“Cậu Vàng” trên màn ảnh: Nét chấm phá riêng giữa mùa phim giải trí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ phim điện ảnh “Cậu Vàng” gợi trí tò mò đối với công chúng nhiều thế hệ vốn đã quá quen thuộc với các nhân vật lão Hạc, chú chó tên Vàng… từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Ra mắt vào giữa mùa phim giải trí đón năm mới, “Cậu Vàng” tạo một nét chấm phá riêng về đề tài và thể loại phản ánh hiện thực xã hội thời “nửa phong kiến, nửa thực dân”.

Kịch bản do cố NSND Bùi Cường chấp bút với cảm hứng từ tác phẩm văn học “Lão Hạc” của cố nhà văn Nam Cao. Đây là tác phẩm kinh điển được tất cả thế hệ học trò biết đến từ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8. Đạo diễn Trần Vũ Thủy (con rể của NSND Bùi Cường) đã dốc hết tâm huyết làm nên bộ phim “Cậu Vàng” để tri ân cả nhà văn Nam Cao lẫn nhạc phụ.

Diễn viên Băng Di có nhiều đất diễn trong phim “Cậu Vàng”

Diễn viên Băng Di có nhiều đất diễn trong phim “Cậu Vàng”

Bức tranh làng quê Việt

Ngay từ những hình ảnh đầu phim, “Cậu Vàng” đã phác họa nên nét đẹp và yên bình của vùng đồng bằng, làng quê nông thôn Việt Nam. Ở đó có những người nông dân chân chất, hiền lành, chịu thương chịu khó. Tuy sống trong cảnh nghèo nhưng họ tận hưởng sự an bình, thơ mộng của không gian sống và mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Chuyện tình ngang trái của người con trai duy nhất của lão Hạc được tái hiện. Anh ta yêu một cô gái trong làng, nhưng vì nhà nghèo nên đành phải chia tay, còn cô gái thì đi ở đợ cho gia đình Bá Kiến (nhân vật phản diện nổi tiếng trong tác phẩm “Chí Phèo” (1941) của Nam Cao). Bị Lý trưởng và đồng bọn truy đuổi, con trai lão Hạc phải bỏ trốn khỏi quê nhà. Từ đó lão Hạc thương nhớ người con, đồng thời phải đối diện với bao tai ách từ bọn cường hào, ác bá trong làng đổ lên đầu. Bá Kiến là kẻ thâm độc và tham lam đã góp tay hãm hại lão để giành mảnh đất “long mạch” ở làng Vũ Đại. Nhìn chung, truyện ngắn của Nam Cao được tái hiện trên tinh thần tôn trọng nguyên tác. Bởi các nhà làm phim ngày nay không thể xa rời cốt truyện tinh hoa của bậc thầy văn học hiện thực phê phán. Họ lấy đó làm đường dẫn cho phim để phản ánh hình ảnh người nông dân thiện lương nửa đầu thế kỷ 20 bị áp bức, bất công.

Những nhân vật đặc sắc

Lão Hạc là nhân vật nông dân điển hình ở tầng lớp đáy xã hội. Không chỉ sống trong điều kiện khốn khó, lão còn bị bắt nạt từ việc đám giang hồ thả trâu giày xéo vườn rau, cho đến bọn quan lại vô lương cố tình bắt đóng sưu cao thuế nặng. Con trai phải bỏ làng ra đi, lão Hạc chỉ còn niềm vui, sự an ủi là chú chó Vàng thông minh, trung thành. Dù vậy, định mệnh khắc nghiệt đến mức lão phải bán đi chú chó mình yêu thương nhất.

Bộ phim cũng dành một trong những cao trào có thể lấy nước mắt người xem. Đó là hình ảnh trong ngôi nhà tranh vách đất tăm tối của mình, lão Hạc trở nên yếm thế, bất lực. Lão đã chọn cách phản kháng cực đoan (nhưng suy cho cùng là đỉnh cao của tuyệt vọng) là tự kết thúc cuộc đời kham khổ, bi kịch. Cảnh lão tự nằm trong chiếc hòm gỗ do chính lão đóng là một phân cảnh đắt giá. Nó là điểm kết sau phân cảnh lão Hạc lảo đảo đi trên con đường làng vô định. Phận đời của một lão nông gây thương cảm và để lại thật nhiều suy ngẫm.

Trong khi đó, ở phía đối lập và tương phản, gia đình Bá Kiến sống trong giàu sang, nhung lụa. Thế nhưng Bá Kiến và Lý trưởng vẫn tham lam, mưu mô, cậy quyền cậy thế để ức hiếp người dân và cướp đoạt thêm cho bản thân, mà nạn nhân chính là lão Hạc và ông giáo Thứ… Nhân vật Binh Tư chính là hình ảnh của một Chí Phèo với thân phận vào tù ra khám nhiều bi kịch. Thoạt đầu Binh Tư cũng bị Bá Kiến mua chuộc để làm tay chân cho hắn sai khiến. Về sau Binh Tư đã thay đổi tính cách và quay lại phản kháng tạo nên một hình ảnh gai góc, mạnh mẽ so với sự “bất bạo động” của lão Hạc trước áp bức, bất công. Đây là một sự sáng tạo trong kịch bản, góp phần thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp thông qua hình ảnh những người “cải tà quy chính”, hướng thiện.

Lão Hạc (diễn viên Viết Liên đóng), “bạn diễn” cậu Vàng và các diễn viên khác

Lão Hạc (diễn viên Viết Liên đóng), “bạn diễn” cậu Vàng và các diễn viên khác

Khi Vàng là “ngôi sao”

Chú chó Vàng trong tác phẩm của Nam Cao chính là một trong những chú chó nổi tiếng nhất của nền văn học Việt Nam xưa và nay. Còn trong phim “Cậu Vàng”, đây là một nhân vật chính, đóng vai trò then chốt trong việc thành bại chuyên môn của bộ phim. Chính vì vậy mà “Cậu Vàng” được xem là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam có “diễn viên chính” là một chú chó.

Thật may, chú chó đóng vai “cậu Vàng” đã được huấn luyện kỹ lưỡng để thể hiện tròn vai trên màn ảnh. Đầu tiên là hình ảnh một chú chó nhà hiền lành, thân thiết, được cha con lão Hạc nuôi nấng, đồng hành bằng tình thương hết mực (lão Hạc thậm chí nhường cả cơm cho Vàng). Kế đến, Vàng thể hiện sự thông minh, lanh lợi, trung thành với chủ và bao lần dũng cảm chống lại những kẻ xấu. Từ một chú chó “thú cưng” được nuông chiều, Vàng trải qua hành trình trưởng thành, trải nghiệm nhiều sóng gió cuộc đời. Phim có nhiều cảnh quay Vàng phóng nhanh qua các cảnh quan khác nhau (cánh đồng, đường đất, dặm cỏ, sông suối…) như ngầm thể hiện cho hành trình đó.

“Diễn viên chính” trong “Cậu Vàng” rõ ràng đã hoàn thành vai diễn, với không ít cảnh quay đa dạng, phong phú về cả nội tâm lẫn hành động. Khán giả sẽ nhớ một “cậu Vàng” hiền khô trong vòng tay của ông chủ cho đến việc tả xung hữu đột đánh nhau với đồng loại, đối kháng với nhóm người bất nhân… Vàng cũng tạo được một số tình tiết hài hước mang đến tiếng cười nhẹ nhàng cho người xem, đồng thời cũng gây xúc động trong cảnh cậu bị trói gô suýt bị làm thịt hay cảnh cậu “lặng người”, ngấn lệ nhìn thân xác lão Hạc được di quan.

“Cậu Vàng” là bộ phim còn nhiều điểm có thể làm tốt hơn từ phương diện kỹ thuật (đài từ, lồng tiếng một số nhân vật chưa trơn tru), đến kịch bản (khá nhiều nhân vật và tuyến truyện nên phim phải dàn trải, dẫn đến thiếu thuyết phục hoàn toàn trong khắc họa tâm lý một số nhân vật). Dù vậy, đây vẫn là tác phẩm điện ảnh đáng ghi nhận về tâm huyết lẫn nỗ lực. Nhất là quyết tâm khai thác đề tài văn học kinh điển trong nước đưa lên màn ảnh rộng, vốn khá hiếm hoi trên thị trường phim ảnh Việt Nam chiếu rạp những năm gần đây. “Cậu Vàng” - vì vậy là một điểm son đáng quý đầu năm 2021.

* Dù lão Hạc trong khốn cùng đành phải bán chú chó Vàng, song chú vẫn tìm được cách trở về và tỏ vẻ “tha thứ” cho ông chủ. Cuối phim, ở một chừng mực nào đó có thể nói Vàng thật sự trở thành một “người hùng” khi chính cậu và đàn chó quy phục đã “thế thiên hành đạo”, bắt kẻ xấu phải bị trừng trị đích đáng.

* Nhân vật Binh Tư trong “Cậu Vàng” làm người ta nhớ đến câu: “Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều có một tương lai”. Cũng chính Binh Tư mặt mũi ngổ ngáo đầy sẹo, tính cách bốc đồng hung hăng, sẵn sàng giải quyết mọi xung đột bằng nắm đấm, lại nói câu thoại được xem là đặc sắc và đáng nhớ nhất trong phim “Cậu Vàng” rằng: “Đến con chó nó còn biết sống sao cho phải đạo nữa là con người”.

Đạo diễn Trần Vũ Thủy vượt qua một thử thách lớn, đó là làm sao giữ được tinh thần, giá trị nhân văn từ nguyên tác mấy chục năm trước, đồng thời thể hiện câu chuyện thông qua ngôn ngữ điện ảnh, góc nhìn hiện đại hôm nay. Đạo diễn chọn lựa một dàn diễn viên khá hùng hậu đến từ cả 2 miền Bắc - Nam để tham gia góp sức vào bộ phim của mình, bên cạnh “nhân vật chính” là chú chó Vàng. Đó là diễn viên Viết Liên (vai lão Hạc), NSƯT Hữu Châu (vai Bá Kiến), NSƯT Chiều Xuân (vai bà cả), Khánh Huyền (vai bà hai), Băng Di (vai mợ ba), ca sĩ Will - cựu thành viên nhóm nhạc 365 (vai Lý Cường), Phương Nam (vai Binh Tư - nhân vật khiến khán giả liên tưởng đến Chí Phèo), Thanh Bình (vai Lê Văn), Trần Lê Nam (vai giáo Thứ), Thanh Hoa (vai vợ giáo Thứ), Doãn Hoàng (vai Cò), Bích Ngọc (vai Cải), Diệp Thanh Phong (vai gã trương tuần)…