Chú trọng tuyên truyền để "chuyển" ý thức phòng hỏa hoạn

ANTD.VN - Đó là phương châm được Phòng CS PCCC số 13, CS PC&CC Hà Nội quyết tâm thực hiện, đối với công tác phòng ngừa “giặc lửa” tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ. 

Lực lượng chức năng kiểm tra, đánh giá hệ thống vòi phun chữa cháy tại làng nghề Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội

Hiểm họa từ những thói quen hàng ngày

Sau vụ hỏa hoạn tối 6-12 tại một cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức, phóng viên đã đi thực tế, tìm hiểu nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn ở “đất trăm nghề”. Đến các làng nghề như La Phù (chuyên sản xuất thực phẩm khô), Tân Hội (làng nghề chế biến gỗ), Tam Hiệp (chuyên đồ dùng may mặc)… có thể thấy nguy cơ cháy tiềm ẩn khắp nơi, như hút thuốc trong kho, xưởng có nhiều vật liệu dễ cháy; do chập điện, cháy do hàn xì, nổ bình gas.

Những ngôi nhà san sát được ngăn bởi những bức tường bằng tôn, mái che cũng là những vật liệu dễ cháy. Việc bố trí mặt bằng không tuân thủ khoảng cách đảm bảo an toàn PCCC và ngăn cháy. Hệ thống dây điện hai bên đường và trong các khu nhà xưởng mắc nối chằng chịt. 

Trong làng nghề bố trí xen kẽ các cơ sở sản xuất có nhiều chất cháy như sử dụng nguồn nhiệt, sấy khô, hàn xì, khi tàn lửa bay ra dễ gây cháy. Các sản phẩm hàng hóa và hóa chất nguyên liệu dễ cháy như bìa carton, thùng sơn, mùn cưa, vải vóc… được để chung với nhau. Điều này rất dễ xảy cháy và cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn tối 6-12 ở khu công nghiệp La Phù. 

Ý thức “nâng”, nguy cơ sẽ giảm

“Một yếu tố quan trọng chính là ý thức của người dân về an toàn phòng tránh cháy nổ chưa cao. Do mô hình làng nghề kinh doanh hộ gia đình nên việc bố trí nhà xưởng ngay tại nhà tiềm ẩn nguy cơ cháy, gây nguy hiểm”, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên - Trưởng phòng CS PCCC số 13, thuộc CS PC&CC TP Hà Nội nhìn nhận.

Trong bối cảnh ấy, công tác cứu hộ, chữa cháy rất khó khăn, bởi đường vào làng nghề, khu công nghiệp thường bị lấn chiếm, hoặc qua nhiều ngóc ngách. Nguồn nước để chữa cháy cũng là vấn đề đặt ra với các làng nghề, do ao, hồ bị lấp để tạo mặt bằng sản xuất.

Khi hỏa hoạn phát sinh, người dân không báo ngay cho cảnh sát PCCC mà thường… tự chữa. Chỉ đến khi không thể ngăn đám cháy, cháy lớn bùng phát họ mới thông báo thì đã muộn. 

Trước những khó khăn ấy, Phòng CS PCCC số 13 đã nỗ lực có những biện pháp để kiềm chế xảy ra cháy lớn. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho nhân dân được đẩy mạnh, thông qua các buổi tập huấn kỹ năng, tuyên truyền hàng ngày qua hệ thống loa, kết hợp phát tờ rơi, treo băng rôn trên các trục đường chính.

Sự kiên trì của Phòng CS PCCC số 13 bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Nhiều mô hình PCCC tại cơ sở ra đời và hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử như tại làng nghề gỗ Liên Hà (huyện Đan Phượng). Ban quản lý làng nghề kết hợp với người dân đã lắp đặt hệ thống máy bơm, đường ống, trụ nước xung quanh làng, đề phòng khi có cháy.

Người dân đã đóng góp cả tỷ đồng để mua 12 máy bơm, máy nổ công suất lớn, cùng gần 120 trụ nước. Ngoài ra, người dân cũng tự ý thức xây dựng các lớp tường kiên cố 10-20cm ngăn cháy thay thế cho những bức vách bằng tôn.

Cùng với đó, Phòng CS PCCC số 13 thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở, tập huấn kỹ năng cho người dân dập tắt đám cháy, ngăn không cho đám cháy cháy lan. Ông Nguyễn Văn Khải - Phó ban Thường trực quản lý làng nghề Liên Hà cho biết: “Liên Hà từng xảy ra cháy tại nhà xưởng sản xuất chế biến gỗ, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhận thức được mối nguy ấy, người dân trong xã đã đồng lòng, phối hợp cùng cơ quan chức năng xây dựng hệ thống chữa cháy hiện đại phòng ngừa cháy. Từ ngày có hệ thống phòng, chữa cháy mới, ý thức nhân dân càng được nâng lên, yên tâm sản xuất, đời sống ổn định”, ông Nguyễn Văn Khải cho biết