Chương trình giải trí cho thiếu nhi vào mùa

(ANTĐ) - Thời gian này, trong khi em học sinh đang khẩn trương hoàn tất bài vở để khép lại năm học cũ thì đội ngũ các nhà sản xuất chương trình thiếu nhi cũng chuẩn bị tung ra nhiều món quà giải trí  dành riêng cho dịp hè sắp tới.

Chương trình giải trí cho thiếu nhi vào mùa

(ANTĐ) - Thời gian này, trong khi em học sinh đang khẩn trương hoàn tất bài vở để khép lại năm học cũ thì đội ngũ các nhà sản xuất chương trình thiếu nhi cũng chuẩn bị tung ra nhiều món quà giải trí  dành riêng cho dịp hè sắp tới.

“No dồn đói góp”…

Thường thì các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi gần như vắng bóng quanh năm và chỉ lộ diện rõ nét trong dịp 1-6 và kỳ nghỉ hè ba tháng. Năm nay cũng vậy, song song với việc duy trì một vài showgame đã phát sóng trên các kênh truyền hình như: Góc thiếu nhi, Lăng kính thông minh (VTV1), Tuổi thơ khám phá (VTV2), Thần đồng đất Việt (VTC1)… cũng có một số showgame mới sẽ ra đời.

Nếu như kênh VTV2 dự định tổ chức một cuộc thi về chủ đề mùa hè, dành cho học sinh cấp 2 trên phạm vi toàn quốc, với nội dung xen lẫn giữa thi trắc nghiệm kiến thức và thi vui chơi ngoài trời; thì kênh VTV3 lại trình làng Đồ Rê Mí – một sân chơi âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi từ 5 - 10 tuổi có phiên bản từa tựa như “Sao Mai điểm hẹn” và kéo dài suốt thời gian ba tháng hè (16-6 – tháng 8-2007).

Chương trình Chơi với tôi do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tài trợ
Chương trình Chơi với tôi do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tài trợ

Cùng với đó, phiên bản tiếng Việt của chương trình Chơi với tôi, Seasame do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tài trợ sẽ tiếp tục được phát sóng vào 11 giờ trưa chủ nhật hàng tuần trên VTV1 với những bài hát vui tươi, những bài học nhận thức tâm lý nhẹ nhàng thông qua các nhân vật bông ngộ nghĩnh: Grover hoạt bát, Bert nghiêm nghị, Ernie tốt bụng...

Ở lĩnh vực phim truyện, mặc dù đã có sự tăng cường nhưng vẫn không tránh khỏi lối mòn “đến hẹn lại lên” từ nhiều năm trước đây. Có những bộ phim đã được phát sóng từ rất lâu như: Tây Du Ký, Hồng Hài Nhi, Chuyện nàng Tinh Vệ lấp biển… nay lại tái ngộ các khán giả nhỏ tuổi vào các ngày trong tuần trên VTV3 kể từ tháng 6.

Được biết từ giờ  đến cuối tháng 7, kênh này không có kế hoạch phát thêm bộ phim nước ngoài nào phục vụ thiếu nhi. Điểm nhấn đáng chú ý ở kênh này là phần 2 bộ phim “Nhật ký Vàng Anh” và 52 tập phim khoa học giả tưởng Việt Nam Cậu bé ngoài hành tinh của đạo diễn Lê Bảo Trung có sự góp mặt của nhiều diễn viên hài miền Nam đã thể hiện cách nhìn và hướng đi khá táo bạo. Câu chuyện xoay quanh cậu bé người ngoài Trái đất tên Sao, vì giận dỗi bố mẹ mà bỏ nhà đi và vô tình lạc xuống Trái Đất, kết thêm những người bạn mới và rốt cuộc học được nhiều bài học quý giá về tình cảm gia đình.

