vàng mà ông bà đã cho con rể vào ngày cưới, con rể có thể trả bằng tiền quy đổi theo giá vàng hiện hành. Bố mẹ Miên ra “pháp lệnh” rằng, nếu Hùng chưa trả đủ vàng thì sẽ không có chuyện chia tay gì hết. Mới đầu, Miên nghĩ đó chỉ là một chiêu thức của bố mẹ cô nhằm cố ngăn chuyện li hôn xảy ra nhưng sau cô mới hiểu, bố mẹ mình đòi vàng thật. Không muốn sau việc li hôn, cô và Hùng trở thành thù địch của nhau nên Miên tuyệt đối không nói chuyện này với anh. Cô nói với bố mẹ: “Lúc cưới, bố mẹ chồng có cho con một cây. Giờ trừ một cây đó đi thì anh Hùng sẽ trả lại cho bố mẹ hai cây vàng”. Miên bí mật vay mượn bạn bè và bán hết đồ trang sức của mình đi. Số tiền thu được vừa đủ để “trả nợ’ cho bố mẹ. Thủ tục li hôn được tiến hành nhanh chóng. Và cho đến giờ, Hùng vẫn chưa biết mình bị bố mẹ vợ đòi vàng khi anh và Miên chia tay.

Câu chuyện cô dâu bị trả về nhà vì mất trinh (Cần Thơ) đến giờ vẫn khiến dư luận xôn xao. Người ta càng thấy nực cười hơn khi cô dâu đã bị trả về còn bị bố mẹ chồng nhờ tòa án can thiệp hòng lấy lại vòng vàng và tiền cưới từ cô dâu. Trong khi đó, cô dâu Nguyễn Đặng Xuân T trình bày trong đơn của mình là: “Lúc đám cưới cha mẹ chồng cho tôi 3,6 lượng vàng 24k và một chiếc xe máy Attila nhưng sau đám cưới thì mẹ chồng tôi yêu cầu gửi lại vàng vòng bà giữ dùm và tôi đã gửi theo yêu cầu của bà. Nay tôi viết đơn gửi cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm quan hệ vợ chồng với anh Duy và yêu cầu mẹ anh Duy hoàn trả lại số nữ trang mà tôi đã gửi bà". Quả là trên đời, chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra dù kì quái và nực cười.

Mượn vàng cho con vào ngày cưới

Bà Dậu cũng chung tâm lý muốn khoe khoang chút đỉnh trước thiên hạ, nhất là để mát mặt với thông gia và để con dâu được dịp ngẩng cao đầu hãnh diện vì nhà chồng, trước khi đám cưới của Mạnh, con trai bà và Hồng Hoa, cô gái sẽ là con dâu của bà, một tháng, bà Dậu đã lên kế hoạch “kiếm” vàng trao cho con dâu nhân ngày cưới.

Bà Dậu tính tình khá đồng bóng, thích khoe khoang và ưa được nịnh. Nhà bà ở bậc trung lưu, không giàu có nhưng cũng đủ sống song bà là người ăn diện ngút trời, người ta gặp bà lần đầu, ai cũng ngỡ bà là phu nhân nhà quyền quý. Nên lần này, cưới cậu con trai quý tử nhà bà, bà càng không thể bỏ qua cơ hội thể hiện mình. Bà Dậu có một người bạn kinh doanh vàng bạc. Hai bà chơi khá thân với nhau. Không có nhiều tiền để mua vàng trao cho con dâu trong ngày cưới, bà Dậu nghĩ ngay tới bà bạn vàng bạc này.

Chỉ cần trao đổi vài câu, bạn bà đồng ý ngay tức khắc cho bà mượn vàng để đeo cho con dâu trong ngày cưới. Đúng như kế hoạch đã sắp xếp, vào ngày cưới, bà Dậu làm cả gia đình mình lẫn con dâu mát mặt bởi số vàng mẹ chồng cho quá lớn. Hai chiếc kiềng vàng hai cây, một lắc tay vàng, hai dây chuyền, hoa tai đính đá quý, nhẫn bạch kim. Khỏi phải nói Hồng Hoa mừng rỡ như thế nào. Cô đang cần vốn để mở cửa hàng quần áo mà chưa biết lấy ở đâu. Số quà cưới mẹ chồng cho này thừa sức để cô bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình. Tất cả những người có mặt trong bữa tiệc cưới hôm ấy đều trầm trồ bởi mẹ chồng quá hào phóng với nàng dâu nhưng câu chuyện sau đó, chỉ có bà Dậu và Hồng Hoa biết.

