Chờ xem “lột xác” thế nào?

ANTĐ - Ngày 19-8, VTV3 Đài truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng tập đầu tiên vòng “Đối đầu”, cuộc thi Giọng hát Việt. Sau 4 tập “Giấu mặt” với đủ những lời hứa hẹn của 4 vị huấn luyện viên, như “Tôi sẽ biến em thành ngôi sao”, “Em sẽ được biểu diễn trên sân khấu 40.000 chỗ ngồi”, hoặc “lên đồng” hơn như Đàm Vĩnh Hưng đã rút cả nhẫn kim cương mời gọi… Sau 2 tuần, qua bàn tay nhào nặn của các vị huấn luyện viên (HLV), các thí sinh có “lột xác” được hay không đang là chuyện gây nhiều tò mò cho khán giả.
Chờ xem “lột xác” thế nào? ảnh 1


Bí mật tới lúc phát sóng

Đánh vào tâm lý này, Ban tổ chức quyết bí mật tới cùng, những “chiến binh” được chỉ thị, không chia sẻ thông tin và hình ảnh của vòng “Đối đấu” trên các trang cá nhân (Facebook hay Blog) cho đến khi tập cuối cùng phát sóng. Ngày ghi hình, 2-8 vừa qua, khán giả cũng được yêu cầu, không chụp ảnh, không ghi hình ghi âm. Luật của vòng này là, mỗi đội đấu loại riêng với 14 thí sinh. Ban tổ chức và HLV sẽ lần lượt bắt cặp cho các thí sinh trong mỗi đội. Mỗi cặp sẽ biểu diễn đối kháng bài hát do HLV chọn. Chính HLV của đội đó sẽ đưa ra quyết định giữ và loại thí sinh nào. Ba HLV còn lại chỉ xem và góp ý. Mỗi đội sẽ chọn trong 7 cặp ra 5 thí sinh an toàn. Ngoài ra, còn hai thí sinh nữa được chọn hát “loại trực tiếp” sẽ tiếp tục biểu diễn để huấn luyện viên loại ra một người. Kết thúc vòng Đối đầu, mỗi đội sẽ còn lại 6 thí sinh. 

Cuộc thi của những “người quen”

Với ca khúc “Nơi tình yêu bắt đầu”- Bùi Anh Tuấn, chàng sinh viên Nhạc viện TP. HCM không chỉ chinh phục cả 4 vị HLV mà còn gây sốt trên các trang mạng xã hội. Thực ra, Tuấn là “người quen” của truyền hình, khi năm 2010, Tuấn đoạt giải cao nhất của cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình. Có lẽ, nếu không có Giọng hát Việt, cái tên Bùi Anh Tuấn vẫn hoàn toàn mới lạ với khán giả. Một trong những gương mặt quen nữa là Đinh Hương, cô từng tham gia khá nhiều các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc như Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol… Nhưng, phải chờ đến Giọng hát Việt, Đinh Hương mới bén duyên sân khấu.

Cộng đồng mạng không xa lạ gì với một Thái Trinh hát “The Show” trên Youtube, năm 2010. Kể từ đó, cô được khán giả trẻ nhớ đến như một hình mẫu ca sĩ tự sáng tác ca khúc cho mình. Năm 2011, với ca khúc “Đứng yên”, cô giành giải triển vọng của Bài hát Việt - khi đó Trinh mới 18 tuổi. Và “người quen” cuối cùng mà bài viết muốn nhắc đến là Tiêu Châu Như Quỳnh. Cách đây 3 năm, Như Quỳnh đoạt giải nhất cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình. Từ đó, sự nghiệp ca hát của cô khá trầm lắng, dù bên cạnh cô luôn có “bà đỡ” mát tay - chú ruột - ca sĩ Lam Trường. Cô xuất hiện trước công chúng khá lặng lẽ, khi đảm nhận vai trò hát nhạc nền cho “Bước nhảy hoàn vũ” 2011-2012.

Quê hương của The Voice ở đâu?

The Voice nổi tiếng nhất với phiên bản Mỹ, nên nhiều người nhầm tưởng Mỹ là nơi xuất xứ. Thực ra, The Voice xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Lan vào năm 2011. Cha đẻ của chương trình The Voice là John de Mol, một đại gia truyền thông gốc Hà Lan. Tháng 4-2011, Truyền hình NBC của Mỹ mua lại và bắt đầu dấy lên “cơn sốt” tại nhiều quốc gia. Cùng với thí sinh, huấn luyện viên, thì chiếc ghế đỏ, có khả năng xoay tự động cũng là chi tiết được nhiều khán giả quan tâm. Được biết, chiếc ghế này sản xuất theo quy trình đặc biệt ở Mỹ. Mọi phiên bản The Voice đều phải nhập khẩu nguyên gốc chiếc ghế này với giá lên tới cả chục ngàn USD. Hiện tại, có tổng cộng 17 quốc gia sản xuất các phiên bản The Voice khác nhau, trong đó Việt Nam là quốc gia châu Á thứ hai sau Hàn Quốc có bản quyền chương trình này.