Cháu sợ bố mẹ sẽ ly hôn

ANTĐ - Thưa các cô chú! Cháu đang sống những ngày rất buồn, cảm thấy bế tắc, không thiết sống. Nhìn hai chị em cháu luôn đi học bằng xe taxi , lại có bố mẹ làm “to”, không ai có thể nghĩ chúng cháu đang có cuộc sống rất đau khổ. Viết thư này gửi đến các cô chú, cháu mong tìm được sự khuây khoả khi nhận được lời khuyên. Xin các cô chú hãy kiên nhẫn đọc.

Cháu sợ bố mẹ sẽ ly hôn ảnh 1Minh họa: Internet

Bố cháu là Tiến sĩ, làm Viện trưởng một viện khoa học. Mẹ cháu là Phó Giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài. Gia đình cháu có 5 người, ngoài bố mẹ và cháu còn 1 em gái đang học lớp 8, cùng bà nội đã gần 80 tuổi, cháu đang học lớp 12. Bà nội cháu trước đây sống ở quê với ông cháu. Nhưng cách đây 2 năm, ông cháu mất nên bố cháu đón bà ra Hà Nội. Lúc đầu bà không chịu ra, nhưng do nhiều người khuyên, cuối cùng cũng chấp nhận. Bà chỉ vui được mấy ngày đầu rồi có vẻ buồn. Bố cháu để bà ở riêng một buồng. Bà bảo: “Anh chị cho tôi ở cùng hai đứa”. Hai chị em cháu rất thích bố cháu không đồng ý với lý do để chúng cháu còn học và bà cần yên tĩnh. Bà buộc phải nghe.

Sau khi học xong bài, hai chị em cháu lại tót sang phòng bà chơi. Nhiều đêm ngủ cùng với bà. Nhưng chúng cháu đi học cả ngày, tối về lại phải ngồi học ôn bài đến khuya, nên bà vẫn phải lủi thủi một mình, hết nằm lại ngồi. Gia đình cháu vốn không có nhiều khách đến nhà. Vậy mà có lần khách của mẹ cháu đến, tình cờ nhìn thấy bà. Họ hỏi thăm thì mẹ cháu nói là bà cô họ ở quê ra chơi. Do tai bà kém nên đã không nghe được. Từ lần ấy cháu cảm nhận rõ là bà bị đối xử tệ bạc. Đến bữa ăn, không bao giờ bà được ngồi cùng mâm mà bố mẹ cháu nói bọn cháu bưng riêng một khay vào phòng để bà ăn một mình. Em gái cháu có lần hỏi sao không để bà ăn cùng cả nhà cho vui, thì bố mẹ cháu nói là để cho bà thoải mái, muốn ăn bao lâu cũng được, còn cả nhà thì không thể kéo dài. Nhưng sự thực là bà cháu ăn rất ít, thường chỉ lưng bát là buông đũa, cùng lắm chỉ 15 phút là xong.

Chúng cháu rất buồn và càng thương bà. Một lần, bà lọ mọ ra phòng khách tự rót nước, không may vỡ chiếc cốc. Đúng lúc ấy mẹ cháu về chứng kiến. Cháu thấy mẹ vô cùng bực mình, nhưng không dám quát bà to sợ hàng xóm biết, nhưng ánh mắt thì vô cùng tức giận, như có ngọn lửa căm thù. Hình như cảm nhận được điều đó, bà cháu đã nói: “Tôi lạy anh chị! Hãy để tôi về quê ngay!” 

Chuyện liên quan đến bà cháu thật đáng buồn. Nhưng cháu nghĩ sẽ được khắc phục khi bà cháu nhất quyết trở lại quê. Khi ấy, đến hè chúng cháu sẽ về chơi với bà thật lâu, bà sẽ vui. Chuỵên nghiêm trọng khiến hai chị em cháu bị “sốc” và cảm thấy bế tắc lại là chuyện khác.

Phòng của bố mẹ cháu gần như lúc nào cũng đóng cửa, bởi có máy điều hoà hai chiều. Nhưng không hiểu sao đêm hôm ấy cửa chính lại hé mở. Đêm khuya, bố mẹ cháu đã đi nghỉ, em cháu đã ngủ say. Đêm ấy không hiểu sao cháu không ngủ được, cứ nằm trằn trọc nhớ bà. Cháu quyết dịnh lên sân thượng hóng gió trời. Lúc đi qua cửa buồng của bố mẹ, cháu tình cờ nghe hai người nói chuyện, lời lẽ khá to, đủ để người ngoài cửa nghe rõ:

 -Đến nước này, tốt nhất là chúng ta chia tay - Mẹ cháu nói với bố.

- Việc đó quá dễ dàng, có thể làm ngay ngày mai. Nếu không sợ điều tiếng, thì có thể làm ngay bây giờ

- Chẳng sao cả. Còn hơn tôi cứ phải sống mãi cảnh vợ hờ.

-  Em cần khôn ngoan hơn. Cách tốt thất là chúng ta hãy cứ duy trì cuộc sống hiện tại. 

Thế là cháu đã rõ. Chắc chắn bố mẹ cháu còn nói nhiều nữa. Nhưng chỉ nghe đến đó, cháu đã không đủ sức chịu đựng để nghe thêm, bèn lao về phòng nằm vật ra giường, khóc rưng rức. Em cháu ngủ say đã không biết gì. Chuyện của bố mẹ cháu mãi tận bây giờ cháu vẫn không cho ai biết, từ em đến họ hàng người quen. Vậy là phần thì vì chúng cháu, phần vì cái danh giá, địa vị và việc thăng quan tiến chức mà bố mẹ cháu đã cố duy trì một cuộc sống giả tạo, cốt che mắt mọi người, còn bản chất thì đã đổ vỡ từ lâu. 

Lần cháu nghe được đoạn đối thoại trong đêm của bố mẹ cách đây đã mấy tháng. Từ đó cháu buồn bã, không ăn ngủ được như trước. Lúc nào cháu cũng bị ám ảnh bởi chuyện ly hôn của bố mẹ, sẽ dẫn đến gia đình chia sẻ, chúng cháu ở với ai thì sẽ không có người kia. Vì vậy mà không thể tập trung vào học hành, dẫn tới kết quả sút kém. Cháu lại là lớp phó phụ trách học tập, thấy xấu hổ với các bạn trong lớp. Trước tình trạng cháu gầy yếu và học sút đột ngột, cô giáo chủ nhiệm hỏi lý do, cháu phải giấu kín, không dám nói rõ sự thật ở gia đình. 

Thưa các cô chú. Cuộc sống gia đình cháu là như thế. Vậy mà mọi thứ đều đang rất lỏng lẻo, có thể vỡ, đứt bất cứ lúc nào. Cháu phải làm gì để cứu vãn tình hình? Cháu có nên cho em cháu biết rõ sự thật và bộc lộ sự phản ứng đối với bố mẹ?

Xin chia sẻ nỗi buồn của cháu. Với đứa em gái thì chưa nên nói gì, nhưng với bố mẹ thì cháu rất cần chủ động nói chuyện nghiêm túc, với tư cách một người con đã lớn( sắp là sinh viên hoặc vào đời). Hãy bộc lộ thẳng thắn sự phản ứng của cháu trước lối sống ích kỷ, giả dối của họ và kêu gọi sự thay đổi. Tất nhiên, mọi chuyện sẽ không đơn giản nhưng cháu cần để bố mẹ biết là cháu đã rõ mọi chuyện. Chắc họ sẽ phải điều chỉnh lại lối sống, ít nhất là vì các cháu. TS Nguyễn Đình San