Bên cạnh đó, VTV1 đã mua bản quyền và lên kế hoạch phát sóng 2 bộ phim phiêu lưu mạo hiểm của Mỹ: Cánh cửa bí mật kể về những chuyến đi xuyên biên giới của cô bé Hannah và cậu bé Brett khi Brett tình cờ phát hiện ra một cánh cửa thần kỳ bí mật trong căn nhà cũ; Tổ chức Veritas...

Về phim hoạt hình, VTV2 tiết lộ trong dịp hè này sẽ có một sêri phim hoạt hình nước ngoài đặc sắc dành cho thiếu nhi. Còn Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thì tuyên bố đã ký hợp đồng phát hành ngoài rạp 8 bộ phim hoạt hình được sản xuất trong năm vừa qua. Trong đó có một bộ phim 3D Giấc mơ bong bóng, một bộ phim hoạt hình 2D Chuyến đi xa của tắc kè. Cả hai bộ phim này đều đã giành giải thưởng của giải Cánh diều vàng 2006.

Vẫn chưa thỏa “cơn khát”

Nhìn vào mặt bằng các chương trình giải trí và phim ảnh thiếu nhi hè năm nay, có thể thấy mặc dù các nhà sản xuất đã đưa ra một thực đơn khá nhiều “món” để các em lựa chọn nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông khán giả nhỏ tuổi. Chúng ta vẫn thiếu những sân chơi thực sự thu hút các em nhập cuộc chứ không phải là những cuộc thi nặng tính khoa học cứng nhắc, thiếu những bộ phim làm đúng chất hồn nhiên của lứa tuổi thiếu nhi như: Đội đặc nhiệm nhà C21, Kính vạn hoa, Mùa hè sôi động, Một chuyến phiêu lưu... Vì thế chính các em cũng tỏ ra không mấy mặn mà với các sản phẩm dành riêng cho mình.

Từng nổi tiếng một thời với Cha con ông Mắt Mèo, U14 đội bóng trong mơ, Chuyện cổ tích Việt Nam... song đạo diễn Lâm Lê Dũng cũng phải thừa nhận phim sản xuất dành cho lứa tuổi thiếu nhi hiện nay khó thuyết phục và chưa diễn tả được chân thực ước mơ trong tâm hồn trẻ thơ: “Chúng tôi luôn cố gắng hết sức nhưng quả thực nền công nghiệp điện ảnh và kỹ thuật công nghệ của chúng ta chưa thực sự phát triển nên mới chỉ dừng lại ở cách làm mộc. Phải khắc phục được những điều đó mới có thể đi xa được”.

Cũng có nhiều ý kiến đổ lỗi cho khâu kịch bản còn yếu kém nhưng nhà văn Hoàng Quốc Hải thì lại cho rằng nền văn học thiếu nhi của chúng ta bây giờ chưa đáp ứng được nhu cầu điện ảnh trong khi nó lại là bầu sữa nuôi dưỡng nguồn kịch bản, viết về thiếu nhi mà nhại ngôn ngữ các em hay cố thu mình bé lại thì sao có thể dựng thành kịch bản hay. Chúng ta khan hiếm những cây viết thiếu nhi trong trẻo như: Phạm Hổ, Nhật Ánh... Thêm vào đó, tác phẩm chưa có sự đầu tư lớn về kỹ xảo mà chỉ thiên về lời thoại nên thông tin không mới, hình ảnh cũ.

Trên thực tế, ưu thế của các bộ phim hoạt hình nước ngoài vượt trội so với “hàng nội”, nhưng có vẻ như các rạp chiếu phim cũng chưa dám mạnh tay nhập về nhiều thể loại này. Điều này cũng dễ hiểu bởi bản quyền mua phim điện ảnh thiếu nhi thường rất đắt, doanh thu từ các bộ phim này thường không cao bởi rất ít phụ huynh dắt con đến rạp xem phim. Hơn nữa, khâu lồng tiếng cũng gặp không ít khó khăn bởi nếu thuyết minh thì sẽ nhàm chán, làm phụ đề thì trẻ con không kịp hiểu mà lồng tiếng thì phải xin hãng làm phim cho xóa tiếng gốc.      

Bích Hậu