Cần thiết phải sửa đổi Luật Công an nhân dân để phù hợp với thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 13-2, Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND tiến hành họp phiên đầu tiên. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban soạn thảo chủ trì phiên họp.

Luật CAND được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019 (trừ các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp Tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2019).

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban soạn thảo chủ trì phiên họp

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban soạn thảo chủ trì phiên họp

Qua 3 năm thực hiện, Luật CAND đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật CAND đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động; việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác chưa cụ thể nên khó thực hiện; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND chưa phù hợp với thực tiễn.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo phát biểu tại phiên họp

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo phát biểu tại phiên họp

Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là cần thiết.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo cho biết, đây là cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đã gửi tài liệu đến tất cả thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập theo quy định. Ngay sau khi có chủ trương xây dựng hồ sơ dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức tổng kết thi hành Luật CAND, đồng thời tổng hợp văn bản của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trong xây dựng dự thảo hồ sơ dự án Luật tổ chức khảo sát lấy ý kiến của Công an đơn vị, địa phương; lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học. Việc xây dựng dự án Luật tuân thủ tuyệt đối các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu ý kiến tại phiên họp
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu ý kiến tại phiên họp

Phát biểu tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình và nhất trí cao đối với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật CAND cũng như những nội dung sửa đổi. Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật CAND xuất phát từ nhu cầu thực tiễn dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đại diện Bộ Tư pháp, bà Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Bộ Tư pháp cũng nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật, đảm bảo sự thống nhất với Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ - ngành có liên quan. “Thực tiễn thay đổi, đường lối thay đổi, chúng ta phải sửa đổi Luật. Yêu cầu sửa Luật CAND là rất xác đáng”, bà Trương Thị Ngọc Ánh nhìn nhận.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn ý kiến đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu tham dự cuộc họp. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật CAND là dự án Luật quan trọng, tạo không gian pháp lý trực tiếp, quyết định để Bộ Công an, lực lượng CAND thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng CAND, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến chế độ, chính sách của lực lượng CAND.

Đây là nguồn cổ vũ động viên rất lớn để các các cán bộ, chiến sỹ CAND tập trung chiến đấu, phục vụ nhân dân. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tiếp tục thực hiện, hoàn thiện dự án Luật theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và tranh thủ ý kiến của nhân dân.