Chút cảm xúc về người nghệ sỹ dốc tâm tư trên mỗi phím đàn

ANTĐ - Một đời phiêu lãng, Nguyễn Ánh 9 “lang thang” góp nhặt từng mảnh vụn buồn vui trên mỗi ngọn cỏ lá cây để nhân giới hướng đến nhiên giới, đất trời hữu hình và vô hình giao hòa qua từng nhạc phẩm.
Chút cảm xúc về người nghệ sỹ  dốc tâm tư trên mỗi phím đàn ảnh 1

Nguyễn Ánh 9 vốn người Nam Trung Bộ, miền đất của nắng và gió, của biển xanh muối mặn, nồng hậu tình cảm của con người. Sinh trưởng trong một gia đình bề thế có truyền thống lấy đạo lý làm nền tảng gốc rễ, ước nguyện đến với âm nhạc đã giúp ông vượt qua mọi trắc trở, miệt mài tu nghiệp khổ luyện học hành trên từng dấu thăng trầm… Ông đã thành đạt trong sự nghiệp từ phím dương cầm như những hạt giống gieo cảm xúc sâu trong tâm hồn, từ nội tâm của người nặng lòng đam mê âm nhạc.

Vốn sống phong phú là cơ duyên đưa ông đến sự nghiệp viết nhạc, dù ông viết không nhiều. Ông viết không nhiều bởi lẽ không muốn dễ dãi với âm nhạc, nếu không muốn nói là có sự khắt khe trong từng sáng tác. Sự khắt khe đó là cái chính yếu để mỗi nhạc phẩm được ông viết nhanh chóng có vị thế trong làng nhạc, ở mãi trong lòng người nghe, thậm chí làm hành trang trong đời sống tinh thần. 

Vào thập kỷ 70, Nguyễn Ánh 9 được công chúng đón nhận như một hiện tượng âm nhạc. Từ “Tình khúc chiều mưa”: Một đời giăng mắc sớm trưa/Trời xanh ban nắng mà mưa trong lòng đến “Không” với âm hưởng lan tỏa tới tận miền xa xứ lạ khiến một nghệ sĩ đến từ Nhật Bản cũng rung động và trình diễn không biết bao nhiêu lần cho tới khi đến Việt Nam… bày tỏ lời xin lỗi, lòng biết ơn và ý định trả tiền bản quyền. Nở nụ cười hiền hòa đôn hậu, ông nói: “Tôi xin vui nhận lời xin lỗi và cảm ơn của các bạn. Còn về tiền bạc có quý thật nhưng tôi không nhận”. Chia ban có phước hơn lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc tìm lại bản thân.

Nói rằng “Buồn ơi ta xin chào mi”, nhưng nhạc Nguyễn Ánh 9 vẫn buồn.  Chỉ từ trong nỗi buồn mới cảm nhận được niềm vui một mai lan tỏa. Buồn mà không rã rời, buồn mà không vong thân thất vọng. Trong ca từ giai điệu của ông luôn ánh lên sự lãng mạn hy vọng vươn tới đỉnh thương yêu!

Có người nhận xét rằng, nhạc Nguyễn Ánh 9 mang phong cách cổ điển, chính thống, phảng phất âm hưởng của Aria gần gũi với mọi lứa tuổi trong cảm nhận. Được hỏi, một đời sống và sự nghiệp ông có trăn trở nỗi niềm gì, Nguyễn Ánh 9 tâm sự: “Trong tôi luôn ấp ủ mơ ước mong một ngày được đi trên từng con phố cổ của Thủ đô ngàn năm văn hiến mà trước đó tôi chỉ được biết trong sách vở văn chương”. Năm 2002, ông cuối cùng cũng thực hiện được mong muốn đó của mình. 

13 năm sau đó, Nguyễn Ánh 9 trở lại Hà Nội, hình hài hao gầy với thời gian song vẫn là một nghệ sĩ không biết mệt mỏi, đam mê say sưa trên cung đàn. “Soi gương đã thấy mình già/Soi đời còn thấy mình là mùa xuân”, những hạt giống qua tiếng đàn gieo vào lòng người như mối dây mở rộng vòng tay kết nối với tha nhân. Tôi không chủ đích vinh danh xưng tụng một cá nhân, một tên tuổi, mà bằng sự biết ơn sâu sắc, tôi muốn được học ở ông cách sống thẳng sống thật và sống hết mình vì nghệ thuật. Qua đêm nhạc Nguyễn Ánh 9, sự hấp dẫn lôi cuốn đã chạm đến ngưỡng trong lòng mỗi người nghe, để lại một cảm xúc sâu xa mà lắng đọng về “bóng ngày qua”…