Cây trong phố

ANTD.VN - Ở sân bay Dubai có hàng cây cọ thẳng tắp cao đến hơn chục mét tán lá xanh rì. Tất cả từ cuống lá với vết dao chặt cho đến những tàu lá non già khác biệt và gốc cây mốc meo năm tháng đều như thật. Ta chỉ biết nó là cây giả khi thấy chúng được “trồng” trong nhà.

Thành phố đã trồng rất nhiều giống cây ngoại lai từ hàng trăm năm trước

Chẳng biết cái học thuyết của Charles Darwin đúng được bao nhiêu phần trăm khi cho rằng con người vốn là từ những con khỉ trong rừng tiến hoá mà thành. Nhưng có điều chắc chắn, con người luôn yêu quý và sống dựa vào cây cối. Ngay cả đến những vùng cư trú sa mạc như Dubai thì nỗi thèm khát cây xanh vẫn luôn ngự trị trong tâm thức.

Những bức ảnh hồi đầu thế kỷ trước cho thấy Hà Nội không lấy gì làm nhiều cây cối cho lắm. Phải mất vài chục năm người Pháp quy hoạch lại, cây cối mới là một phần không thể thiếu của đô thị. Trước đó hẳn là cây cỏ vẫn mọc hoang trong thành phố. Khu vực hồ Tây (Dâm Đàm) vẫn còn hoang vu đến mức có cả hổ báo sinh sống.

Những tuyến phố với những hàng cây cổ thụ như ta thấy sau ngày tiếp quản Hà Nội 1954 đều có bàn tay của những kiến trúc sư tài ba can thiệp một cách cụ thể và khoa học. Những loài cây không có gốc gác bản địa được mang vào trồng rất nhiều ở thành phố này. Cây xà cừ có nguồn gốc châu Phi, cây sao đen trên phố Lò Đúc sinh trưởng ở miền Nam và Ấn Độ. Và cả khu vườn bách thảo là hàng chục loại cây không có nguồn gốc Việt Nam.

Những đứa trẻ Hà Nội hồi đầu thập kỷ 1960 có thể thuộc lòng từng gốc cây cổ thụ quanh hồ Gươm. Cây đa bên hồ ở đầu phố Hàng Khay vào tháng 9 ngày tựu trường trổ những búp non đỏ ối. Lũ trẻ nhặt về vò cho mềm thổi thành những chiếc bong bóng trắng phập phồng. Mỗi cây đa này lại treo một chiếc loa hình nón úp ngược.

Giờ thì thành phố đã phải trồng lại và trồng mới cây trên nhiều con phố. Vài nhà khoa học sinh vật lo lắng rằng cây phong sẽ không hợp thổ nhưỡng và lá sẽ rụng mất nhiều công sức quét dọn. Kể cũng hơi hão huyền. Cây nào lá chẳng rụng. 

Tiếng loa trầm ấm thong thả phát những bản nhạc giao hưởng kèm theo lời bình của phát thanh viên là món quà quý giá với chúng những buổi xế trưa. Mùa đông, khi quả đa chín vàng rụng xuống cũng là lúc bầy chim chào mào, sáo đá kéo nhau từ bên kia sông vào thành phố. Chúng chành chọe cất tiếng hót vang khắp trong các tán lá xanh rậm rì.

Mùa xuân là sắc hoa gạo rực rỡ trước cửa đền Ngọc Sơn. Những con chim héc mỏ đỏ chân cao kéo về hàng đàn kêu vo vo như tiếng sáo diều. Hoa gạo rụng xuống đất được lũ trẻ gái nhặt lên xâu thành chuỗi dài đeo quanh cổ. Chúng chơi trò cô dâu chú rể. Lớn lên có vài đứa thành đôi. Nhưng không một đứa nào quên được sắc hoa đỏ chói ấy dù rằng cây gạo cũ đã chết lâu rồi.