Ngay sáng hôm sau, bà Dậu đã gõ cửa phòng vợ chồng trẻ để đòi vàng. Mới đầu, để giữ thể diện cho mình và gia đình, bà nói với con dâu rằng: “Con đưa vàng mẹ cất hộ cho. Con không có két, để linh tinh không khéo lại mất”. Cô con dâu cũng không vừa, nghĩ ngay đến chuyện gửi mẹ chồng thì khó đòi nên Hồng Hoa lựa lời với mẹ: “Con định mở cửa hàng kinh doanh quần áo nên số vàng mẹ cho, con đã mang đặt cọc cả”. Đến đấy thì bà Dậu mới ầm ầm lên: “Chết rồi. Đấy là vàng mẹ đi mượn về để làm đám cưới cho chúng mày thôi. Gọi là hình thức thôi. Mày đi đòi về ngay cho mẹ nếu không thì có bán nhà đi cũng không đủ mà trả đâu con ơi!”. Hoa nghe thế thì sững người. Cô đành buồn bã mang vàng trả lại để mẹ chồng mang trả cho bạn vàng bạc của mình. Thế là bao nhiêu dự định của Hồng Hoa bị tan vỡ trước khi kịp nhú mầm.

 

Cũng như bà Dậu, ông Kiên bà Lan cũng đi mượn vàng để đeo cho con dâu nhân ngày cưới. Nhưng hai ông bà không có bạn bè thân nào bán vàng bạc thân quen để có thể mượn. Sau khi hỏi hết những người có khả năng giúp đỡ, hai ông bà cũng chỉ mượn được gần một cây vàng. Cuối cùng, họ quyết định đi thuê vàng. Thuê 5 cây vàng, hai ông bà mất 10 triệu đồng và được thuê trong hai ngày, cắn răng đồng ý, họ bỏ ra 10 triệu để đổi lấy số vàng kia trong hai ngày để trong ngày cưới, hai người được nở mặt nở mày với quan bên hai họ. Khỏi phải nói, mọi người trong lễ cưới bất ngờ như thế nào khi món quà cưới bên nhà chồng trao cho cô dâu quá lớn như vậy.

Người ta thì thào về chuyện gia đình ông Kiên giả nghèo giả khổ bao nhiêu năm nay hóa ra là để giấu của. Mai, con dâu của ông bà Kiên, được dịp mát mặt với bạn bè vì trước đám cưới, các bạn vẫn xì xào nói Mai xinh xắn, giỏi giang mà lại vớ ngay phải một anh chàng khù khờ, gia đình lại chẳng hề có điều kiện. Thế nhưng cũng như Hoa, ngay sau ngày cưới, Mai lập tức bị bố mẹ chồng thu hồi lại vàng vì nếu để trễ sang ngày thứ ba thì sẽ phải trả thêm tiền thuê. Giờ khi đi làm, đồng nghiệp vẫn hỏi Mai sao để tay chân trống trơn, sao không đeo vàng bố mẹ chồng tặng. Mai lại ngượng nghịu cười trừ, bào chữa: “Đeo nhiều vàng ra đường sợ lắm. Thi thoảng đi đâu mới đeo thôi” và để bạn bè không nghi ngờ, thi thoảng Mai lại đi thuê vàng để đeo một, hai ngày. Những ngày ấy lúc nào cũng là những ngày khiến cô căng thẳng nhất vì “lỡ mất một bên hoa tai thôi thì em đền cũng phải hết tháng lương”.

“Giãn cách cưới để bố mẹ còn lo vàng”

Gia đình Huyền có tới 5 chị em gái. Người ta nói, có con gái thì khi lấy chồng không phải lo gì vì bên nhà chồng đều lo hết nhưng ở ngôi làng mà Huyền sống, lại có tục lệ khác. Con gái đi lấy chồng, bố mẹ không bao giờ chỉ có 1-2 chỉ vàng làm vốn mà luôn luôn ít nhất là một cây vàng. Nhà có điều kiện hơn thì cho nhiều hơn nhưng không bao giờ được phép cho con gái xuất giá đi lấy chồng số hồi môn ít hơn một cây vàng. Tục lệ này vì thế khiến bố mẹ Huyền khốn đốn vì bao nhiêu của nả ông bà làm được, tích góp được đều phải mang ra mua vàng để chuẩn bị sẵn cho ngày con gái lên xe hoa về nhà chồng.

