Chắp cánh cho những đam mê văn học trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -   Giải thưởng “Văn học tuổi 20” (tên ban đầu là Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20) ra đời từ năm 1994, đến nay qua 7 lần tổ chức đã có vị thế và uy tín trên văn đàn cả nước, đồng thời có những thay đổi, cải tiến để phù hợp với xu hướng sáng tác lẫn chuyển động thời đại. Dự kiến, tháng 5-2022 mới trao Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7, nhưng ngay từ bây giờ người yêu văn chương đã có thể thưởng thức các tác phẩm này được phát hành trên toàn quốc.
Các tác giả trẻ giao lưu tại lễ công bố 12 tác phẩm vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7

Các tác giả trẻ giao lưu tại lễ công bố 12 tác phẩm vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7

Phát hiện, nuôi dưỡng những tài năng

Trong lễ công bố 12 tác phẩm vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7 ngày 18-3 tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ một lần nữa khẳng định: “Mục đích chính của cuộc vận động sáng tác là để phát hiện và nuôi dưỡng những cây bút trẻ, cây bút mới, cũng như khơi gợi, tạo một sân chơi cho các bạn trẻ đam mê sáng tác gửi gắm đứa con tinh thần của mình. Giải thưởng có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của các tác giả dự thi, cái chính là sự khẳng định mình và tạo đà cho những bước tiếp theo trên con đường văn chương”.

Trên thực tế qua 28 năm ra đời và phát triển của “Văn học tuổi 20”, có nhiều tác giả từ cuộc vận động sáng tác này đã tạo dựng được tên tuổi trên văn đàn như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Nguyên Hương, Trương Anh Quốc… “Cũng có tác giả rẽ sang hướng khác hay ngừng viết, thế nhưng nhiều tác giả vẫn tiếp tục hành trình sáng tác văn chương hay làm việc trong cách lĩnh vực có liên quan đến sáng tác và sách vở” - Tổng Biên tập NXB Trẻ tiết lộ.

Có mặt tại lễ công bố, ông Dương Thành Truyền - nguyên Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Văn học tuổi 20” đánh giá: “Các tác phẩm vào vòng chung khảo “Văn học tuổi 20” mùa này thể hiện bức tranh hiện thực của cuộc sống đương đại với những trang sách độc đáo, bất ngờ, đầy cảm hứng. Những người viết trẻ tiếp tục thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và đầy chất suy tưởng. Họ cũng viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và của thời cuộc”. Cầm trên tay bộ sách mới gồm 12 tác phẩm vào vòng chung khảo, bạn đọc yêu sách và mê văn chương có thể cảm nhận loạt tác phẩm kỳ này có độ dày không lớn (từ 135 - 245 trang/cuốn). “Song, khi đọc xong chúng tôi tin rằng, sức nặng của hiện thực từ những trang sách này sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả” - ông Dương Thành Truyền khẳng định.

Điều thú vị là 12 tác giả vào vòng chung khảo rất đa dạng thành phần và đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, thậm chí có sống, học tập và làm việc ở nước ngoài (Anh, Mỹ). Có tác giả là giảng viên, biên tập, viết báo, thiết kế, thạc sĩ văn học… Nhiều tên tuổi từng có các tác phẩm được in thành sách (từ 3 - 8 cuốn), từng tham gia dự thi “Văn học tuổi 20” các lần trước đây và vẫn giữ tinh thần “không bỏ cuộc”. Đồng thời, cũng có 2 tác giả “tân binh” mới chỉ viết tác phẩm đầu tay, nhưng lại có chất lượng tốt lọt vào chung khảo, đồng nghĩa với niềm vui họ có quyển sách đầu đời được in.

Bìa cuốn “Bí mật của bóng tối” và “Chopin biến mất” do 2 tác giả trẻ ở Hà Nội sáng tác được chọn vào chung khảo

Bìa cuốn “Bí mật của bóng tối” và “Chopin biến mất” do 2 tác giả trẻ ở Hà Nội sáng tác được chọn vào chung khảo

Những gương mặt mới

Hai tác giả hiện sống và làm việc ở Hà Nội là Đinh Thành Trung (tác phẩm “Bí mật của bóng tối”) và Hiền Trang (tác phẩm “Chopin biến mất”). Trong “Bí mật của bóng tối”, Đinh Thành Trung viết về những phận đời “kiệt quệ vì mất phương hướng”, song, anh gửi gắm thông điệp lạc quan: “Mệt mỏi thì sao? Hãy đi chậm lại. Lặng lẽ và cẩn trọng. Mỗi người chỉ đang giải bài tập mà cuộc đời giao phó cho mình. Tất cả đều mạnh mẽ hơn những gì họ nghĩ. Chỉ là tình yêu chưa đủ lớn để có thể cho đi, hy vọng chưa đủ nhiều để chờ đợi. Và họ đi chưa đủ xa để đến được vùng đất của riêng mình”.

