Chữa trị căn nguyên

ANTĐ - Quan điểm điều hành xuyên suốt cả năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ tái khẳng định là ưu tiên hàng đầu kiềm chế lạm phát. Nghị quyết số 01 của Chính phủ vừa ban hành đã đề ra 7 nhóm giải pháp, trong đó tập trung kiềm chế lạm phát trên cơ sở thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường giá cả… Triển vọng kinh tế 2012 được dự báo không mấy lạc quan, bởi năm 2011 kết thúc với mức lạm phát không những không giảm mà còn ở ngưỡng rất cao. Trong khi đó, năm nay còn một ưu tiên cũng rất quan trọng là tái cơ cấu nền kinh tế.

Một câu hỏi lớn cũng là một nỗi lo lớn của Chính phủ là năm nay lạm phát sẽ diễn ra như thế nào, trong khi không để GDP tăng trưởng thấp hơn năm ngoái. Theo sự phân công của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 khoảng 15-17%.

Đề cập đến vấn đề điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng, năm 2012 nếu không tháo gỡ kịp thời, sản xuất sẽ trì trệ, tăng trưởng suy giảm, tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp hết sức lao đao, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được vay vốn thường xuyên.

Vì vậy, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15% năm và lạm phát xuống 10%, thì nguy cơ phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn “bóng dáng” trên thị trường sau một năm nữa, đây sẽ là hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Chính phủ đã phát đi thông điệp sẽ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát cùng với các biện pháp nhằm giảm tải khó khăn và áp lực cho sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng xác định, năm 2012 là năm bản lề tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Khâu đột phá mở màn là tái cấu trúc khu vực tài chính, ngân hàng, được ví như huyết mạch nuôi dưỡng “cơ thể” kinh tế.

Vậy đâu là “nút thắt” khó tháo gỡ nhất trong cuộc tái cơ cấu này? Theo nhận định của một tiến sỹ kinh tế cấp cao, đặc trưng của khu vực ngân hàng là sở hữu chồng chéo. Nghĩa là, ngân hàng sở hữu tập đoàn, tập đoàn sở hữu ngân hàng, ngân hàng sở hữu các công ty tài chính và các công ty tài chính lại sở hữu các tập đoàn. Hiện tượng này dẫn đến việc cho vay theo mối quan hệ, cho vay theo nhóm lợi ích, cách cho vay như vậy không đảm bảo hiệu quả. Thế nhưng, hiệu quả lại là tiêu chí hàng đầu của quá trình tái cơ cấu. Chính tình trạng sở hữu chồng chéo này khiến cho việc tái cơ cấu ngân hàng không dễ dàng. Lý do là, khi gỡ “nút” nào thì giống như “rút dây động rừng”. Vì thế, nếu không quyết tâm về chính sách và không có một quy tắc mạch lạc trong việc xác định loại ngân hàng tái cơ cấu, biện pháp tái cơ cấu và các biện pháp kiểm soát đặc biệt của Nhà nước thì sẽ khó tái cơ cấu thành công.

Xác định năm 2012 là năm bản lề tái cơ cấu nền kinh tế. Mọi cuộc tái cơ cấu đều phải tránh gây đổ vỡ, song cũng cần tránh những biện pháp hành chính, các biện pháp thức thời chỉ có tác dụng cắt giảm “triệu chứng” mà không chữa trị được căn nguyên, gốc rễ.