Cảnh giác với dịch vụ hỗ trợ đưa lao động sang Singapore

ANTĐ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Hải Nam cho biết, người lao động nước ngoài muốn được cấp visa ở lại làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác. Do đó, người lao động phải cảnh giác trước các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đưa lao động sang Singapore làm việc.

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa công bố cho người lao động những thông tin cần biết về thị trường lao động Singapore. Hiện nay, pháp luật nước này qui định, lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Singapore với một trong 3 loại visa: Work Permit (Giấy phép làm việc), S Pass (visa S Pass), E Pass (visa E Pass). Trong đó, Work Permit cấp cho lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, hàng hải, chế biến và dịch vụ. S Pass cấp cho lao động kỹ thuật nhưng phải đáp ứng điều kiện mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài từ 2.200 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng). E Pass được áp dụng đối với lao động phải là chuyên gia, có mức lương tối thiểu từ 3.300 SGD /tháng trở lên.

Người lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit. Tuy nhiên, để được cấp visa S Pass hoặc E Pass, lao động Việt phải được người sử dụng lao động tại Singapore đứng ra bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết. Trong đó, thủ tục đầu tiên là nộp hồ sơ tại Bộ Nhân lực Singapore để IPA (thư đồng ý về mặt nguyên tắc). IPA thường có giá trị trong khoảng thời gian nhất định, thông thường là từ 2- 3 tháng. Sau khi nhận được IPA nhập cảnh vào Singapore, người lao động phải hoàn tất các yêu cầu còn lại để chính thức được cấp S Pass hoặc E Pass.

Trước đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cấp phép cho một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại Singapore. Phần lớn lao động Việt Nam đều được cấp visa S Pass với thời hạn hợp đồng 2 năm và làm việc chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Nhưng hiện nay, chỉ có công ty Virasimex đăng ký hợp đồng đưa 5 lao động sang Singapore làm việc trong nhà hàng. Công ty này đã được Cục Quản lý lao động cho phép tuyển lao động nhưng chưa thu phí của người lao động vì chưa được cấp IPA.

Người lao động nước ngoài muốn được làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe

Hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng được mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, không có quy định nào của Việt Nam cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Các doanh nghiệp muốn đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường Singapore và các nước khác phải được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trước nhu cầu của người lao động có nguyện vọng làm việc ở nước ngoài nói chung và thị trường Singapore nói riêng, ông Tống Hải Nam khuyến cáo, cần phải tỉnh táo trước các thông tin tuyển dụng, chỉ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp đã được cấp phép. Người lao động có thể tra cứu danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên trang thông tin điện tử: www.dolab.com.vn. Ngoài ra, khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể tìm đến các Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố nơi mình cư trú để được tư vấn hoặc liên lạc trực tiếp tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số: 04-38249517 máy lẻ 512, 513. Bên cạnh đó, khi phát hiện ra các doanh nghiệp hoạt động “chui” có dấu hiệu lừa đảo cần tìm đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết.