Chiếu xẩm ngày xưa...

(ANTĐ) - Thuở Hà Nội xưa (thế kỷ XX) còn tàu điện leng keng, tuyến lên Bưởi, tuyến Kim Liên, tuyến Hà Đông, tuyến Yên Phụ... khách lên tàu đến ga chợ Hôm, Bờ Hồ, hoặc đầu phố Quán Thánh, thường có một người mắt lòa, vai đeo chiếc nhị, nghe tiếng chuông tàu điện, hấp tấp đến cửa, nắm lấy tay vịn, bước lên tàu, đi vào tận giữa toa. Rồi, hoặc đứng, hoặc ngồi xệp ngay trên sàn tàu, lấy chiếc nhị ở vai ra, thử vài tiếng cò cưa, rồi sau đó, cất giọng hát một bài xẩm chợ:

Chiếu xẩm ngày xưa...

(ANTĐ) - Thuở Hà Nội xưa (thế kỷ XX) còn tàu điện leng keng, tuyến lên Bưởi, tuyến Kim Liên, tuyến Hà Đông, tuyến Yên Phụ... khách lên tàu đến ga chợ Hôm, Bờ Hồ, hoặc đầu phố Quán Thánh, thường có một người mắt lòa, vai đeo chiếc nhị, nghe tiếng chuông tàu điện, hấp tấp đến cửa, nắm lấy tay vịn, bước lên tàu, đi vào tận giữa toa. Rồi, hoặc đứng, hoặc ngồi xệp ngay trên sàn tàu, lấy chiếc nhị ở vai ra, thử vài tiếng cò cưa, rồi sau đó, cất giọng hát một bài xẩm chợ:


Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng

Cây ngô cành bích, con chim phượng hoàng nó mới đậu cao.

Anh tiếc cho em phận gái má đào

Bởi tham đồng bạc trắng nên em phải vào cái chốn cực thân...

Sợi tơ hồng ai nỡ lần khân

Để người tố nữ sa chân lấy gã nhà giàu

Chị em ơi, giầu giẩu, giầu giâu...

Tiếng nhị nghịch ngợm, vui nhộn, lại thêm cái giọng hát của bà lão mù cũng khá chanh chua, khiến cả toa tàu cùng chú ý nghe... Cô gái nhỏ đi theo, gõ phách theo lời bà già hát rất vào nhịp... Bà già đã chuyển sang một điệu hát khác, đều đều, buồn buồn trích đoạn “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính:

Đêm qua là trắng ba đêm

Chị thương kiếp chị con chim lìa đàn.

Một vai gánh lấy giang san

Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương.

Điệu hát lần này nỉ non, bùi ngùi, tiếng nhị thì não nuột, lê thê. Câu hát khiến những bà, những chị trên toa tàu, kể cả mẹ tôi nghe, mặt trầm xuống. Có người không đừng được, lấy khăn tay lau nước mắt... Lúc gần cuối bài xẩm, cô bé thôi không gõ phách nữa, cầm cái đấu sắt tây chìa ra, đi một lượt hai bên hàng ghế.

Những đồng xu, đồng chinh, đồng hào giấy, bỏ vào. Cũng có người không cho, gương mặt cô bé vẫn không hề thay đổi, cô chỉ đứng ì thêm một chút nữa, vẫn không thấy cho rồi mới đi. Xin hết lượt, cô đến chỗ bà lão, bà cầm nhị, cô cầm lấy phách, bà vịn vai cháu, lần xuống toa tàu dưới, và tiếng hát lại cất lên...

Rồi, những đêm mùa thu, dưới cột đèn điện phố tôi ở, có một cặp vợ chồng xẩm mù, được đứa con dắt đi. Vợ vịn vai con, chồng vịn vai vợ, đến vỉa hè giữa phố, trải chiếc chiếu manh ôm theo, giở nải, giở phách ra hát xẩm. Người trong chợ xúm quanh đen đặc. Giọng hát xẩm của đám hát rong này hay hơn, trong hơn bà lão hát trên tàu điện. Có điệu vợ hát một mình, có điệu cả hai cùng hát.

