Cao đẳng - nỗi lo đầu vào

ANTĐ - Mùa tuyển sinh 2014 cho thấy xu thế giảm mạnh lượng thí sinh dự thi cao đẳng (CĐ) khiến nhiều trường chao đảo. Tuy nhiên, chính điều này đã tác động tích cực đến nhiều trường để thích ứng với cuộc cạnh tranh đầu vào khá căng thẳng này.

Ám ảnh giảm sút đầu vào

Ngay trong ngày thi đầu tiên 15-7, nhiều trường đã phản ánh tình trạng sụt giảm đáng ngại lượng thí sinh dự thi CĐ. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký dự thi vào hệ CĐ của các trường ĐH và các trường CĐ năm nay là 257.000 hồ sơ, giảm rất mạnh so với các năm trước và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển. Cùng với đó, tỷ lệ dự thi thực tế của nhiều trường chỉ đạt 50-60%, thậm chí có trường chỉ đạt trên 30%.

TS Dương Đức Chính, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, cho biết năm nay trường có 4.800 chỉ tiêu nhưng chỉ có hơn 1.300 hồ sơ đăng ký dự thi. Theo thống kê, số thí sinh đến làm thủ tục là hơn 400, chỉ đạt 31,45%. Ông Trịnh Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công trình đô thị (Gia Lâm - Hà Nội) cho biết, so với 2 năm trước, số hồ sơ đăng ký dự thi sụt giảm khủng khiếp. “Năm 2012 toàn trường có trên 9.000 hồ sơ thì năm 2013 chỉ còn trên 1.000. Năm nay số hồ sơ trường nhận được chỉ vỏn vẹn 685, trong khi chỉ tiêu lên tới 1.600”.

 Trường CĐ Bách nghệ Tây Hà năm nay có 1.028 hồ sơ đăng ký cho 13 ngành đào tạo, tỉ lệ dự thi là trên 60%  với hơn 600 thí sinh. Trường CĐ Sư phạm Hà Nội là một trong số rất ít trường có tỷ lệ thí sinh dự thi khá cao 76,48% với 8.400 thí sinh, tổng số hồ sơ là 10.982, xấp xỉ so với năm ngoái. Trong khi đó, trường láng giềng với trường này là CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương cũng phản ánh tình trạng giảm sút hồ sơ khi trường nhận được hơn 5.000 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm gần 1.000 hồ sơ so với năm 2013.

Nhiều chiêu giữ nguồn tuyển

Các trường cao đẳng lo ngại trước tình trạng giám sút mạnh đầu vào

Mặc dù tình trạng giảm sút lượng thí sinh dự thi ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giảng dạy của các trường nhưng đây cũng là yếu tố khiến nhiều trường phải tích cực đầu tư, chuyển biến theo thực tế. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho biết: Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới, trường vẫn nhận được khoảng 11.000 thí sinh đăng ký dự thi. Nguyên nhân do trường có truyền thống đào tạo uy tín, vị trí ở trung tâm hơn. Bên cạnh đó, yếu tố căn bản giữ vững nguồn tuyển của trường là đầu ra có việc làm. Điều tra xã hội học về sinh viên ra trường của trường này là 79% có việc làm trong vòng 6 tháng ra trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng Phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, CĐ Điện tử Điện lạnh cho biết, mặc dù lượng thí sinh đến dự thi chỉ đạt 55,6%, tức 708 em trên tổng số 1.200 hồ sơ nhưng nhà trường vẫn tự tin với đầu vào bằng tuyển sinh nguyện vọng 2. Để có được sự tự tin này, bà Nga cho biết là do cơ hội việc làm của sinh viên trường này sau tốt nghiệp. “Năm qua, sinh viên ra trường tìm được việc làm trong 1 năm là 70%, đúng chuyên ngành đào tạo. Sinh viên có thể xin vào các doanh nghiệp, cũng có thể mở cửa hàng nhỏ. Vốn không lớn nhưng việc đều, có thể mưu sinh được” - bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết - “ Trường chúng tôi rất chú trọng tới chất lượng đào tạo và tăng cường mời các công ty tuyển dụng trực tiếp đến trường tuyển lao động. Kéo doanh nghiệp về gần với sinh viên chính là chiến lược của nhà trường nhằm thu hút thí sinh và gia đình các em đến với trường”.

Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực thực tế rất cao nhưng Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, ông Đặng Lộc Thọ cho biết, lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường này cũng giảm theo xu thế chung. “Năm nay để thu hút thí sinh trường đã nghiên cứu đưa ra những chương trình đào tạo hấp dẫn vừa tận dụng thế mạnh của trường vừa phù hợp với nhu cầu xã hội. Cụ thể, trường mở thêm 5 chương trình đào tạo song ngành như Giáo dục mầm non - Giáo dục đặc biệt, Giáo dục mầm non-sư phạm âm nhạc, Giáo dục mầm non- sư phạm mỹ thuật hay kinh tế gia đình-chăm sóc trẻ… Qua thực tế, nhà trường nhận thấy việc đào tạo song ngành khả năng xin việc lớn hơn bởi nhu cầu hoà nhập giáo dục mầm non với các dịch vụ chăm sóc trẻ rất lớn...” - ông Đặng Lộc Thọ khẳng định. Có thể thấy, các trường CĐ dù rất khó khăn nhưng cũng đang nỗ lực cạnh tranh tích cực khi điều chỉnh để đào tạo gắn với nhu cầu thực tế.