Chưa tăng giá vì lo ế hàng

ANTĐ - Với lý do giá các nguyên liệu đầu vào cùng với giá xăng dầu, điện, gas tăng… nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối đã có văn bản đề xuất các siêu thị tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được các siêu thị chấp thuận.

Tăng giá trong bối cảnh nhu cầu mua sắm giảm là không hợp lý

(Ảnh minh họa)

Tăng giá dè dặt

Chưa bao giờ, các nhà bán lẻ phải cân nhắc việc tăng giá bán lẻ hàng hóa trong siêu thị như lúc này, bởi “đặc quyền” của siêu thị là phục vụ chủ yếu những khách hàng có điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, mặt bằng đẹp, hàng hóa đảm bảo chất lượng, mua sắm tiện nghi, hiện đại khiến các nhà bán lẻ thường đồng ý với nhà sản xuất, phân phối tăng giá bán trước mỗi đợt giá đầu vào tăng. Tuy nhiên, bối cảnh kinh doanh hiện tại khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đã khiến các nhà bán lẻ phải đắn đo.

Thông tin từ một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Fivimart, Intimex, Hapro… cho biết, hiện một số nhà sản xuất, phân phối các mặt hàng: may mặc, nhựa, hóa mỹ phẩm đã đề xuất nâng giá bán lẻ thêm 5-7% nhưng phần lớn các đề xuất đều bị siêu thị từ chối. Đại diện một siêu thị lớn cho hay: “Kinh doanh đang rất ế ẩm, nếu siêu thị tăng giá bán nữa thì sẽ không bán được hàng. Chúng tôi chỉ đồng ý tăng giá một số mặt hàng hóa mỹ phẩm, chứ không tăng cả nhóm hàng hóa mỹ phẩm. Mặt hàng nào bán chạy sẽ được điều chỉnh”. Bên cạnh đó, có tín hiệu mừng từ các nhà bán lẻ là một số siêu thị như: Hapro, Fivimart, họ đã chủ động hơn trong tìm kiếm nguồn hàng, không còn thụ động ngồi chờ nhà phân phối mang tới như trước. Các siêu thị đã tìm đến doanh nghiệp sản xuất kem đánh răng, nước rửa bát… của doanh nghiệp uy tín trong miền Nam để ký hợp đồng. 

Không trực tiếp trả lời câu hỏi BigC đã nhận được đề nghị tăng giá bán ở những ngành hàng nào trong cuộc họp báo mới đây, ông Laurent Zécri - Tân Tổng giám đốc của BigC Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đàm phán với các nhà phân phối hàng ngày để có mức giá tốt nhất đối với người tiêu dùng. Bản thân nhà sản xuất, phân phối cũng biết, nếu tăng giá hàng hóa lúc này, họ sẽ không bán được hàng”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các đề xuất tăng giá bán tới tấp gửi đến các siêu thị nhưng chưa được nhà bán lẻ đồng ý. 

Bà Dương Quỳnh Trang - Giám đốc Đối ngoại của BigC Việt Nam chia sẻ: “Có những chương trình khuyến mãi bán hàng giá gốc của BigC dự kiến kết thúc vào cuối tháng 9, nhưng do thấy giữ giá bán này hàng tiêu thụ tốt hơn nên chúng tôi quyết định kéo dài đến tháng 11-2012”.

Nghịch lý hàng tồn kho

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến thời điểm 1-9-2012, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó những ngành có tồn kho cao tập trung ở nhóm sản xuất vật liệu xây dựng như: sản xuất xi măng, sắt, thép, gang (tăng trên 40%); sản xuất thức ăn gia súc và thuỷ sản, may trang phục, phân bón và hợp chất nitơ, sản phẩm khác từ plastic, pin ắc quy, dây điện và cáp điện, mô tô xe máy, sản xuất xe có động cơ... tăng trên 20%. Nguyên nhân trực tiếp là nhu cầu trong và ngoài nước suy giảm do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bị thu hẹp gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Nhưng nghịch lý ở chỗ, dù tồn kho tăng nhưng giá hàng tồn kho giảm rất ít, thậm chí giữ nguyên.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng, ở các nước khác, kết thúc mùa vụ là ngay lập tức họ thanh lý, giải phóng hàng tồn kho với mức giá chỉ bằng 50% giá bán thông thường. “Nhưng ở Việt Nam, do hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian và do tính bảo thủ của doanh nghiệp sản xuất nên cùng lắm họ giảm 20% giá bán. Còn lại phổ biến là khuyến mãi rất ít nên hàng tồn kho ngày càng nhiều” - ông Phú nói. Theo vị chuyên gia thị trường này, dù hàng tồn kho nhưng vẫn cần đẩy mạnh sản xuất để có nguồn cung hàng hóa dồi dào, lành mạnh. Hiện tại, cung kém, cầu kém thì giá khó có thể giảm sút. Bên cạnh đó, các siêu thị nên rút mức chiết khấu xuống. Mức phổ biến đang được áp dụng là từ  12-15%, “nhưng theo tôi, chỉ cần 8,5-10% là siêu thị đã sống ổn. Bán được nhiều hàng với mức chiết khấu thấp còn hơn là bán được ít hàng với mức chiết khấu cao” - ông Phú nhấn mạnh.

Còn theo ông Laurent Zécri, khó khăn hiện tại trên thị trường chính là cơ hội tốt để phát triển hệ thống phân phối hiện đại, tăng liên kết trực tiếp giữa người sản xuất và nhà bán lẻ, giảm bớt khâu trung gian để hạ giá, tiêu thụ sản phẩm. 

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm nay, bức tranh phục hồi kinh tế thế giới vẫn đậm màu tối và cảnh báo lạm phát cao trở lại tại Việt Nam. Cơ quan này khuyến cáo, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ cơ bản theo giá thị trường cần được tính toán cả về thời điểm và mức điều chỉnh. Đặc biệt, trước mắt tạm thời chưa điều chỉnh thêm giá trong tháng 10 để củng cố tâm lý thị trường.