Huyền là con gái út, hai chị trước cô đã lấy chồng, Mỗi chị, bố mẹ đều cho hai cây vàng. Ấy là khi giá vàng chưa tăng. Giờ vàng tăng vù vù, bố mẹ Huyền lúc nào cũng canh cánh làm sao mua đủ vàng để cho con trước khi con lấy chồng nên hai ông bà ra sắc lệnh: “Yêu đương kiểu gì thì yêu. Muốn cưới thì phải đợi bố mẹ tích đủ vàng thì mới được cưới”. Thế nên chị ba của Huyền và người yêu đã yêu nhau hơn 5 năm vẫn chưa được bố mẹ Huyền đồng ý cho cưới. Huyền cũng rục rịch muốn cưới mà chị ba còn chưa đến lượt nên chuyện của cô chưa thể bàn đến được.

Huyền nói với bố mẹ không cần cho cô vàng cũng được vì vợ chồng cô có thể tự làm tự ăn, không cần của hồi môn của bố mẹ nhưng hai ông bà không đồng ý: “Nếu không có gì cho mày thì bố mẹ làm gì còn mặt mũi nào nhìn mặt làng xóm nữa. Có chết bố mẹ cũng phải lo đủ vàng cho chúng mày. Miễn là giãn cách cưới để bố mẹ còn lo vàng”. Người yêu Huyền bàn với cô rằng hai người lo tiền để đưa cho bố mẹ rồi bố mẹ mua vàng để hai người được làm lễ cưới nhưng bố mẹ Huyền cũng không nghe. Mãi đến năm Huyền 27 tuổi” sau 3 năm đám cưới của chị ba được tổ chức, cô mới được bố mẹ đồng ý cho xuất giá. Huyền cưới xong thì cô em út cũng rập rịch đòi cưới. Nhưng chắc cô lại phải đợi vì bố mẹ cô còn phải tiếp tục tích vàng.

Thương bố mẹ, thương cả cô em út nên Huyền có ý cho lại em gái mình số vàng mà bố mẹ đã cho nhưng bố mẹ cô nhất định không đồng ý: “Đứa nào có của đứa ấy. Nếu cứ nhường đi nhường lại thì còn gì là truyền thống nữa”. Chẳng biết phải góp ý với bố mẹ thế nào, Huyền đành thở dài để cho đấng sinh thành của mình làm theo điều mà hai người muốn dù năm nay, bố mẹ cô đã đều gần 70 tuổi.

Không bắt buộc phải có vàng để cho con gái vào ngày cưới xin nhưng ông Hưng vẫn cố gắng chuẩn bị cho con một khoản hồi môn đáng giá khi con về nhà chồng vì ông chỉ có mỗi Huyền Trang là con gái duy nhất. Mẹ Huyền Trang mất khi Trang mới lên 3 tuổi. Kể từ ngày ấy, ông Hưng không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Ông là bộ đội, không có thu nhập gì ngoài đồng lương nên cả đời sống một cuộc sống bình bình, tằn tiện đủ sống và nuôi con. Ông hài lòng với mọi thứ như vậy, chỉ đến khi con gái lấy chồng, ông mới mong mình giàu. Lâm, con rể ông, xuất thân trong một gia đình vô cùng giàu có. Sự chênh lệch giữa hai bên gia đình khiến ông thấy khó xử và ngượng ngùng.

Gia đình Lâm chẳng hề nề hà chuyện này. Họ không có quan niệm môn đăng hộ đối, đối xử với Trang và nhà sui gia rất nồng nhiệt. Thế nhưng, ông Hưng không muốn con gái mình phải thiệt thòi nên vay mượn khắp nơi để mua của hồi môn cho con. Vợ ông trước khi mất có để lại một dây chuyền vàng và một vòng ngọc. Ông không bán đi mà vẫn giữ cho con gái. Số tiền vay mượn được, ông mua thêm cho con được 3 chỉ vàng. Thế vẫn là quá ít. Cực chẳng đã, ông nghĩ đến chuyện dùng vàng mĩ kí để trao cho con trong ngày cưới. Một cách để qua mắt thiên hạ và cũng để ông và con gái ông hãnh diện với mọi người hơn. Con gái cũng ngạc nhiên vì không hiểu bố mình lấy đâu ra nhiều tiền đến thế để mua từng ấy vàng cho mình. Nhưng ngay khi bố vừa đeo vào cổ Trang mấy chiếc dây chuyền vàng, cô liền hiểu ra câu chuyện. Tình thương của một người cha dành cho con gái luôn có thể giải thích được mọi điều cha làm dù là vô lí hay buồn cười.

