Chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Phạt nhẹ, không biết sợ

ANTĐ - Gần hai tháng sau khi Nghị định 79 quy định về nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, lần đầu tiên cơ quan quản lý văn hóa cùng ngồi lại để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định. Nhiều vướng mắc trong việc chấn chỉnh lĩnh vực này được đặt ra.

Sau “scandal” tai tiếng trên sân khấu, hình ảnh Mr Đàm

với hình ảnh ngón tay “chiến thắng” xuất hiện nhan nhản khắp đường phố 

Phạt để quảng cáo cho… người bị phạt?

Đó là trăn trở của không ít người trước những “scandal” liên tiếp xảy ra trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn mà người gây ra thường chẳng bị phạt gì, hoặc có thì cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”. Nói như lời của NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì danh hiệu nghệ sĩ bây giờ đang bị lạm dụng một cách quá đà với việc bất cứ ai bước lên sân khấu cũng tự vỗ ngực cho mình là nghệ sĩ. Bởi vậy nên mới có chuyện các ca sĩ và “vơ đét” cứ tự dưng ở đâu xuất hiện ào ào và thi nhau lũng đoạn nghệ thuật bằng các vụ lùm xùm lẫn “scandal”. Vị nghệ sĩ cũng không ngại ngần bày tỏ bức xúc trước vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” một người tu hành ngay trên sân khấu khiến dư luận “dậy sóng” những ngày vừa qua song rốt cuộc cũng chỉ bị cơ quan quản lý văn hóa xử phạt hành chính 5 triệu đồng. Ngay sau đó, khắp đường phố Hà Nội tràn ngập những tấm pano quảng cáo các chương trình của ca sĩ này với hình ảnh đôi bàn tay chiến thắng giơ cao, đứng trên cả pano quảng cáo chương trình của nhiều “diva” khác như Thanh Lam, Mỹ Linh...

Cũng gây ồn ào bằng “scandal” là việc người mẫu trẻ Hồng Quế dù không được mời nhưng vẫn cố tình xuất hiện với bộ trang phục phản cảm tại thảm đỏ lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế vừa diễn ra ở Hà Nội. Chỉ có điều, không có án phạt nào được đưa ra với cô người mẫu 9X này. Cái khó là ở chỗ cơ quan quản lý văn hóa chỉ có thể xử lý những trường hợp ăn mặc phản cảm lên sân khấu, trong khi sự kiện thảm đỏ tại Liên hoan phim trên lại không phải là một buổi trình diễn trên sân khấu. Những vụ việc đầy tai tiếng như Đàm Vĩnh Hưng hay Hồng Quế gây ra chỉ là những ví dụ nhỏ trong số hàng loạt các “scandal” xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ và cơ quan quản lý văn hóa đau đầu vì không biết phải xử lý ra sao. Chưa rõ được mất của người trong cuộc sau những vụ “scandal” trên thế nào, mà hầu như sau đó hình ảnh của họ nghiễm nhiên xuất hiện với tốc độ chóng mặt ở khắp nơi, kèm theo đó là giá “cát sê” tăng vù vù khiến nhiều người như NSƯT Lê Chức phải chua xót thốt lên: “Phạt đâu phải là để quảng cáo cho… người bị phạt!”. 

Thừa nhận điều trên, ông Phạm Đình Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT&DL cho biết hiện cơ quan quản lý văn hóa vẫn phải áp dụng việc xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo Nghị định 75 được Chính phủ ban hành cách đây hai năm, trong đó mức xử phạt chưa đủ sức răn đe và còn sót nhiều hành vi vi phạm được bổ sung trong Nghị định 79 vừa ban hành. Đấy là chưa kể trên thực tế, Nghị định về nghệ thuật biểu diễn chỉ quy định về hành vi, còn mức xử phạt lại thuộc về cơ quan khác. Đồng thời trong quy định xử phạt cũng không có điều khoản cấm biểu diễn hay xuất hiện trên truyền hình đối với người vi phạm. Do vậy, theo ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL thì trong thời gian tới Bộ cũng sẽ xem xét kiến nghị việc áp dụng tăng mức xử phạt hành chính đi kèm với cấm biểu diễn đối với các hành vi vi phạm về biểu diễn nghệ thuật. Theo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL để làm được việc này đòi hỏi cả sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông bởi nếu cứ gây “scandal” xong lại được xuất hiện nhan nhản trên các báo thì sẽ còn nhiều người sẵn sàng chấp nhận để được trở nên nổi tiếng.

Người mẫu Hồng Quế thản nhiên xuất hiện trên

thảm đỏ LHP Quốc tế với chiếc váy trong suốt

Chưa chấp nhận thi Nam hậu

Ngay khi Nghị định 79 vừa ban hành với nhiều quy định mới về thi người đẹp và người mẫu, có ý kiến cho rằng cần phải “nới” thêm các sân chơi nhan sắc dành cho nam giới. Bởi trong thời gian qua cơ quan quản lý văn hóa cũng đã cấp phép cho không ít “mỹ nam” đại diện Việt Nam đi thi quốc tế, song thực tế là chưa có bất cứ cuộc thi sắc đẹp nam giới trong nước nào được tổ chức. Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết trong thời gian xây dựng Nghị định 79, vấn đề này cũng đã được cơ quan quản lý văn hóa nhắc đến song đều không được các bộ, ban, ngành nhất trí vì cho rằng tổ chức các cuộc thi nhan sắc dành cho nam giới trong điều kiện hiện nay là không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Vả lại các cuộc thi “mỹ nam” quốc tế cũng không yêu cầu thí sinh dự thi phải là Nam hậu trong nước mà chấp nhận họ chỉ đạt danh hiệu tại một cuộc thi siêu mẫu cũng được. Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định tuy không cấp phép tổ chức thi nam hậu trong nước song cơ quan quản lý văn hóa cũng không gây khó khăn đối với các siêu mẫu được đề cử đi thi “mỹ nam” quốc tế.

Liên quan đến thi người đẹp và người mẫu quốc tế, Nghị định 79 quy định rõ chỉ có những thí sinh đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi tương ứng trong nước mới có thể được cấp phép “đấm chuông xứ người”. Điều này đồng nghĩa với việc nói không với việc đề cử những gương mặt nằm ngoài Top 3 của các cuộc thi trên. Sự giới hạn này khiến nhiều đơn vị nắm bản quyền cử thí sinh Việt Nam đi thi quốc tế lo ngại sẽ để lọt nhiều ứng viên sáng giá ngoài Top 3. Tuy nhiên theo ông Phạm Đình Thắng thì Nghị định mới ban hành đã tăng số lượng các cuộc thi sắc đẹp toàn quốc lên 2 năm/cuộc, chưa kể tới các cuộc thi vùng miền và cấp tỉnh. Do vậy, số lượng người đẹp, người mẫu trong diện có thể cử đi thi quốc tế không phải là ít. Quy định này cũng là để phù hợp với các sân chơi tầm cỡ thế giới bởi hiện nay các cuộc thi lớn như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ… cũng chỉ chấp nhận người đẹp lọt vào Top 3 cuộc thi nhan sắc quốc gia. Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng khẳng định: “Top 3 dứt khoát phải hơn Top 5 với Top 10, cho nên chỉ cần chọn 1 trong số 3 người đẹp nhất trong một cuộc thi là đủ”.