Ký ức khoai lang và thứ quà mùa đông Hà Nội

ANTD.VN - Với người Hà Nội thì khoai lang được biết đến và thưởng thức nhiều nhất vào mùa đông. Những thành phố khác không có mùa đông chẳng biết người ta ăn khoai lang vào lúc nào.

Những khay than hồng nướng khoai thơm nức góc phố Hà Nội mùa đông 

Mùa thu hoạch khoai lang ở đồng bằng Bắc bộ thực ra là cả bốn mùa tùy theo thổ nhưỡng và khí hậu vùng miền. Đồng bằng trồng khoai từ mùa đông và thu hoạch vào cuối xuân. Vùng núi cao trồng mùa hè, thu hoạch đầu đông. Khoai lang hình như được sinh ra để bù đắp cho những vùng đất đai khô cằn chỉ trồng được một vụ lúa. Những mảnh ruộng ven sông phù sa trộn cát là nơi khoai lang sinh trưởng tốt nhất. “Trăng rằm đã tỏ lại tròn/ Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi”. Câu ca dao cổ nói về độ ngon của củ khoai khi trồng ở vùng đất cát như một lẽ tất nhiên.

Gọi chung là khoai lang thế thôi nhưng cũng có ít nhất ba giống khoai lang truyền thống. Khoai lang mật còn gọi là khoai nghệ bởi có ruột vàng và ướt. Khoai này ngọt lịm, có mùi thơm đặc biệt. Nó tương đối quý hiếm bởi năng suất không cao. Những năm bao cấp đói kém ăn cơm độn khoai khá nhiều cũng không thấy khoai nghệ xuất hiện ở thành phố nữa, mặc dầu trước đó nó được gánh rong bán khắp phố phường.

Khoai lang trắng mặc dù được các thầy thuốc bây giờ công nhận có khá nhiều dược tính có lợi cho sức khỏe con người nhưng dân phố ít khi dùng. Nó nhạt nhẽo và kém thơm. Ốm đau đã có thuốc men dù những năm nghèo khó nhiều khi thuốc men cũng chỉ là lá lẩu mua ở cổng chợ.

Có điều lạ là củ khoai lang bây giờ dù rất to nhưng hương vị nhạt phèo khác hẳn. Chẳng biết có liên quan gì đến những vùng đất cát cằn cỗi ngày xưa giờ đã được dùng vào việc xây dựng mở mang? 

Nhưng lúc ấy hình như các thầy thuốc cũng chưa có thì giờ để nghĩ đến khoai lang. Họ đang nghĩ về ngô và đang cố gắng chứng minh ngô bổ hơn gạo. Dân phố biết thế nhưng vẫn thích ăn gạo. Điều đó chứng tỏ mọi nền văn minh không có bất kỳ liên quan gì đến lương thực. Không thể nói ăn ngô sẽ thông minh hơn ăn những thứ khác.

Khoai lang tím luôn là món ăn chủ lực sau lúa gạo của cư dân đồng bằng. Miền núi đã có ngô. Thế nhưng người đồng bằng ăn khoai lang cũng chỉ như thêm thắt quà vặt cho ấm bụng mà thôi. Nó chưa bao giờ là lương thực chính. Ở nông thôn thường ăn vào buổi tối sau bữa cơm chiều.

Hãm ấm chè tươi, luộc rổ khoai lang mời hàng xóm sang chuyện trò rôm rả. Lũ trẻ Hà Nội những năm 1960 sơ tán về nông thôn không hiểu được vì sao buổi tối bác ấy có thể luộc cả một rổ khoai lang mời hàng xóm tha hồ ăn, nhưng sáng hôm sau bắt được đứa nào bới trộm ngoài ruộng dù chỉ một củ thôi là đánh cho đến què chân.

 Nhà văn Đỗ Phấn

Người Hà Nội cũng ăn khoai lang vào buổi tối. Dễ hiểu vì gốc gác thị dân nào chẳng là nông dân. Cái phần thành thị được biểu hiện ở chỗ người phố ăn khoai nướng người ta bán sẵn. Nướng được chín củ khoai ở phố cần phải có dụng cụ chuyên nghiệp mà không thể tự làm. Đó là một khay sắt sâu lòng quạt than hoa hồng rực. Là chiếc kẹp sắt để giở khoai. Là tấm lưới thép đặt trên miệng khay để giữ cho khoai đã chín luôn nóng. Đồ nghề lủng củng như thế nên không thể mang đi bán dạo.

Người bán khoai nướng có những chỗ ngồi cố định. Cửa rạp chiếu phim, bến xe, bến tàu hoặc những góc phố đông người qua lại. Trai thanh gái lịch mua một củ khoai gói vào giấy nóng rực ưu tiên cho chị em ấp ủ nó trong bàn tay lạnh giá. Lúc ngồi xem phim bẻ ra mời bạn trai ăn dè sẻn từng miếng một. Nhiều mối tình “khoai lang” như thế đã nên nghĩa vợ chồng. Nhưng cũng có nhiều đôi vỡ mộng chia tay. Bởi vì tưởng gia thế anh/cô thế nào hoá ra đi xem phim ba lần thì cả ba đều khoai nướng.

Những năm cuối thời kỳ bao cấp, lương thực đã trở nên khan hiếm tột cùng. Bột mì viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa đã không còn nữa. Khoai lang được bán kèm vào tiêu chuẩn lương thực của dân phố. Ban đầu còn có thể đếm được từng củ. Về sau là khoai lang thái lát phơi khô chỗ mốc chỗ lành.

Về sau nữa là những dẻ khoai chỉ bằng ngón tay phải ôm cả bó. Trẻ con ở phố được phụ huynh giao cho nhiệm vụ cạo sạch vỏ mớ dẻ khoai ấy thật là một cực hình. Chúng cạo ẩu. Độn vào nồi cơm thưa thớt vài hạt gạo chỗ tím chỗ vàng chẳng đứa nào muốn ăn. Buổi sáng là nồi dẻ khoai luộc ăn để đến trường, tầm 10 giờ sáng đói quặn ruột. Nhiều đứa sợ củ khoai lang cho đến tận bây giờ dù đã ở tuổi lên lão.

Vài năm nay tình hình đã thay đổi. Khoai lang và nhiều loại khoai khác đã trở lại phố phường như một món quà quý hoá. Nó đắt hơn gạo. Và luôn luôn đắt hàng. Ở chợ có người bán khoai ngồi cố định. Vỉa hè nào cũng lõng thõng vài đôi quang gánh phủ tấm vải màn của người đi bán dạo. Buổi tối lại là những khay than hồng nướng khoai truyền thống khắp các góc phố. Mùi khoai nướng sực nức ấm áp mùa đông. Nó lại trở thành món quà quen thuộc có nơi mua, giờ mua cố định như ngày nào.

Có điều lạ là củ khoai lang bây giờ dù rất to nhưng hương vị nhạt phèo khác hẳn. Chẳng biết có liên quan gì đến những vùng đất cát cằn cỗi ngày xưa giờ đã được dùng vào việc xây dựng mở mang? Nhiều giống khoai mới ruột đỏ au hay tím lịm cũng đều chung một hương vị. Nó chỉ giải quyết chuyện trực quan hấp dẫn mà thôi.

Cũng thật ngạc nhiên khi lũ trẻ ở trên mạng và cả ngoài đời bây giờ dùng chữ “khoai” như một tính từ để chỉ sự khó nhằn của công việc mà chúng gặp phải. Chỉ nghe ông bà kể lại cái thời khoai lang độn cơm mà đã sớm rút ra kết luận như thế thì quả là đáng tin cậy.