Có gì cho nấy

Nếu như những bậc cha mẹ được nhắc đến trong những câu chuyện ở trên cuống cuồng sắm vàng cho con vào ngày cưới thì ông Nam, bà Mận lại không nặng nề về chuyện đó. Ông bà có ba người con trai, hai cậu lớn đã có gia đình. Cậu út đã có người yêu và sắp sửa làm đám cưới. Nhà ông bà không khá giả, chỉ là thường thường bậc trung, trong khi đó, con dâu tương lai tên Hiền lại là tiểu thư con nhà giàu. Họ hàng nói, dù nhà thông gia không câu nệ chuyện giàu nghèo nhưng trong đám cưới, nhất định ông Nam bà Mận phải có quà cưới thật hậu dành cho con dâu để lấy tiếng cho con trai và cũng để nhà thông gia không khinh thường gia đình nhà trai.

 

Chuyện này cũng khiến bà Mận suy nghĩ ghê lắm. Nhà bà xuất thân từ nông dân, sau người ta mở đường đi qua rồi mọi thứ phát triển mới bỗng dưng thành người thị xã. Ông bà sống nhờ vào một sạp vải ngoài chợ trung tâm. Cuộc sống khá bình lặng. Bà không sợ người ta chê mình nghèo nhưng sợ người ta khinh con trai mình. Bàn bạc với chồng chuyện mua vàng cho con dâu, ông Nam đồng ý nhưng ông nói: “Mình có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu bà ạ. Không phải cố làm gì rồi sau đám cưới của con, hai ông bà già lại nai lưng ra trả nợ thì không ra làm sao cả”.

Quang, cậu út nhà ông bà, cũng nhất trí như vậy. Cậu biết nhà bố mẹ vợ sẽ chẳng để ý gì đến chuyện này bởi điều quan trọng hơn mà ông bà quan tâm là cậu cùng Hiền có được hạnh phúc hay không. Thống nhất như vậy, đến ngày cưới, bà Mận trao cho con dâu một dây chuyền vàng nhỏ cùng mặt đá xinh xắn. Điều đặc biệt là chính bà may tặng con dâu bộ áo cưới vải ren theo kiểu do Quang nghĩ ra vì Quang vốn là một nhà thiết kế thời trang. Món quà khiến con dâu rất sửng sốt và cảm động. Ai cũng nói Hiền may mắn vì có một mẹ chồng tâm lý. Liệu có bao nhiêu cô gái, trong ngày trở thành cô dâu, ngày lộng lẫy nhất của mình lại được mẹ chồng tận tay may cho một bộ váy cưới, chứa trong đó là biết bao nhiêu yêu thương của mẹ. Hiền nói: “Thực ra, tiền bạc vốn chỉ là phù dù. Mình nói thì có vẻ văn chương nhưng quả thật là như vậy. Chiếc áo cưới do chính mẹ may cho mình quý giá hơn nhiều so với chuyện được tặng hàng chục cây vàng trong đám cưới”.

Không biết từ bao giờ, việc tặng vàng cho cô dâu trở thành một tục lệ trong đám cưới Việt Nam. Khi mới bắt đầu, nó là một nét đẹp với ý nghĩa vàng tượng trưng cho may mắn. Nhưng bước dần theo thời gian, việc tặng vàng bị biến tướng và trở thành cuộc đua của các bà mẹ chồng, của thông gia hai nhà nhằm khoe của, khoe vàng và khoe những hư danh không có thực. Cuộc chiến ngầm nhưng để lại hậu quả rõ ràng. Đó là những món nợ sau đám cưới, những tranh cãi của nàng dâu mẹ chồng về số vàng đã cho và bị đòi lại... Nó làm mất đi niềm vui trọn vẹn của đám cưới và mất đi cả ý nghĩa của hôn lễ. Những món quà mang tình cảm quan trọng hơn nhiều so với giá trị của nó. Và đến bao giờ, những đám cưới mà trong đó sẽ không còn những cô dâu hoảng loạn vì vàng?