Mùa hạ là chói chang màu hoa phượng quanh hồ. Phía đường Đinh Tiên Hoàng kéo dài lên cầu Thê Húc là hàng chục cây hoa phượng như thế. Từng đàn chim khuyên lớn kéo về huyên náo trong tán hoa suốt từ sáng đến chiều. Đám trẻ nhặt cánh hoa rơi tước cuống dính lên mặt đóng vai hề.

Cũng thi thố hơn thua xem đứa nào khéo tay hơn. Cây si già bên cạnh tháp Hoà Phong có cành ngang la đà xuống mặt nước. Đó là nơi lũ trẻ trai trèo lên nhảy ùm xuống hồ tắm mát. Cuối hạ là hai cây lộc vừng cổ thụ một chín gốc và một gốc đơn trổ hoa lướt thướt trên mặt hồ. Sáng dậy, những cánh lộc vừng nhuộm đỏ mép nước như trải từng manh chiếu lớn.

Dọc đường Lê Thái Tổ là những cây dừa xơ xác gió bên hồ. Dưới gốc là những chiếc ghế xi măng được đúc cầu kỳ với nan thưa và tựa lưng mềm mại vững chãi. Dừa ấy và ghế ấy không ngờ còn đi cả vào những bức tranh Bờ Hồ của vài nghệ nhân trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào.

Họ thêm vào dưới gốc dừa một đôi trai gái khoác tay nhau mơ màng nhìn ra Tháp Rùa đẫm ánh trăng. Dòng tranh Bờ Hồ đã một thời thời thượng trong các gia đình cả nội thành lẫn những miền quê xa. Đã có lúc nó được chế tạo hàng loạt lồng khung phim chụp ảnh và kính bằng phim chụp phổi tẩy trắng bán đầy trong cửa hàng mậu dịch.

Dưới những gốc xà cừ cổ thụ suốt cả bốn mùa là nơi tụ họp của những người chơi cờ thế quanh hồ. Khi có chiếc bàn cờ gỗ cẩn thận nhưng cũng nhiều khi chỉ là bàn cờ bằng bìa tự vẽ có thể gấp nhỏ bỏ túi. Quân cờ bằng gỗ tạp nham nhở vết dao tiện và hình khắc chữ mờ mịt. Người chơi ai cũng có viên phấn trắng để tô lại những quân cờ trắng. Quân đỏ dùng phấn thợ may mà xát vào lờ lợ hồng. Thế nhưng cũng pháo lồng, mã giao chân, chiếu hậu rôm rả suốt ngày.

Mùa đông, lũ trẻ đi nhặt những quả phượng già rơi rụng quanh hồ dùng gạch đập vỏ ra lấy hạt. Chúng nhằn cái vỏ lụa bên trong hạt trong veo như thạch và ngăm ngăm đắng. Thời chưa có hạt hướng dương đứa nào đi học cũng có trong túi quần hàng nắm để giải trí trong giờ ra chơi.

Một đời cây ở phố không dài lắm. Cây phải chịu bão gió và sức tàn phá không kém của con người. Giờ thì thành phố đã phải trồng lại và trồng mới cây trên nhiều con phố. Giờ thì đã có thêm rất nhiều loại cây trồng thêm vào phố. Từ hoa ban, bàng Đài Loan, muồng vàng, lát hoa… cho đến mới nhất là cây phong lá đỏ. Vài nhà khoa học sinh vật lo lắng rằng cây phong sẽ không hợp thổ nhưỡng và lá sẽ rụng mất nhiều công sức quét dọn.

Kể cũng hơi hão huyền. Cây nào lá chẳng rụng. Không những thế, mùa lá sấu vàng hanh bời bời rụng trên đường Phan Đình Phùng còn là một giá trị thẩm mĩ được nhiều ngành nghệ thuật quan tâm. Và thành phố đã từng trồng rất nhiều giống cây ngoại lai từ hàng trăm năm trước rồi.