Chửa trứng và biến chứng ung thư nhau thai

ANTD.VN - Là một bất thường thai nghén nguy hiểm, chửa trứng không chỉ khiến bạn mất con mà nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người mẹ.

Khó phát hiện sớm

Chửa trứng là một bất thường thai nghén nguy hiểm. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do một phần hoặc toàn bộ gai nhau (lớp màng đệm bao quanh phôi thai) bị thoái hóa biến thành các túi dịch với nhiều kích thước lớn nhỏ. Chúng kết lại từng chùm như trứng ếch và xâm chiếm buồng tử cung. Nhiều người thắc mắc rằng chửa trứng đơn thuần là trong bụng thai phụ chỉ toàn là các túi dịch hay vừa có túi dịch, vừa có tổ chức thai?

Theo Thạc sỹ Lê Lan Anh, chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số thì cả hai trường hợp này đều có thể xảy ra. Khi tử cung thai phụ chỉ chứa túi dịch, người ta gọi đó là chửa trứng toàn phần. Ngược lại, nếu nó vừa chứa túi dịch vừa có tổ chức thai thì được gọi là chửa trứng bán phần. Trên thực tế, nhiều tổ chức thai của chửa trứng bán phần còn có thể sống đến tháng thứ ba, thứ tư của thai kỳ.

Không giống như nhiều bất thường thai nghén khác, chửa trứng khó phát hiện bởi các dấu hiệu nhận biết bệnh thường không điển hình, chẳng hạn như nghén nặng (giống với nhiễm độc thai nghén), rong kinh (hay bị chẩn đoán nhầm là dọa sảy ở giai đoạn đầu), phù chân tay, bụng to… Với chửa trứng toàn phần, bất thường có thể được phát hiện ra vào khoảng tuần thứ tám khi siêu âm không thấy tim thai. Tuy nhiên, với chửa trứng bán phần, nhất là trong trường hợp tổ chức thai phát triển song song với túi dịch thì nhận biết bệnh sẽ khó hơn. Thông thường, đến giữa thai kỳ, các bất thường này mới nhìn rõ bằng siêu âm. Đặc biệt, khi xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy nồng độ HCG ở mức rất cao, trên 3.000 đơn vị quốc tế.

Chỉ nên mang thai lại sau đó 2 năm

Chửa trứng có thể tự vỡ, tuy nhiên, trong trường hợp đó nó sẽ vô cùng nguy hiểm vì dễ dẫn đến băng huyết. Do vậy, ngay khi phát hiện chửa trứng, bạn cần phải tiến hành nạo hút ngay lập tức. 

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là biến chứng xấu nhất mà chửa trứng có thể mang lại. Các nghiên cứu cho thấy, chửa trứng còn có thể biến chứng thành ung thư nhau thai. Lúc đó, bệnh sẽ phát triển rất nhanh và mau chóng lan rộng đến các cơ quan khác như não, phổi… Mặc dù tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 2-3%, song vẫn cần đề phòng. Sự thực là chửa trứng có thể gây ra nhiều nguy hiểm, nhưng không nên quá lo lắng. Bởi lẽ, nếu thai kỳ được theo dõi thường xuyên, chửa trứng có thể phát hiện kịp thời và hơn 80% số đó là lành tính.

Có một điều cần lưu ý đó là, dù đã được xử lý nhưng những thai phụ từng bị chửa trứng vẫn cần phải theo dõi các biến chứng sau đó. Trong thời gian theo dõi này (do bác sĩ quyết định), bạn không nên có thai ngay mà tốt nhất hãy chờ khoảng 2 năm sau đó. Người từng bị chửa trứng hoàn toàn có thể sinh con khỏe mạnh ở những lần sau, song nếu mang thai lại cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ước tính, tỷ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ khoảng 1-2%.

Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chửa trứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng tuổi tác (ngoài 40 tuổi), đẻ nhiều, thai phụ thiếu chất dinh dưỡng (chủ yếu là đạm) là các lý do chính dẫn tới tình trạng này. Vì thế, nếu muốn bảo vệ bản thân, bạn cần đảm bảo rằng mình không rơi vào những trường hợp kể trên.

Chửa trứng nếu để lâu, các túi dịch sẽ ăn sâu vào cơ tử cung, gây thủng lớp cơ tử cung, chảy máu ổ bụng. Thực tế có khoảng 10-15% các ca chửa trứng vì chủ quan mà rơi vào tình huống xấu này.

(Chuyên gia tư vấn sức khỏe Lan Anh)