Cánh đồng

ANTD.VN - Có lẽ với không ít người Hà Nội, cánh đồng là một điều gì đó hết sức thân thương. Bởi trước khi trở thành cư dân Hà Nội, họ đến từ những cánh đồng. 

Điều ấy rất đúng nhưng sẽ giải thích ra sao khi rất nhiều người dân phố hẳn hoi thậm chí gốc gác đã nhiều đời nối nhau nơi phố thị với cánh đồng vẫn là sự khôn nguôi ham thích. Có thể người phố dù có thế nào vẫn dây mơ rễ má với nông thôn. Từ việc họ hàng đến giỗ chạp, hội hè đình đám và sau nhất là khi hai năm mươi đều muốn tìm về quê gốc yên nghỉ. Tôi là một người như thế dù trong giấy khai sinh, tôi ra đời ở bệnh viện Bạch Mai và suốt đời sống ở phố thị trừ những năm tháng chiến tranh phải về quê sơ tán và nhập ngũ.

Cơ duyên cánh đồng đến với tôi khi tôi lựa chọn một căn nhà ngoại ô từ mấy chục năm trước. Phía sau nhà tôi đang ở có cái hồ nhỏ. Đằng sau nó là một cánh đồng. Không rộng nhưng cũng đủ ngút tầm mắt. Dạo mới dọn đến, xung quanh hoang hút, thi thoảng mới có một ngôi nhà, cỏ mọc ngập, rắn rết cứ mưa gió bò cả vào trong như thể đấy là hang hốc của chúng.

Ngày đó ai quen biết tôi đều cười cười không hiểu hắn nghĩ gì mà lại đến ở đấy. Vợ tôi cũng thắc mắc mãi. Riêng tôi thì biết. Cánh đồng phía sau nhà là thứ tôi cần dù tôi là thằng trai thành phố chính hiệu. Bạn có thể tưởng tượng được không, đêm hạ gió từ đồng thổi vào mát rượi. Bàn viết sát cửa sổ.

Cả không gian đêm cánh đồng không ánh điện, tiếng côn trùng rỉ rả, ếch nhái uôm uôm, sao trời và hôm nào có trăng thì đó chính là một bữa tiệc thiên nhiên tuyệt diệu. Ngày đông vẫn thú. Ảo mờ sương giăng, mưa rắc. Có thể nói cánh đồng chính là người nâng đỡ ngòi bút tôi bao năm nay, hào phóng cho tôi tác phẩm, biến tôi thành người viết nông thôn. Vâng nông thôn của tôi chỉ là ô cửa sổ nhỏ nhìn ra cánh đồng.

Cánh đồng của tôi là những ruộng rau ruộng lúa và ao hồ đan nhau. Vùng Thanh Trì ngoại ô này vốn nổi tiếng với nghề nông. Ít dần đi nhưng cò vẫn hàng đàn bay về, bay đi mỗi sáng, mỗi chiều. Những cánh cò xưa phấp phới trắng cả cánh đồng. Dân làng một dạo đã được chuyển thành dân phố, dân phường vẫn cặm cụi trồng lúa, trồng rau. Ngày vụ, rơm rạ chất đống đốt khói cuộn thành cột xoắn xít bàng bạc không gian.

Mùi khói đồng ùa sộc vào nhà nao nao hết cả gan ruột. Nhân cảm xúc khói đồng, tôi đã viết một cái tạp văn ngăn ngắn chỉ tả mùi khói quyện trong nhà cũng khiến một bạn văn già đọc xong nhấp nhánh mắt. Con bé cháu ở quê ra học đại học mỗi lần thấy khói đốt rơm rạ lại thảng buồn, buông tiếng thở dài, ngồi thừ nhìn xa tít tắp. Tôi hiểu con bé đang nhớ quê. Quê của nó cánh đồng bạt ngàn. Không chỉ là rơm là rạ đốt sau mùa thu hoạch mà cánh đồng của nó là cả một thế giới. Cũng như cánh đồng của tôi. Mỗi người có một cánh đồng riêng theo cách thức của mình.

