Chuyện chưa kể về những gánh xiếc tư ở Hà Nội (1): Lưu diễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào một sáng đầu năm mưa xuân lất phất, đường phố vắng bóng người qua lại bởi cả Hà Nội vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ thì trước cửa ngôi nhà phố Hàng Đào, một chiếc xe khách IFA nhộn nhịp chuyển đồ nghề, đạo cụ đoàn xiếc lên xe.
Tiết mục voi Tây Nguyên của NSƯT Tạ Duy Hùng

Tiết mục voi Tây Nguyên của NSƯT Tạ Duy Hùng

Lên đường

Đoàn hơn 20 người kể cả nhóm nhạc công, mỗi người một tay khẩn trương khuân vác hành lý để khởi hành đúng giờ. Bà vợ ông Thiện là người rất mê tín, lần nào cũng phải nhờ thầy xem cho ngày tốt, giờ tốt để khởi hành.

Các ghế ngồi phần cuối đã được tháo hết ra để xếp đồ. Đạo cụ của gánh xiếc chất cao sát trần xe. Các khung thép, sào tre, phông màn đều đưa lên nóc, còn lại các ghế trên đầu để diễn viên trong đoàn ngồi. Chiếc xe khởi hành qua các con phố Hà Nội dưới ánh đèn đường đỏ quạch hắt xuống những vũng nước còn đọng lại sau trận mưa đêm, rồi lùi lũi bò qua cầu Long Biên thẳng tiến về hướng Bắc. Khoảng hơn 8h, chúng tôi đã có mặt ở một huyện cách Hà Nội hơn 80km. Như được báo trước, khi ô tô đánh thẳng vào cổng UBND huyện, một nhóm cán bộ đã ra tận nơi chào chúng tôi với những cái bắt tay thân thiện và niềm nở. Các nghệ sĩ được đón tiếp trong nhà khách với dãy bàn ghế bằng gỗ véc-ni bóng loáng. Trên bàn bày mấy lọ thược dược, đồng tiền, dăm bao thuốc lá Điện Biên, vài đĩa bánh quy xốp, kẹo mềm. Hai cô gái trẻ vận sơ mi trắng, cặp tóc ngang vai tiếp nước trà. Lần đầu tiên nhóm nhạc chúng tôi được đến một vùng quê xa Hà Nội. Không khí trước đêm biểu diễn xiếc thật nhộn nhịp. Người dân kháo nhau đi mua vé xem từ chiều. Mới nhá nhem tối mà hàng quán đã đổ ra bãi cỏ quanh sân khấu. “Quầy hàng” những chiếc thúng trên đặt mẹt nan, mâm nhôm với đủ chủng loại đồ vặt kiểu kẹo vừng, kẹo lạc, túm chuối, lạc luộc, thuốc lá sợi, vài bao Tam Đảo, Đồ Sơn… Trên mỗi mẹt hàng đều có ngọn đèn dầu Hoa Kỳ lập lòe như những con đom đóm, nhìn từ xa cứ ngỡ đoàn người đang đi bắt cá đêm.

Sân khấu được dựng trên một bãi bóng. Ngay từ chiều, các thanh niên và dân quân địa phương đã khuân tre nứa để dựng rạp. Một sân khấu mới toanh xuất hiện, xung quanh được quây cót và dán kín pano quảng cáo. Từ ngoài cổng soát vé có hàng cọc tre căng dây để các thanh niên cờ đỏ giữ trật tự. Đêm diễn đầu tiên, không ngờ người xem đông ngoài sức tưởng tượng. Họ từ các ngả đường, thôn, xóm ùn ùn kéo đến trước quầy bán vé. Từ xa đã thấy dòng người với ánh đèn pin lập lòe mỗi lúc một đông.

Tập luyện Xiếc ngựa – Gánh Xiếc gia đình NSND Tạ Duy Hiển

Tập luyện Xiếc ngựa – Gánh Xiếc gia đình NSND Tạ Duy Hiển

Cái khó ló cái khôn

Trước giờ diễn, nhóm nhạc chúng tôi đã có mặt trên sân khấu, giai điệu từ kèn Trompet, Sacxophone, Arcordeon… càng khiến không khí khu bán vé thêm rộn ràng, sôi động. Khách phải chen nhau mới mua được vé. Hai chiếc đèn măng xông sáng rực trước sân khấu soi rõ những tấm pano sặc sỡ vẽ các nữ nghệ sĩ uốn dẻo, các nam nghệ sĩ tung hứng.