Còn ở “Chopin biến mất”, tác giả Hiền Trang kể về một vị thám tử đi điều tra cái chết của một nữ diễn viên trên sân khấu, để rồi “anh nhận ra thế giới nghệ thuật đang trên bờ vực biến mất hoàn toàn và phải lên đường để cứu những bài hát anh yêu”. Hiền Trang cho biết, cô “mất 3 năm để viết cuốn sách này và viết lại 2 lần” với sự cố gắng duy trì “kỷ luật tuyệt đối trong việc sắp xếp ngôn từ” để hoàn thành tác phẩm. Trang cũng tiết lộ cô được gợi cảm hứng từ các tác phẩm của “người thầy tinh thần” Vladimir Nabokov (nhà văn Nga nổi tiếng chú trọng đến ngôn ngữ miêu tả để tạo nên vẻ đẹp trong văn chương).

Chia sẻ về việc vì sao từng đoạt giải Ba ở kỳ “Văn học tuổi 20” lần 6 (tác phẩm “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” - 2018) nhưng vẫn tiếp tục gửi tác phẩm dự thi lần 7, Hiền Trang nói, cô không bận lòng lắm với chuyện sẽ đoạt giải hay không bởi vì “sự tưởng thưởng của người viết văn đến từ rất nhiều điều, chẳng hạn như khi thấy bản biên tập quá tâm huyết từ NXB Trẻ là tôi đã cảm thấy đây là sự tưởng thưởng rất lớn rồi”.

12 tác phẩm vào chung khảo “Văn học tuổi 20” lần 7

- 6 tác phẩm truyện dài gồm: “Cõi người mắc cạn” (tác giả Hoàng Khánh Duy, SN 1977); “Kẻ săn chuột” (Phã Nguyện); “Ngủ ngon nhé, nàng thơ” (Nguyễn Dương Quỳnh), “Vụn ký ức” (Yang Phan, SN 1994); “Chopin biến mất” (Huyền Trang, SN 1993);

- 6 tác phẩm truyện ngắn gồm: “Lũ chim thích chọn cành khô” (Mai Thanh Nga); “Bí mật của bóng tối” (Đinh Thành Trung); “Nửa lời chưa nói” (Duy Ân, SN 1995); “Chuồng cọp trên cao” (Nguyễn Thu Hằng); “Vệt sáng của bụi” (Lê Quang Trạng, SN 1996); “Bảy bảy bốn chín” (Hoàng Công Danh); “Có thú dữ trong thành phố” (Nguyên Nguyên).

Tác giả Hiền Trang sinh năm 1993 tại Hà Nội. Cô từng có nhiều tác phẩm đã xuất bản như “Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ” (2015), “Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi” (2016), “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” (2018), “Dưới mái hiên đêm, những khách lạ” (2020).

“Muốn làm tri kỷ của thằng hề, lại trở thành bạn đường với vua Lear” là tự trào của Hiền Trang về mình. Cô cũng chia sẻ về nghiệp viết như sau: “Không phải ai cũng có thể đánh những bản Etude của Chopin, không phải ai cũng có thể vẽ, sửa xe, hay thiết kế những ngôi nhà, nhưng bất cứ ai trong cuộc đời này, vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, cũng đều cầm bút viết một cái gì đó”.

Với tác phẩm “Chopin biến mất” vào chung khảo Giải thưởng “Văn học tuổi 20” năm nay, Hiền Trang mở ra một thế giới với những câu chuyện đời thực lồng ghép vào những câu chuyện hư cấu không có hồi kết. Trong đó, nhân vật chính có cuộc đời như một bản phổ mà những nốt nhạc nội tâm trôi nổi bất định. Tác phẩm đưa ra góc nhìn về “nghệ thuật và nhân sinh đang tìm cách định nghĩa và chi phối nhau”.

“Văn học tuổi 20” lần này có số lượng 511 tác phẩm dự thi, tăng vọt so với những lần tổ chức trước đã chứng tỏ một sức sống có thực, một sức sống bền lâu của một cuộc vận động sáng tác của người trẻ, cho người trẻ, vì người trẻ. “Văn học tuổi 20” không chỉ góp phần phát hiện các cây bút trẻ mà còn thực sự góp phần nuôi dưỡng một đội ngũ sáng tác trẻ cho văn đàn nước nhà”.

Ông DƯƠNG THÀNH TRUYỀN - nguyên Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Văn học tuổi 20”