Chuyện "để đời" khi nhà văn "quá chén"

ANTD.VN - Các bậc tao nhân mặc khách từ xưa đã luôn coi rượu là “chất xúc tác” không thể thiếu để thăng hoa trong những giây phút sáng tác. Không ít tác phẩm được ra đời trong trạng thái lâng lâng giữa đất trời như thế và người đọc nhiều đời sau cũng bị thứ men say vô hình quyến rũ. Còn thời nay, cũng có những nhà văn khi “quá chén” đã làm nên nhiều giai thoại có một không hai...

Không ít những bài thơ được ra đời sau những trạng thái lâng lâng bên chén rượu (Ảnh minh họa) 

Người nằm ngoài cánh cổng, xe đạp... tự vào sân

Thi sĩ Duy Khán thuở sinh thời luôn nổi tiếng cả “tài” lẫn “tật”, đó là tài thơ và tật uống rượu. Sau này đọc lại thơ ông, nhiều người thừa nhận những câu thơ sâu sắc nhất lại được ông sáng tác trong lúc... say. Có lần Duy Khán cùng Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo uống rượu ngoài quán cóc, khi đã say say, hai thi sĩ đàn em đưa Duy Khán đi bộ về nhà. Duy Khán bước chân xiêu vẹo nhưng luôn miệng nói: “Anh còn tỉnh lắm”. Ngay cả khi không bước nổi, ngã khuỵu xuống đất mà ông vẫn xua tay: “Không sao, không sao cả”, rồi xuất khẩu đọc liền một câu thơ để đời: “Ngã xuống rồi, em ơi, vẫn đất”. 

Không biết có phải vì thấy bố hay uống rượu nên con trai nhà thơ Duy Khán cũng “nhiễm” sở thích này không mà lần nào nhờ con đi mua rượu cũng thấy “hao” một chút. Duy Khán còn kể với bạn bè một kỷ niệm, dạo nghỉ hè ông đưa cậu con trai từ Hải Phòng lên Hà Nội chơi, khi chở con về để chuẩn bị vào năm học mới, tiện trên đường đi ông ghé vào quán rượu ngon mua một bi đông giao cho con ngồi phía sau giữ.

Nhà thơ Duy Khán

Dọc đường đi thấy con ngồi im thin thít, nghĩ con không muốn nói chuyện để bố tập trung đạp xe nên ông cũng không hỏi han gì. Về đến sân nhà, vừa dừng xe chống chân xuống đất, nhà thơ nghe “choeng” một cái và tiếp theo là “bịch” một cú. Hóa ra, sau khi cái bi đông rỗng bị buông rơi xuống sân gạch thì cậu con trai cũng lăn uỵch xuống theo vì cả bi đông rượu đã được cậu nhấp từng ngụm trên suốt quãng đường từ Hà Nội về Hải Phòng.

Lần khác, Duy Khán ngồi uống rượu một mình ở đâu đó rồi đạp xe về cơ quan (Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Về muộn nên cổng đã đóng, nhà thơ mệt quá không muốn gọi bảo vệ mở cổng, liền nằm lăn luôn ra đất. Trước khi chìm vào giấc ngủ ông còn cẩn thận lồng chân qua khung xe đạp đề phòng kẻ gian đi qua nẫng mất xe. Sáng sớm hôm sau, nhà văn Khuất Quang Thụy dậy tập thể dục, đang chạy vòng vòng quanh sân chợt nhìn thấy có người nằm ở cổng cơ quan, ông liền chạy đến gần và nhận ra Duy Khán. 

Nhà văn đi mượn chìa khóa mở cổng, gỡ xe đạp ra khỏi chân nhà thơ để dắt vào trong sân, định bụng sau đó sẽ ra đánh thức Duy Khán dậy. Vừa cất xe xong, quay ra đã thấy nhà thơ tỉnh dậy, đang ngơ ngác nhìn quanh tìm con “chiến mã” lọc xọc của mình, nhà văn chỉ tay vào trong sân bảo: “Nó kia kìa”. Duy Khán tròn mắt ngạc nhiên: “Ô, sao mình nằm đây mà “nó” lại vào được tận trong sân nhỉ? Tài thật! Tài thật!”.

Nhà văn Đào Bá Đoàn

Vừa hăm hở bơi vừa nói chuyện một mình

Nhà văn Đào Bá Đoàn chỉn chu, kỹ lưỡng trong công việc biên tập bao nhiêu thì lại ngẫu hứng bát ngát trong đời sống bấy nhiêu. Đặc biệt khi đã ngồi vào chiếu rượu thì không ai có thể lường đoán được điều gì xảy ra với anh. Nếu uống ở mức độ vừa phải, người ngồi cùng sẽ được nghe những điều thú vị từ trải nghiệm của anh trong sách vở, trong sáng tác, trong đời thực. Nhưng nếu bỗng dưng đang “cao đàm khoát luận” mà nhà văn im bặt rồi lặng lẽ bỏ đi thì hẳn là có chuyện li kỳ tiếp theo.

Có cuộc rượu được tổ chức ở nhà bạn đồng môn Phùng Văn Khai, mọi người rôm rả chuyện trò nên khi nhận thấy nhà văn Đào Bá Đoàn “biến mất” thì bổ đi tìm nhưng không ai thấy anh ở đâu. Đêm đã khuya, ai cũng phải về nhà mình nên đành giao lại nhiệm vụ cho chủ nhà Phùng Văn Khai tiếp tục cuộc tìm kiếm. Biết tính bạn, chỉ cần chuẩn bị sẵn nồi cháo nóng, rổ rau bắp cải sống thái chỉ và một ca nước là nửa đêm nhà văn trở về ăn uống xong sẽ lại tươi tỉnh như không, vì thế Phùng Văn Khai bình thản đi nấu cháo. 

Nhưng đến gần sáng vẫn không thấy bạn về, Phùng Văn Khai chợt lo cuống lên thì có điện thoại gọi đến, vội phóng xe máy ra phía bờ sông Lăng. Ra đến bờ sông, mấy cậu bảo vệ đi tuần đêm “bàn giao” ông khách cho Phùng Văn Khai sau khi tường thuật, suốt đêm qua nhà văn Đào Bá Đoàn cứ bơi từ bên này sông sang bên kia sông đến tảng sáng mới leo lên chân cầu thiếp đi.

Mới đầu họ tưởng có con cá lớn trở trời vật lộn trên sông hoặc gia súc nhà nào bị rơi xuống nước, nhưng khi soi đèn phát hiện ra đó là một người đàn ông vừa hăm hở bơi vừa trò chuyện một mình thì họ quá kinh hãi mà không làm cách nào đưa lên bờ được, đành chờ đến khi anh mệt lử tự bò lên. Một người trong toán bảo vệ nhận ra là bạn của Phùng Văn Khai nên gọi điện thoại báo. 

Được đưa về nhà, thay quần áo và khiêng lên giường ngủ đến 10h sáng nhà văn tỉnh giấc, sau khi ăn bát cháo và tắm táp sạch sẽ, nghe bạn kể lại mọi chuyện, Đào Bá Đoàn cứ trợn mắt “Thế á? Thế á?” như nghe chuyện của ai đó không liên quan đến mình. Chỉ đến khi nhìn cái chậu còn vứt  bộ quần áo của mình dầy đặc những bèo tấm bèo cái, nhà văn mới chịu tin và tủm tỉm cười rất... bí hiểm.