Sự chủ quan "tiếp tay" cho hỏa hoạn

ANTD.VN - Chỉ trong 3 ngày, từ 1 đến 3-12, Hà Nội đã liên tiếp xảy ra 6 vụ hỏa hoạn, trong đó có 3 nhà xưởng, 1 siêu thị và 2 nhà dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, song nguyên nhân chính vẫn là ý thức con người về thực hiện an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Hiện trường vụ cháy xưởng nhựa tái chế tại Trung Văn, Nam Từ Liêm

Thiếu ý thức và kiến thức về an toàn PCCC

Vụ cháy tại kho xưởng Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì xảy ra chiều 2-12 đã thiêu rụi gần 1.000m2 nhà xưởng và tài sản. Khi xảy cháy, chủ  kho xưởng bất ngờ khi không hiểu không có lửa mà có thể cháy lớn đến như vậy?! Trong khi góc cuối nhà xưởng có một nhóm công nhân đang hàn xì, sửa chữa nâng cấp ở phía trên các khung dầm thép, còn phía dưới là những thùng sơn. 

Từ tài liệu ban đầu cho thấy, tia lửa hàn gặp sơn đã bùng cháy. Do trong sơn có dầu và khi gặp tia lửa điện hàn xì có thể phát nổ như những quả bom khí. Chỉ trong vòng 5 phút, cả kho nhựa tái chế tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm biến thành biển lửa. Hàng chục xe cứu hỏa có mặt dập lửa và sau 2 giờ đồng hồ mới khống chế hoàn toàn đám cháy. 

 Khi phóng viên có mặt tại hiện trường vụ cháy tại phường Trung Văn, kho nhựa là khu rộng lớn, chủ yếu là nhà xưởng tạm, dây điện chắp nối như mạng nhện. Hàng hóa vứt khắp nơi với đủ chủng loại. Sự sắp xếp hàng hóa thiếu ngăn nắp, việc xây dựng tạm bợ,  hệ thống chữa cháy không đầy đủ được xem là nguyên nhân chính gây cháy.

Ngoài sự chủ quan, thiếu ý thức PCCC của chủ xưởng, nguyên nhân xảy cháy tại kho xưởng Cụm công nghiệp Ngọc Hồi cũng do sự thiếu kiến thức về an toàn PCCC của thợ hàn xì.

Trước khi hàn xì phải có bình chữa cháy để nơi gần nhất và phải dùng chăn hoặc bao tải thấm nước trải phía dưới, che xung quanh nơi hàn để hạn chế tối đa tia lửa bắn gây cháy, đặc biệt phải có người giám sát chặt chẽ trong quá trình hàn. Khi thấy đốm lửa rơi, phải dùng bình xịt dập lửa ngay lập tức. Nếu tuân thủ điều này, thì lửa sẽ không có cơ hội bùng lớn. 

Trong vòng 1 năm qua đã xảy ra hàng trăm vụ cháy, trong đó cơ quan công an đã điều tra, xác minh được hàng chục vụ khi phát hiện lửa cháy, người dân không có sẵn bình chữa cháy để dập lửa, họ dùng chổi, hoặc giẻ lau nhà dập lửa đến khi không được mới gọi lực lượng cứu hỏa thì đã quá muộn.

Hiện trường vụ cháy tại siêu thị Minh Hải, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội)

Cần xử lý nghiêm nếu để xảy cháy

Trong cuộc điều tra xã hội học của Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội về việc trang bị thiết bị tối thiểu về an toàn PCCC trong gia đình, kết quả cho thấy số ít người tự mua bình chữa cháy xách tay để tại nhà. Khi được hỏi, anh Đào Đức Hiếu (38 tuổi, ở khu tập thể 39B - Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi không mua thiết bị này trong nhà vì nhà chật, hơn nữa “kiêng” vì sắm sợ… “đen”. 

Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3 - Cầu Giấy, thuộc Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội cho biết: “Nước xa không cứu được lửa gần. Người chữa cháy hiệu quả nhất không phải những Cảnh sát PCCC mà là người nhìn thấy đám cháy đầu tiên, sớm nhất. Khi nhìn thấy cháy còn nhen nhóm, nhanh chóng dùng bình chữa cháy xách tay phun trực tiếp vào thì lửa tắt ngay”. 

Xác định được tầm quan trọng của việc phòng ngừa cháy, nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC đã liên tục mở các lớp tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho người dân. Chỉ trong 1 năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 - Cầu Giấy đã thành lập gần 100 tổ chữa cháy tại gần 90 tuyến, khu phố trên địa bàn quận.

Hàng tháng công tác tuyên truyền tập huấn cho các đội chữa cháy cơ sở được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, đơn vị đã diễn tập hàng chục phương án chữa cháy đối với khu nhà chung cư cao tầng, qua đó tuyên truyền và nâng cao ý thức PCCC của người dân. 

Tuy nhiên, theo cán bộ PCCC, không  phải ai cũng có ý thức về an toàn PCCC. Bởi thực tế, các buổi tuyên truyền tại khu dân cư, đặc biệt các khu nhà cao tầng, số lượng người tham gia rất ít.

Từ thực tế những vụ cháy cho thấy, nguyên nhân cháy đều xuất phát từ con người không chấp hành, tuân thủ quy định, điều kiện về an toàn PCCC. Vì vậy, nếu để xảy cháy phải xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở, chủ nhà, chủ doanh nghiệp. Việc này chưa thực hiện kiên quyết, nghiêm túc, nên người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng ngừa “bà hỏa”.