Giờ biểu diễn bắt đầu, tiếng kèn, tiếng trống rúc lên, tiếng vỗ tay rào rào không ngớt mỗi khi diễn viên xiếc trình diễn những tiết mục nhào lộn trên đu quay hay tiết mục uốn dẻo trên trống do Vân Khánh biểu diễn. Vân Khánh uốn mình như con tôm trên mặt trống, đầu chui qua hai chân, miệng ngậm bông hoa làm khán giả vỗ tay không ngớt. Rồi đến tiết mục tung hứng, những quả cầu xanh đỏ loang loáng trên không trung đúng như… làm xiếc. Đến tiết mục xiếc thú thì mới là đúng tủ của bọn trẻ. Bốn chú khỉ quần áo sặc sỡ dắt xe đạp ra sân khấu rồi nhảy lên xe cua một vòng, thậm chí còn vừa đèo nhau vừa thổi còi inh ỏi khiến khán giả không nhịn được cười. Nhưng rồi con khỉ đầu đàn bắt đầu dở chứng. Nó đứng ì ra, ra hiệu thế nào nó vẫn nhe răng khiến ở dưới vừa cười vừa vỗ tay không ngớt. Nhóm nhạc ngồi sau cánh gà cũng phải bịt mồm không dám cười to. Nhiều đứa trẻ không có tiền mua vé đành bám trên các cành cây cao gần sân khấu để ngó vào xem, trông chẳng khác nào đàn dơi đang đu đưa trước gió. Đến tiết mục xiếc khỉ, bọn chúng cũng bắt chước làm trò rung cành cây, la hét ầm ĩ.

Đêm thứ hai, chưa đến giờ diễn khách đã đông nghịt. Quầy vé phải tăng cường thêm người bán do khách từ thôn xa biết tin trên huyện có đoàn xiếc Hà Nội về biểu diễn nên kháo nhau đi xem rất đông. Có những người ở xa còn rủ nhau đi bộ từ chiều cho kịp giờ. Theo lịch trình, đoàn sẽ lưu diễn 3 đêm tại địa phương, còn ngày thứ tư chuyển sang địa điểm khác. Sau 2 đêm diễn thành công tốt đẹp ngoài mong đợi, vợ chồng ông Thiện vui lắm, trưa hôm sau đã tổ chức liên hoan bằng một chú cầy tơ.

Sang ngày hôm sau nữa, đoàn xiếc lại chuyển quân lên vùng miền núi huyện Phù Linh, tỉnh Phú Thọ. Khắc hẳn miền xuôi, nơi này nhà cửa thưa thớt, thảng hoặc lại có chị dân tộc gùi hàng đi trên đường trang phục màu chàm hay váy hoa văn sặc sỡ. Họ nhìn chúng tôi bằng con mắt dò xét. Nơi này vẫn còn lạ lẫm với bộ môn xiếc. Trước giờ họ mới chỉ được xem phim do các đoàn chiếu bóng lưu động vài tháng về một lần. Khi chúng tôi dỡ đạo cụ từ trên xe xuống, một đám đông trẻ nhỏ tò mò vây quanh, một vài cô gái dân tộc cũng lấp ló đàng xa quan sát chúng tôi làm việc. Sân khấu là một gò đất bằng phẳng, bên dưới là bãi cỏ rộng mà người dân dùng để họp chợ phiên. Nhóm phụ việc vì thế phải vất vả khuân tre, nứa bắc rạp vì không có người giúp như các huyện dưới xuôi. Từ sáng sớm, 2 thanh niên phụ việc trong đoàn được điều làm công việc quảng cáo. Họ ngồi trên chiếc xe trâu cùng chiếc trống to như trống làng, quanh xe cắm đủ loại cờ xanh đỏ tím vàng. Chữ “Xiếc Hà Nội” in đậm trên nền phông trắng nổi bật bên thành xe. Một cậu ra sức gõ trống, cậu kia cầm chiếc loa hướng vào các bản mà oang oang: “Alô… A lô… Mời đồng bào tối nay đến xem Đoàn xiếc Hà Nội về biểu diễn phục vụ bà con dân bản tại địa điểm chợ phiên cạnh Nhà văn hóa huyện. Alô… A lô”.

