Chê thuở hàn vi

ANTĐ - Nghèo khó thì yêu thương nhau, đến lúc giàu có, thành đạt không ít người lại đau đớn vì bị vợ (chồng) ruồng rẫy, phụ bạc. Tội nợ chỉ vì mình hy sinh, nhường nhịn nên lạc mốt với vợ (chồng). 
Chê thuở hàn vi ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Vắt chanh bỏ vỏ

Bê lên cho chồng cốc nước cam, chị Lê Bích Hà (Hà Đông) khẽ khàng ngồi xuống dưới sàn nhà, sát chân chồng. Lâu lắm rồi, chồng chị mới đề nghị nói chuyện với vợ, chị vừa vui, vừa tủi. Nhưng chồng chị không nhìn vợ, chỉ buông thõng một câu: “Ly hôn đi, tôi và cô không còn phù hợp với nhau được nữa”. Chị Hà tối sầm đầu óc, đưa đôi tay chai sần lên bưng lấy gương mặt đen sạm, già nua. 

25 năm trước, anh chị lấy nhau khi mới đôi mươi. Anh làm xe thồ, chở gạch đá thuê cho các công trình xây dựng, chị là cô hàng xôi đầu xóm. Lấy nhau, sinh liền hai con, gia đình khó khăn, nheo nhóc, chị nghĩ cách kiếm thêm tiền bằng việc quẩy gánh xôi vào phố. Hàng xôi của chị ngon nên làm đến đâu, hết đến đó. Anh phụ chị về tận Thái Bình đong gạo nếp, đỗ, lạc ngon… 

Kinh tế khấm khá hơn. Chị Hà nhờ người chạy cho chồng vào làm bảo vệ của một toà báo nhỏ. “Cho gần chữ nghĩa, sau này con cái cũng được nhờ” - chị luôn nhắc nhở anh như vậy. Có vợ lo kinh tế, lại được mấy người trong cơ quan động viên, anh lại chạy chọt đi học tại chức buổi tối. Thấy chồng có chí, chị Hà vui lắm, thức khuya dậy sớm, thổi thêm vài thúng xôi để chồng có tiền ăn học. Đôi tay lại thêm nứt nẻ vì ngâm nước, đôi chân chai sần vì đi bộ. Anh tốt nghiệp ĐH, khéo “ngoại giao” nên được sếp cất nhắc lên làm phóng viên rồi trưởng ban. Bây giờ gặp anh, quần bò, áo túi hộp, tay xách cặp, lưng đeo máy ảnh, chẳng ai nhận ra chàng Hinh “xe thồ” lướp tướp ngày trước. Mỗi lần ngồi ngoài sân sảy gạo, vo đỗ, “lé mắt” nhìn chồng viết viết, xoá xoá trong nhà, chị Hà tự hào lắm. Hàng xóm ai cũng bảo chị thật “bõ công vất vả”. Nhưng chị không có được ngày “hái quả”.

Chẳng mấy chốc, chị phát hiện chồng mình bồ bịch với một cô sinh viên thực tập, còn bỏ tiền mua nhà, xin việc cho cô ta. Chị đánh ghen, gửi đơn đi các nơi để “đòi chồng”, nhưng anh Hinh không hối lỗi mà còn nằng nặc đòi ly hôn.  

Khi mọi người trách anh bội bạc, anh Hinh phân trần: “Anh chị phải thông cảm. Tôi là trưởng ban của một toà soạn, chữ nghĩa đầy mình, giao thiệp rộng, hiểu biết nhiều. Vậy mà bao lâu nay vẫn phải chịu đựng một người vợ trình độ chỉ đủ để đếm tiền. Đấy là tôi thương con tôi chứ không thì đã dứt áo ra đi lâu rồi. Bây giờ tôi mới được yêu, được sống cho mình”. Bỗng chốc, chị Hà trở thành một “chướng ngại vật”, một kẻ không biết điều trong mắt mọi người. 

“Suốt cả tuổi xuân tôi đã hy sinh cho chồng con. Đến giờ, tôi đâu cần tiền, tôi chỉ cần một người chồng chăm lo, an ủi cho mình” – chị Hà đau khổ. 

Tham bát bỏ mâm

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn phân tích, thông thường, lúc bần hàn mọi người thường trân trọng những người bên cạnh, yêu thương, giúp đỡ mình. Lúc đó, hai vợ chồng cùng điểm xuất phát, cùng chí hướng nên rất dễ gần gũi, chia sẻ với nhau. Nhưng đến lúc giàu có, cách sống cũng sẽ thay đổi, tham vọng cũng sẽ nhiều hơn nên người ta dễ lâm vào cảnh “tham bát bỏ mâm”. Ngoài ra, những cặp vợ chồng phát triển lệch, một bên hy sinh, nhường nhịn để chồng (vợ) tiến lên, thành đạt, quan hệ mở rộng hơn cũng sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn. Người vợ (chồng) thành đạt, thắm thịt, đỏ da trong khi người chồng (vợ) vẫn cũ kỹ, chất phác, ít học thì sẽ dễ quay sang chê trách bạn đời. “Đó vừa là lỗi chủ quan, nhưng cũng là lỗi khách quan” – ông Chất cho biết. 

Còn GS-TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển cho biết, đau đớn nhất là những phụ nữ đã hy sinh quá nhiều cho gia đình, cống hiến hết tuổi trẻ, sức lực, tiền bạc và cả sự nghiệp cho chồng thăng tiến, con lớn khôn. Nhưng đến khi tuổi xuân qua đi, tuổi già sầm sập đến thì bị chồng hắt hủi, bị bỏ rơi, bị “đày” vào “lãnh cung”. Nếu chồng đòi ly hôn thì ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Nếu không thì cũng sống cô đơn có chồng cũng như không. 

“Chồng tôi chẳng đoái hoài gì đến tôi trong khi tôi mới 43 tuổi. Ông ấy mượn cớ tuổi già mệt mỏi nên ra ngủ riêng. Nhưng tôi biết ông ấy tránh mặt tôi. Ông ấy bảo với bạn: “Giọng tôi như rắn rít”, nghe cũng sợ, nói gì ngủ cùng”. Tôi cô đơn còn ông ấy đi cặp bồ. Chẳng nhẽ tôi cũng đi cặp bồ hay đi “mua dâm” như một số phụ nữ mà báo chí đang đề cập đến trong mấy ngày qua!?. Chúng tôi cũng là con người, cũng thèm yêu thương. Nhưng tìm tình yêu ở chồng thì khó quá” – chị Trần Thu Minh (Đống Đa) tâm sự.

“Người chồng học đại học thì người vợ cũng nên đọc thêm sách báo để có thể “nói tiếng nói chung” với chồng. Người chồng thành đạt, cũng nên tạo điều kiện để vợ phát triển theo về tri thức, về lối sống. Nếu đũa lệch quá thì sẽ đến một ngày không thể sánh đôi nữa. Lúc đó, kêu gọi “nhớ thuở hàn vi, chia ngọt sẻ bùi” cũng khó giúp hàn gắn được khoảng cách” - ông Nguyễn An Chất