Chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ: Mối nguy về an toàn thực phẩm khó kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP vẫn còn hàng trăm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Các cơ sở này do UBND cấp huyện quản lý, cấp phép. Hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có liên quan mật thiết với tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến hiện nay.

Sáu chốt kiểm dịch liên ngành chặn các ngả

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội, với gần 10 triệu người dân cư trú thường xuyên, nhu cầu về thực phẩm, trong đó có gia súc, gia cầm trên địa bàn Thủ đô rất lớn. Dù vậy, năng lực sản xuất hiện nay của ngành nông nghiệp chưa thể đáp ứng được 100%.

Từ thực tế trên, Hà Nội phải kết nối với các tỉnh, TP để nhập một khối lượng lớn gia súc, gia cầm phục vụ giết mổ, bảo đảm nhu cầu về thịt động vật cho người tiêu dùng Thủ đô. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ gia súc, gia cầm đưa vào Hà Nội.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng thông tin, đơn vị giao các trạm thú y cơ sở nắm bắt số lượng gia súc, gia cầm tiếp nhận vào địa bàn hàng ngày. 100% gia súc, gia cầm khi đưa về Hà Nội tiêu thụ phải có giấy kiểm dịch.

Ngoài giấy kiểm dịch, chủ thể vận chuyển gia súc, gia cầm vào Hà Nội còn được yêu cầu phải có biên lai, hóa đơn mua bán hàng hóa theo đúng quy định tại Thông tư số 10/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Việc tuân thủ quy định này nhằm bảo đảm gia súc, gia cầm nhập về Hà Nội có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hiện nay, 6 chốt kiểm dịch liên ngành được TP thiết lập vẫn đang được duy trì ngày đêm nhằm kiểm soát chặt gia súc, gia cầm nhập về Hà Nội. Các chốt có sự tham gia của các cán bộ thuộc 3 nhóm lực lượng chính gồm: thú y, cảnh sát giao thông và đội quản lý thị trường.

6 chốt kiểm dịch hoạt động liên tục 24/24 giờ tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô

6 chốt kiểm dịch hoạt động liên tục 24/24 giờ tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô

Cụ thể, chốt trên đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ Hải Bối, cơ sở giết mổ Minh Hiền và cơ sở giết mổ Vạn Phúc; thực hiện phúc kiểm để xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ gia súc, gia cầm, không để động vật và sản phẩm từ thịt động vật xâm nhập trái phép vào nội đô.

Việc kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm vào Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng; bởi nếu không làm tốt nhiệm vụ này, hàng nghìn vật nuôi mắc bệnh có thể xâm nhập, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm khi cung ứng ra thị trường.

Dù công tác kiểm soát vẫn đang được triển khai quyết liệt, tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đánh giá tình trạng người vận chuyển cố tình tránh các chốt kiểm dịch để đưa gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vào nội đô hiện vẫn phổ biến. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do hoạt động giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại.

Phải kiểm soát được cơ sở nhỏ lẻ

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện vẫn còn hàng trăm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Các cơ sở này do UBND cấp huyện quản lý, cấp phép. Hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có liên quan mật thiết với tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến hiện nay.

Số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 862 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; hiện đã có kết quả 658 mẫu, còn 204 mẫu đang chờ kết quả phân tích. Đối với các mẫu đã có kết quả, có 632 mẫu nông lâm sản và thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm 96,02%); 25 mẫu vi phạm (tỷ lệ 3,98%).

Công tác giám sát được các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện nghiêm túc; qua đó đã kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm, những mẫu vi phạm. Các ngành chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Cũng trong 9 tháng qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 478 lượt cơ sở sản xuất - kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Theo đó, phát hiện 33 cơ sở có vi phạm quy định, chiếm tỷ lệ 4,2%; đã tiến hành xử phạt 33 trường hợp, với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.

Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp khó khăn

Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp khó khăn

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, nhiệm vụ đặt ra là cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ thể sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm siết chặt quy định về nguồn gốc, xuất xứ động vật và các sản phẩm từ động vật.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện TP đang đẩy mạnh quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xa khu dân cư, đồng thời phát triển rộng mạng lưới giết mổ hiện đại. Do đó, cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương và TP Hà Nội, đề nghị các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, bố trí nguồn lực tài chính, tư liệu sản xuất nhằm hỗ trợ các nông hộ, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo định hướng chung, tiến tới xóa bỏ chăn nuôi và giết mổ nhỏ lẻ.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội, hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương còn khó khăn. Nguyên nhân là do các xã, thị trấn chưa bố trí được cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, công tác hậu kiểm đối với cơ sở sau ký cam kết còn hạn chế. Ngoài ra, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm đã chuyển biến nhưng còn hạn chế; ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường...