Cảnh tỉnh kẻ gieo gió

(ANTĐ) - Xem “Những quân bài định mệnh”, có người nói với tác giả kịch bản Phan Gia Liên rằng: “Nặng nề quá!” Đâu đó, giữa chừng cao trào vở diễn, có người bỏ ra ngoài trong cảm giác không chịu nổi áp lực của âm thanh chát chúa, những câu hỏi lương tâm như xoắn quặn vào tim. Và như thế, bằng việc rót vào tâm trí mỗi khán giả dòng suy tư trĩu nặng khi bước ra khỏi rạp, vở kịch đã thành công.

Vở kịch “Những quân bài định mệnh”

Cảnh tỉnh kẻ gieo gió

(ANTĐ) - Xem “Những quân bài định mệnh”, có người nói với tác giả kịch bản Phan Gia Liên rằng: “Nặng nề quá!” Đâu đó, giữa chừng cao trào vở diễn, có người bỏ ra ngoài trong cảm giác không chịu nổi áp lực của âm thanh chát chúa, những câu hỏi lương tâm như xoắn quặn vào tim. Và như thế, bằng việc rót vào tâm trí mỗi khán giả dòng suy tư trĩu nặng khi bước ra khỏi rạp, vở kịch đã thành công.

Sợ vì thấy bóng mình trong đó

“Những quân bài định mệnh” được gọi là vở kịch chống tham nhũng, song nếu xem kỹ thì sẽ nhận ra rằng, chống tham nhũng không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để nói về sự tha hóa nhân cách của một con người từ tốt thành xấu, để cảnh tỉnh những ai đang trong vòng tội lỗi rằng: “gieo gió thì sẽ gặt bão”, nhưng không chỉ bản thân “gặt bão” mà cả gia đình, vợ con, người thân cũng phải gánh chịu tai họa.

Một cảnh trong vở kịch
Một cảnh trong vở kịch

Với cái tứ ấy, xuyên suốt vở kịch là một chuỗi những giằng xé đau đớn: giằng xé giữa một Trương Nhất Long (NS An Ninh) anh hùng lấp lánh chiến công chống Mỹ cứu nước với một Trương Nhất Long cán bộ hải quan đã tàn lụi hào quang chiến trận, chỉ còn độc chiếc balô lỗ chỗ vết đạn trước sức cám dỗ của những đồng đô la xanh; giằng xé giữa một vị quan chức chỉ có thể tẩu tán tài sản bằng cách ly dị vợ với một người chồng yêu vợ thương con hết mực; giằng xé quyết liệt trong tâm lý của kẻ tử tù: vừa muốn nhận hết tội lỗi vừa muốn giấu giếm chút tài sản cho gia đình; vừa muốn khai ra tất cả những thế lực đen tối “cấp trên”, vừa muốn chết một mình để bảo vệ người thân...

Tác giả kịch bản Phan Gia Liên:

Nhiều người hỏi tôi là: chuyện này có thật không? Tôi bảo 70 % là sự thật, còn 30 % là hư cấu. Tôi mượn tình tiết từ một vụ án tham nhũng có thật nhưng tâm điểm tôi muốn hướng tới là sự giằng xé lương tâm của nhân vật Trương Nhất Long - đó chính là phần tôi hư cấu. Tôi muốn giải thích rằng sự tha hóa của một con người không dễ dàng như người ta nghĩ, nhất lại là sự tha hóa của một quan chức cấp cao. Bản thân họ khi lên đến được một vị trí để có thể tham nhũng thì phải trải qua cả một quá trình phấn đấu làm việc hết mình. Song lẽ thường, con người thấy tiền thì nổi lòng tham. Long vốn là một anh hùng, một thương binh, một cán bộ đã thử lửa qua chiến tranh, nhưng trong nền kinh tế thị trường, người ta không thể sống mãi bằng hào quang. Ban đầu nhận tờ 100 đô Long đã thấy sợ, nhưng dần dần người ta đưa cho 1.000 đô, 10.000 đô vẫn thấy ít. Đó, sự tha hóa bao giờ cũng diễn ra rất từ từ, ngấm dần, ngấm dần rồi tự lúc nào, người ta tự biến mình thành một quân bài cho người khác sử dụng, chi phối, sát phạt trong cuộc chơi. Cho nên, mỗi con người phải cảnh giác với chính mình.

Sự giằng xé ấy khiến cho khán giả đến gần hơn với kẻ quan tham, để có thể dẹp sang bên sự hả hê khi hắn bị dẫn ra pháp trường mà thay vào đó là cảm thương cho những người còn sống sẽ phải gánh chịu hậu quả. Các con bài xuất hiện trên sân khấu xô đẩy, giằng co, bao vây, chặn đứng, dụ dỗ, đe dọa, lôi kéo... biến nhân vật chính thành đồng loại - một quân bài định mệnh. Và chính những con bài đông đúc, bè đảng, dồn dập như thẩm vấn, tra hỏi tâm can làm nhiều người cảm thấy nặng nề  vì có lẽ, họ thấy... bóng dáng  mình trong đó.

Hợp lý trong sự phi lý

Nhiều chi tiết trong vở kịch có vẻ không hợp lý lắm như nhân vật Trương Nhất Long đến chết vẫn không khai ra con K rô và K bích là ai;  Mây - vợ Long (NSƯT Minh Hằng) thì lại dễ dàng chấp nhận người tình bí mật cùng với hai đứa con riêng của chồng; Tí Nị (Hồng Hạnh) - cô vợ bé phi pháp của Long không làm lại cuộc đời mà đi tu để sám hối...

Tuy nhiên, phải là một người công tác trong ngành công an, hiểu rất rõ tâm lý tội phạm như tác giả Phan Gia Liên thì mới có được những tình tiết đó. Long không thể khai bởi hắn chịu quá nhiều áp lực từ quyền lực bên trên và cả một thế lực đen tối khổng lồ. Nếu hắn khai ra hắn cũng không thoát chết mà lại kéo theo cả vợ con, người thân vào cái chết. Ai sẽ bảo vệ vợ con hắn trước sức mạnh tàn ác của K bích và K rô? Không ai cả.

Và đó cũng là thực tế của các vụ án gian lận thương mại. Những kẻ bị bắt, bị chịu án chỉ là những con bài tép riu thế mạng, số tài sản thu được dù là hàng chục triệu đô la, hàng chục biệt thự, xe hơi cũng chỉ là phần nổi, còn phần chìm như Long nói: “Chưa hết đâu, còn rất nhiều tiền!”.

Không sử dụng cách trang trí của sân khấu truyền thống “Những quân bài định mệnh” sử dụng các biểu tượng thay cho phông màn: con 3 tép bé mọn, rách đôi treo lơ lửng, chới với trên cành cây khô, con át bích đen tối, con Q bích nham hiểm, con Q cơ ác bá ngấm ngầm ẩn dật phía sau như chờ chứng kiến cuộc hành hình của con bài thế mạng.

Nghệ sỹ Hồng Hạnh - vai Tý Nị:
Kiểm soát được cảm xúc của vai diễn

Tác giả Phan Gia Liên đã thể hiện một ý tưởng kịch bản hay và rất có ý nghĩa mà không dễ gì tìm được một kịch bản như vậy. Viết về một vụ án có thật nhưng tác giả không xoáy sâu vào tình tiết diễn biến mà thể hiện cảm quan nhân văn, bằng những thông tin chính xác. Lúc đầu khi nhận vai Tý Nị trong vở kịch, một cô gái “bao” mới 17 tuổi nhưng đã làm mẹ của 2 đứa con, tôi cũng khá lo lắng. Bởi một thời gian dài trước đó tôi thường đóng các vở kịch thiếu nhi, bây giờ quay trở lại sân khấu kịch chính thống cũng hơi sợ quá sức mình. Nhưng được sự động viên của đạo diễn, tác giả và cả bạn bè đồng nghiệp, tôi bắt đầu thấy tự tin hơn nhiều. Đặc biệt, tác giả Phan Gia Liên thường xuyên đến xem các buổi tập của chúng tôi, góp ý từng đoạn diễn, lời thoại nên tất cả anh em nghệ sỹ đều bảo nhau cố gắng tập thật hay, thật tốt. Hơn nữa, càng đóng tôi lại càng thấy yêu thích vai diễn này và kiểm soát được cảm xúc của mình.

Phần biểu diễn hình thể của các diễn viên trong vai những con bài cũng khiến hiệu ứng sân khấu của vở kịch được đẩy lên, không chỉ gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ mà còn gợi mở những suy tư khác nhau của người xem về những chi tiết ẩn dụ đặc sắc như: những con bài chụm lại thành hình chiếc gông siết cổ Trương Nhất Long, những con bài xô đẩy hai người vợ của Long lại với nhau, những con bài dẫn lối Tí Nị đến với nhà Phật...

Tuy nhiên, sẽ hoàn hảo hơn nữa nếu phần âm nhạc mềm mại và dịu hơn.

Tiếng chuông cảnh tỉnh mà “Những quân bài định mệnh” gióng lên chắc chắn sẽ ám ảnh vang vọng trong tâm trí người xem.

NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Đạo diễn vở “Những quân bài định mệnh”:

Sử dụng trường phái ấn tượng xuyên suốt vở kịch

Vở kịch này đề cập đến một vấn đề chống tham nhũng rất được xã hội quan tâm. Chính vì thế khi bắt tay vào dàn dựng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song điều tôi quan tâm nhất là truyền tải thông điệp của nó một cách thật hiệu quả tới công chúng, chứ không chỉ dừng lại ở mấy câu chống tiêu cực khô khan. Có thể thấy những người như nhân vật Trương Nhất Long chính là những quân bài, đồng thời là nạn nhân của vấn nạn tham nhũng. Họ cữ ngỡ rằng bất chấp mọi giá để kiếm những đồng tiền phi pháp là chăm lo cho tương lai con em mình, mà không lường được rằng ngoài luật pháp hiện hành trong cuộc sống còn có luật trời. Các cụ xưa dạy không sai, tham thì thâm, lộc tràn thành họa. Đứng trước kịch bản giàu chất liệu sống này của tác giả Phan Gia Liên, tôi đã quyết định không lựa chọn phương thức tả thực mà sử dụng trường phái ấn tượng xuyên suốt vở kịch để làm nổi bật lên những góc khuất trong số phận con người.

Hồng Hậu