NSƯT Đỗ Phương Hảo biểu diễn cùng sư tử

NSƯT Đỗ Phương Hảo biểu diễn cùng sư tử

Đi biểu diễn bằng xe trâu

Đêm đầu biểu diễn, khách đi xem thưa thớt, đa phần là thanh niên, trẻ nhỏ, cho dù giá vẻ đã giảm xuống gần nửa. Ông Thiện bắt đầu nghiên cứu phương án quảng cáo nhằm thu hút khán giả. Sau đó, ông đưa ra một sáng kiến độc nhất vô nhị. Hôm sau là phiên chợ Khổng nằm trên đất Tuyên Quang, cách nhau con sông Lô. Từ mờ sáng, đồng bào dân tộc và cả người Kinh từ các xóm, bản huyện Phù Linh kéo nhau đi chợ rất đông. Anh Lợi “kỳ đà” đứng trên mô đất cao bên này sông bắt đầu chõ kèn Trompet về phía chợ rồi chơi liên hồi các bài hành khúc: “Tiến quân ca”, “Tiến về Sài Gòn”, “Cùng nhau đi hồng binh”, “Thăng Long hành khúc ca”… Tiếng kèn Trompet vang rất xa, giai điệu hòa cùng tiếng sóng vỗ của dòng sông Lô thành ra một cảnh tượng chưa từng có ở vùng núi rừng sâu thẳm. Người trong chợ đổ cả ra ven sông để nghe. Đồng thời họ nhìn thấy rất nhiều băng rôn, hình vẽ diễn viên xiếc quảng cáo trên phông. Phương pháp quảng cáo đến Philip Kotler cũng phải chào thua ấy hóa ra đạt kết quả mỹ mãn. Đêm diễn hôm đó khán giả đông gấp 2 buổi trước.

Nhưng rồi một sự cố bất ngờ xảy ra. Khi đoàn thu xếp để lên đường thì chiếc ô tô dở chứng mà vẫn còn một địa phương nữa phải phục vụ trước khi quay về Hà Nội. Trước tình huống cấp bách, ông Thiện cử người đi liên hệ vài xí nghiệp vận tải huyện để thuê ô tô nhưng không thành vì miền núi rất khan hiếm xe. Cuối cùng, ông đành thuê 3 chiếc xe trâu của dân địa phương để chở cả người lẫn đạo cụ cho kịp hôm sau có mặt nơi tập kết. Ông cũng lệnh cho cấp dưỡng làm cơm gấp để 10h đoàn lên đường. Quãng đường từ huyện ra tới quốc lộ đi Tuyên Quang chỉ khoảng hơn 50km, nhưng với phương tiện là xe trâu, đường đất lại gồ ghề khó đi nên mọi việc cần tranh thủ, khẩn trương.

Giờ G đã tới. Đoàn xe trâu 3 chiếc nối đuôi nhau. Xe đi cuối cùng chở phông màn, đạo cụ cồng kềnh, 2 xe đi trước chở người và hành lý. Dân từ hai bên đường hiếu kỳ đổ ra xem. Vùng miền núi, mới 17h sương đã bao phủ dày đặc, chỉ còn chút ráng chiều chạng vạng trên con đường đất đỏ xuyên rừng. Đoàn xe trâu mới đi được hơn 2/3 đường mà đã tối lịm. Chiếc đèn bão trên cọc tre lắc lư theo con đường gồ ghề, nhìn từ xa chỉ thấy những chấm đỏ lập lòe di chuyển. Mỗi khi xe nẩy xuống ổ gà, ổ voi, các cô cậu diễn viên lại kêu lên “khổ quá, ba ơi!”, trong khi anh em nhóm nhạc chúng tôi lại thích thú vì được một chuyến phiêu lưu như… trong phim.

Hơn 5 thập kỷ đã qua, giờ thì những nhạc công ngày ấy đều đã thành người thiên cổ. Gia đình ông chủ gánh xiếc sau giải phóng miền Nam cũng chuyển về Huế, nơi ông sinh ra. Sau này nghe phong thanh ông Thiện đã qua đời ngay tại quê nhà, bên dòng sông Hương lặng lẽ nơi ít người ưa xiếc.