Cái hồ nước sau nhà tôi là gạch nối với cánh đồng phía trước theo cách nghĩ của tôi. Cánh đồng nếu không có hồ đầm thì hẳn đó sẽ là một thiếu hụt không nhỏ. Sống nơi ven hồ thích lắm. Những người thầu hồ chuyên canh cá hết vụ này vụ khác. Dăm ba tháng lại quây lưới. Vài ba năm lại tát cạn. Giở giời cá nổi đặc sệt mặt nước. Ken sít vào nhau những miệng cá hóng khí đớp bọt  nhìn lạ lẫm vô cùng.

Đẹp giời cá bơi lội tung tăng thi thoảng phởn chí hay động nước chúng cất mình cả đàn là là bay trên mặt nước. Cũng có hôm thời tiết sao đó tôm ngáp chạt bờ. Mấy bố con, bà cháu lấy vợt, lấy rổ vớt được cả ký. Tôm đồng con nào con nấy chằn chặn, kềnh càng béo ngậy. Tiết hạ nắng nực tìm đám bèo ken ven bờ lấy rổ cất từ dưới lên từng cụm bèo thể nào cũng vớ được vô khối cua ao đen bóng bám vào rễ bèo tránh nóng. Nhiều lắm những gì của ao hồ cũng là một phần của cánh đồng. 

Tuổi tác dày lên, ngoảnh đi ngoảnh lại sống với cánh đồng cũng kha khá thời gian. Từ lúc cánh đồng còn trải ngút ngàn và tôi lúc ấy còn là một trung niên đầy năng nổ, khát vọng. Thấm thoắt thoi đưa, tôi đã là một ông già nghỉ hưu ngày ngày quẩn quanh trong nhà và lụi cụi ngoài mảnh vườn nho nhỏ sát hồ nước. Cái hồ ngày nào cũng đã bị lấn bị lấp hẹp lại nhiều. Và cánh đồng của tôi giờ đang dần thu hẹp lại mỗi ngày.

Xưa đường chân trời là giới hạn của cánh đồng thì bây giờ sừng sững cả dãy chung cư cao ngất mấy chục tầng. Cánh đồng giờ bị băm ra có những đường ngang, đường dọc chia cắt, ô tô di chuyển như cua bò. Nhiều khi buồn tôi ngồi lỳ bên cửa sổ hàng giờ đếm cần cẩu từ công trường. Những chiếc cần cẩu hiện đại, cần dài vươn cùng cao độ các công trình nhà cửa. Đêm đến đèn đuốc sáng trưng như lễ hội.

Hối hả cả ngày đêm những công trình gấp rút cho ngày khánh thành. Riêng tôi nhẩm tính ngày tận số của cánh đồng. Những lúc ấy lại nhớ ngày mới dọn về tiếng chim cu còn gáy rền đồng, cò đậu trắng ruộng, trên mặt ao mấy đôi chim le le hụp lặn và chim sẻ, chim sâu cả đàn ào ạt ríu rít quanh nhà.

Bây giờ người đông, âm thanh phố phường khiến chim chóc tao tác dạt hết. Nhớ chim, tôi nuôi một con cu gáy. Mỗi sáng, nhìn mặt trời trồi lên từ cánh đồng giờ là công trường, tai nghe chim gù, chim gáy cúc cu chợt thấy được an ủi phần nào nhưng vẫn khó tả niềm nuối tiếc khôn nguôi. 

Cuộc sống là vậy. Sự phát triển phải có những sự thay đổi. Đồng ruộng, ao hồ theo quy luật phải thành chung cư, siêu thị... Ai cũng nói vậy, chỉ tôi hiểu cánh đồng của riêng mình đã chết. Còn tôi vẫn đang sống, vẫn phải viết. Viết với nỗi niềm của một cánh đồng chỉ còn trong hoài niệm.