Chó và 101 chuyện nuôi dạy chưa xứng tầm

ANTD.VN - Người ta hay nói vui với nhau rằng có hai điều không đáng tin, đó là  “tín hiệu đèn signal của phụ nữ lái xe” và “con chó này không cắn đâu”. 

Chó và 101 chuyện nuôi dạy chưa xứng tầm ảnh 1Có những khoảng không gian hiếm hoi của con người giờ phải nhường cho “thú cưng”.    Ảnh: LAM THANH

Vế một thì không chắc chắn cho lắm, đó là một điều mỉa mai ác ý với một nửa thế giới. Điều thứ hai thì hoàn toàn chuẩn xác, có con chó nào là không biết cắn, từ thú nhồi bông, khúc xương cho đến da thịt con người cho dù có được huấn luyện, dạy dỗ kỹ lưỡng và thậm chí được sở hữu bởi một ông chủ đạo mạo, đầy đạo đức. 

Nhà tôi ở phố cổ, những thời gian khó năm cũ, dù cơm người chưa đủ no nhưng hàng phố lác đác vẫn có nhà nuôi chó thay vì tăng gia gà, lợn cải thiện cỗ bàn khi cần. Chó ta, chó mực, chó vàng thả rông chạy lông nhông trên vỉa hè, hung hãn và đầy bất trắc. Với đám trẻ hiếu động và đa số các hoạt động giải trí đều trên mặt vỉa hè thì là miếng mồi ngon cho chó… tập thể dục. 

Một đứa hiếu động trêu  “anh chó” và nó cắm đầu đuổi cả lũ nhát gan còn lại mướt mồ hôi. Tôi oan gia bị chó cắn ngang bắp chân, vết răng sâu thẳm, đau buốt. Chủ chó coi chuyện đó là việc rất không liên quan đến họ, thậm chí chửi xéo ai bảo chúng mày trêu nó. Tôi không dám nói với gia đình vì sợ, lo lắng phụ huynh không cho xuống đường chơi nữa. Mẹ tôi phát hiện ra vào buổi tối, mối căng thẳng tột độ của người mẹ, bà dẫn tôi xuống sân tập thể lau rửa vết thương bằng đủ thứ. Sáng sớm hôm sau sang nhà hàng xóm hỏi thăm sức khỏe   “anh chó”, nó vẫn mạnh khỏe sủa loạn khi thấy người lạ. 

Kiến thức sơ đẳng về nhận diện chó dại thường không rõ ràng cho lắm, người ta thường truyền khẩu với nhau rằng chó khỏe sau khi cắn là không dại. Thật may mắn cho thằng bé này, nhưng mẹ tôi vẫn cẩn thận đưa con đi tiêm trên phố Lò Đúc loại thuốc phòng dại, đau buốt và hệ luỵ của việc kém trí nhớ sau này.

Bẵng đi vài thập kỷ, bỗng dưng phong trào nuôi chó quay trở lại, hoành tráng hơn và phong phú hơn về chủng loại. Các em cún từ nhỏ xíu bằng nắm tay cho đến to như con bê được nhập khẩu qua nhiều con đường vào Việt Nam. Giá trị vật chất quy đổi ra tiền là rất nhiều tiền, chục triệu đến suýt soát tiền tỷ. Có điều, hình như văn hóa nuôi dạy chưa xứng tầm với điều đó. 

Chó và 101 chuyện nuôi dạy chưa xứng tầm ảnh 2Nhà báo Hoàng Minh Trí

Đã có một thời gian dài quanh khu vực phố đi bộ hồ Gươm, vườn hoa xung quanh kín đặc chó thả rông tung tăng giao lưu vào những ngày cuối tuần, và cả những buổi tối ngày thường. Chó chạy đuổi nhau lẫn vào người tập thể dục và trẻ con. Thế là những khoảng không gian hiếm hoi của người phải nhường cho “thú cưng”. 

Theo phản xạ con người ta vẫn sợ chó lắm, mồm miệng dãi dớt cắm đầu lao vào người thế kia ai mà không sợ. Cũng đã có nhiều người góp ý trên mạng xã hội, ngay lập tức không ít chủ nuôi chó tràn đầy tình yêu vào “đối thoại” bằng đủ các từ ngữ miệt thị, lôi đời tư của người dám góp ý ra xỉ vả, bỉ bôi, xúc phạm vì dám đề xuất việc rọ mõm thú cưng của họ khi ra chốn công cộng. 

Tôi cho rằng đây là cách cư xử không đúng mực cho lắm, với tư cách một nạn nhân đã từng bị chó cắn và chưa bị dại. Mới đây tại ngay Hà Nội xảy ra liên tiếp mấy vụ việc nghiêm trọng liên quan đến chó, chết người. Đó là một thảm kịch có thật, đã xảy ra vô cùng đau lòng dù đã được cảnh báo, nhắc nhở từ nặng đến nhẹ việc chó dữ. 

Tôi cũng nuôi chó và thường xuyên theo dõi các kiến thức về cách nuôi dạy, cũng như đảm bảo an toàn cho người. Trong vài chương trình thực tế của nước ngoài sản xuất về huấn luyện cún, mới thấy nó gian truân vất vả và khó đến thế nào. Mỗi con một nết, thất thường tính cách và bản thân chủ chó cũng không hoàn toàn hiểu để khống chế cho đến khi gặp chuyên gia về chó. Tôi ấn tượng một đoạn, chuyên gia Cesar nổi tiếng về dạy chó đã từng khuyên một người chủ không nên nuôi con thú cưng to đùng của mình, bởi anh ta sẽ làm hại nó cũng như khiến nó hung dữ tấn công người khác bởi công việc quá bận rộn, không chăm sóc, quan tâm đầy đủ. Anh chủ đồng ý giao con pitbull hung dữ cho Cesar. 

Bỗng có một ước ao, rằng những người nuôi chó Việt Nam có được ý thức như vậy, chí ít rọ mõm những em cún  “không cắn ai đâu” khi ra khỏi cửa nhà. Chỉ cần thế thôi, có lẽ những em cún sẽ dễ thương biết bao trong mắt đồng loại của anh chủ. 

Tôi ấn tượng một đoạn, chuyên gia Cesar nổi tiếng về dạy chó đã từng khuyên một người chủ không nên nuôi con thú cưng to đùng của mình, bởi anh ta sẽ làm hại nó cũng như khiến nó hung dữ tấn công người khác bởi công việc quá bận rộn, không chăm sóc, quan tâm đầy đủ. Anh chủ đồng ý giao con pitbull hung dữ cho Cesar.