Có bài xẩm khi dài, khi ngắn đều là những bài nhiều người đã nghe mà vẫn muốn nghe thêm. Hát xong một bài, người chồng lại lên tiếng khẩn thiết, mong người nghe bố thí, và đứa con của họ cầm chiếc ống bơ, đi một vòng xin tiền. Sau đó, họ hát sang bài khác. Hát chừng nửa tiếng, một tiếng họ đứng dậy, xếp nhị, cuốn chiếu, vợ chồng, cha con lại dắt díu nhau sang phố khác.

Bẵng đi hàng chục năm sau này, bặt tiếng hát xẩm và những người hát rong. Mãi những năm gần đây, báo chí mới giới thiệu, và được truyền hình đưa lên màn ảnh, nghệ nhân Hà Thị Cầu, một đời cho nghề hát xẩm. Nghe bà kéo nhị và hát, một giọng xẩm thật hay, nhuần nhị, hiếm có, khiến tôi lại nhớ đến những số phận hẩm hiu tôi đã chứng kiến thuở nhỏ trên tàu điện, trên phố nơi mình ở... Và cuộc đời của bà Cầu cũng ngậm ngùi, đáng buồn làm sao... Nghe xẩm bà Cầu hát, như nhớ cả một thời đau buồn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945...

Tuy nhiên, cũng những bài hát xẩm, khi về làng, tôi nghe chú tôi hát các bài như “Tiễn chân anh Khóa xuống tàu” của Trần Tuấn Khải, những bài “Con chim khôn” của Tản Đà, và những bài “Xẩm nhà trò” tinh nghịch thì xẩm lại là những điều nhắn gửi về nghĩa nước, tình nhà, về sinh hoạt hài hước, vui vẻ của chốn nhân gian... Hóa ra xẩm cũng nhiều ngón lắm.

Hồi Hà Nội mở chợ đêm, tôi cũng đi, và được nghe hát từ một chiếu xẩm ở chợ Đồng Xuân. Chiếu xẩm ở đây như là một chiếu chèo xưa. Những người hát xẩm nghe đâu toàn NSND, NSưT và các ca sĩ trẻ yêu các giọng hát dân gian độc đáo. Chiếu xẩm, có người hát, người gõ phách, người kéo nhị, có cả sáo, đàn.

Đây là những nghệ nhân có hạng có cả những những người nghiên cứu gạo cội, từng giảng dạy ở trường âm nhạc. Họ mê xẩm, lập chiếu hát ở trước chợ Đồng Xuân. Bài xẩm cổ đã hay, mà bài xẩm tân - cổ giao duyên, lấy bài “Hà Nội 36 phố phường”, thêm một số lời mới cũng ngọt lắm...

Giọng hát thì khỏi phải nói, y phục dẫu vẫn kính đen, món mê, áo ngắn mặc theo yếm của các bà, các chị xưa, khăn vuông mỏ quạ, để người xem thấy rõ là hát xẩm, nhưng dáng vẻ không tiều tụy và khổ như các vị hàng xẩm rong xưa! Cái chất nghệ sĩ của họ vẫn không giấu nổi. Người xem càng ngày càng đông. Phục vụ miễn phí, nghệ thuật lạ mà vẫn chuẩn mực. Khách du lịch, Tây ba lô, dân Hà Nội vây quanh chiếu xẩm Đồng Xuân đến hàng trăm người. Nghe mà hồi tưởng, mà cảm động.

Bài hát cũ chen bài hát mới... Hát hết xẩm lại hát chầu văn giá hai ông Hoàng Ba Khá điêu luyện, rồi cả mấy điệu chèo vai thư sinh “Quân tử vu dịch” hoặc điệu của vai nữ lúc đi lễ hội: Sắp qua cầu... Có ai đó thích hát xẩm lại đề nghị: “Xẩm đi... Xẩm nữa đi!”. Thế là nhị phách lại chuyển làn, lời hát lại cất lên...

Ngô Văn Phú