Cha con lôi nhau ra tòa

ANTĐ - Cho rằng cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải giao lại ngôi nhà đang sử dụng cho nguyên đơn là không đúng nên cấp phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo, đồng thời tuyên sửa một phần bản án trước đó. Vụ án đã khép lại, song nó vẫn khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về tình cha con.  

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Khi ki-ốt biến thành… nhà

Ngày 22-3 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với vụ án tranh chấp ngôi nhà (nguyên là ki-ốt) giữa hai bố con ông Phạm Anh Phương và chị Phạm Thị Mỹ Vân, đều trú ở phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Trước đó, ngày 11-9-2012, tại trụ sở TAND quận Cầu Giấy, ông Phương đâm đơn ra tòa, kiện con gái phải trả lại vợ chồng ông căn nhà hơn 30m2 tại chợ Đồng Xa.

Quá trình xét xử cho thấy, căn nhà mà vợ chồng chị Vân đang ở hiện nay vốn chỉ là một ki-ốt được ông Phương thuê của UBND thị trấn Cầu Diễn từ năm 1991 với thời hạn 10 năm, diện tích khoảng 15m2. Sau một thời gian bán nước chè và dùng làm nơi sửa chữa xe đạp, ông Phương lần lượt cho nhiều người khác thuê lại. Trong khoảng thời gian ấy, những người sử dụng này đã tự ý cơi nới, khiến gian ki-ốt “nở ra” thành 25m2. Đầu năm 2005, sau một thời gian lấy chồng nhưng không có chỗ ở, chị Vân quay về xin bố mẹ cho mượn gian ki-ốt này để sinh sống. Hơn 3 năm sau, do có nhu cầu lấy lại “nhà” để kinh doanh, vợ chồng ông Phương hỏi “xin” lại con gái nhưng không được...

Về phần bị đơn, chị Vân trình bày việc mượn “gian nhà” là hoàn toàn đúng sự thật. Tuy nhiên, ngay sau khi dọn về đây ở, vợ chồng chị đã liên tục cải tạo, cơi nới và hiện nay nó là một ngôi nhà khá khang trang với diện tích lên đến 32m2. Song, đó chưa phải là điều quan trọng, bởi trong thời gian mượn nhà của bố mẹ, vợ chồng chị Vân đã nhiều lần cho bố mẹ đẻ vay tiền, vàng, tổng cộng 36 triệu đồng và hai bên đã thống nhất số tiền đó được chuyển hóa thành tiền mua lại ki-ốt. 

Mất nhà, mất cả đạo lý thuần phong

Sau khi xem xét các chứng cứ, tài liệu mà hai bên nguyên đơn và bị đơn cùng đưa ra, TAND quận Cầu Giấy đã quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của ông Phương. Tòa án cũng đồng thời tuyên buộc vợ chồng chị Vân phải giao lại ngôi nhà cho bố mẹ đẻ sử dụng cho đến khi nào cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi. Không đồng tình với phán quyết của tòa án Cầu Giấy, chị Vân chống án lên tòa án cấp trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm, một lần nữa vợ chồng ông Phương và vợ chồng cô con gái lại gay gắt với nhau. Chị Vân vẫn khẳng định việc mượn nhà của bố mẹ đẻ là sự thật. Chị Vân cho rằng hợp đồng thuê ki-ốt giữa bố mình và UBND thị trấn Cầu Diễn chỉ có giá trị 10 năm, bắt đầu từ năm 1991. Vì vậy đến thời điểm vụ kiện được thụ lý, hiệu lực của hợp đồng thuê 

ki-ốt đã không còn. Về khoản tiền vay mượn, sau đó chuyển hóa thành tiền mua lại ki-ốt, phía bị đơn trình bày nguyên đơn thừa nhận, song đã phần nào “lật lọng” khi thấy giá trị của ki-ốt ngày một lớn hơn. Chị Vân quả quyết, sau khi “đánh tiếng” đòi lại nhà, bố chị đã mang tiền sang trả và còn gọi rất nhiều người thân quen đến để làm chứng. Theo đại diện của bị đơn, điều này cho thấy lời khai của chị Vân về việc đã mua lại ki-ốt của bố mình là hoàn toàn có căn cứ.

Chưa hết, luật sư của bị đơn còn cho rằng cấp tòa sơ thẩm đã rất “ẩu” khi không chỉ ra được quan hệ tranh chấp giữa bố con chị Vân, nhưng lại tuyên cho nguyên đơn được tiếp quản căn nhà hiện nay. Luật sư của chị Vân phân tích, ngoài bản hợp đồng thuê ki-ốt của ông Phương đã hết hiệu lực từ năm 2001 thì đối tượng tranh chấp lúc này đã không còn là ki-ốt nữa mà là một ngôi nhà. Trong khi đó, đơn khởi kiện của phía nguyên đơn thì lại chỉ đòi ki-ốt. Mặt khác, thời điểm ông Phương nhận ki-ốt từ UBND thị trấn Cầu Diễn, diện tích của nó chỉ có 15m2 (nguyên đơn khai), nhưng diện tích thực tế của căn nhà hiện nay đã lớn hơn hai lần số ấy. “Cấp sơ thẩm tuyên bị đơn phải trả lại căn nhà đang sử dụng ổn định cho nguyên đơn là điều rất vô lý” – luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định. 

Sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội nhận thấy, cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn có quyền tiếp quản ngôi nhà mà vợ chồng chị Phạm Thị Mỹ Vân đang ở hiện nay là không có căn cứ pháp lý, vì thế HĐXX phúc thẩm tòa án Hà Nội đã quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm để bác đơn khởi kiện của ông Phạm Anh Phương. Cùng với đó, tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của chị Vân khi bỏ ra một khoản tiền để bù đắp cho bố mẹ… 


(Danh tính nguyên đơn và bị đơn trong bài đã thay đổi)