- Tẩy xoá, sửa, in lại "date" tân dược hết hạn bán cho người bệnh
- Cấm kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc
- Dầu cá Omega ăn mòn xốp: Không gây hại đến sức khỏe con người
Cơ quan chức năng bắt giữ hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả tuồn về Hà Nội
Sản xuất “chộp giật”, sai phạm tràn lan
Tính đến hết 3 tháng đầu năm nay, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 công ty vi phạm về ATTP thì trong đó có tới trên 70% là sai phạm về TPCN với mọi hình thức: Từ vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn đến vi phạm về chất lượng, công bố sản phẩm, hàng giả, hàng nhái.
Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Ngôi Sao Việt, trụ sở ở phố Thái Hà, quận Đống Đa, TP Hà Nội bị phạt 25 triệu đồng vì không duy trì kiểm nghiệm định kỳ theo quy định cho 2 sản phẩm TPCN Viên dầu cá Omega 369 và Viên dầu cá Omega 3; Công ty Cổ phần Dược phẩm Glomed (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị phạt 20 triệu đồng vì quảng cáo TPCN Viên nang Calsea Bone trên website có nội dung không phù hợp với nội dung đã đăng ký; Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Hải (Khu đô thị mới Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị xử phạt 20 triệu đồng vì quảng cáo TPCN Tiền đình Bảo Khang trên website có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
Mới đây nhất, đầu tháng 4-2016, Cục ATTP tiếp tục phát hiện, xử phạt Công ty TNHH Công nghệ phần mềm và quảng cáo trực tuyến Megaads (Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) 9 triệu đồng vì buôn bán sản phẩm TPCN Baby Plex mà không có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, quảng cáo bán sản phẩm TPCN trên online với chiêu bài “hàng xách tay”…
Trước đó, trong năm 2015, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó có 203 công ty vi phạm về quảng cáo, chủ yếu là quảng cáo TPCN. Có thể nói, chưa bao giờ những sai phạm về TPCN được phát hiện và xử lý lại nhiều như thời điểm này.
Đó là chưa kể tình trạng sản xuất TPCN giả cũng đang khá phổ biến. Theo ông Trần Hùng, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, phần lớn mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.
Hiện cả nước có khoảng gần 20.000 sản phẩm TPCN được công bố, 60%-65% trong số đó là sản phẩm được sản xuất trong nước. Đáng buồn là qua kiểm tra, phần nhiều sai phạm lại rơi vào các sản phẩm sản xuất trong nước. Lãnh đạo Cục ATTP, Bộ Y tế dẫn chứng, khi đi thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở chỉ có mỗi văn phòng, không có nhà máy nhưng cũng công bố sản phẩm TPCN và đưa sản phẩm ra thị trường bán.
Thậm chí có nơi, khi đoàn kiểm tra đến thì không thấy văn phòng đâu vì họ đã chuyển sang địa chỉ khác từ lâu mà không báo cáo. Tình trạng làm ăn “chộp giật”, “tranh tối, tranh sáng” như vậy khiến chất lượng sản phẩm TPCN rất khó kiểm định.
Cần chất chứ không cần số lượng
Nhận xét về tình trạng sản xuất TPCN trong nước hiện nay, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho rằng, điều kiện đăng ký sản xuất, lưu hành TPCN ở Việt Nam quá dễ, chẳng khác nào các cơ sở sản xuất thực phẩm bình thường. Thậm chí, nước ta còn chưa có quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN, thế nên trên thị trường vẫn xuất hiện TPCN có chứa cả chất cấm.
Ông Trần Đáng đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành tiêu chuẩn về TPCN và cho rằng phải có tiêu chuẩn thì mới có thể kiểm soát được. Hiện tại, thế giới cũng như Việt Nam chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải theo tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất TPCN) nên những doanh nghiệp đầu tư rất hiện đại, quy trình sản xuất rất chặt chẽ cũng giống như cơ sở sản xuất TPCN nhỏ lẻ, thô sơ, đều được xem là đủ tiêu chuẩn để sản xuất TPCN.
Trước thực trạng đó, mới đây, Cục ATTP đã xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành GMP, xin ý kiến, nghiên cứu để có thể áp dụng trên toàn quốc từ giữa năm 2017. Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, áp dụng GMP với sản xuất TPCN sẽ đáp ứng được 2 mục tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, loại bỏ được các doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất TPCN tham gia vào thị trường.
“Hiện cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất TPCN. Khi áp dụng GMP, chắc chắn có quá nửa số cơ sở này không đảm bảo yêu cầu và muốn được tiếp tục kinh doanh họ sẽ phải nỗ lực, cố gắng đầu tư, nâng cao chất lượng quản lý hơn nhiều”, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Với lợi thế là nước có nền y học cổ truyền đứng thứ hai thế giới, Việt Nam đương nhiên có thế mạnh cực lớn về TPCN song muốn phát triển được lợi thế này, TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, phải có các quy định quản lý chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Còn không, nếu sản phẩm nhiều nhưng chất lượng không tốt thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc áp dụng GMP trong sản xuất TPCN là vô cùng cần thiết để chấn chỉnh lại thị trường và thúc đẩy sự phát triển của TPCN ở nước ta, nhất là khi chúng ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
“Kinh nghiệm từ phát triển GMP trong ngành Dược nước ta trước đây cho thấy, phát triển GMP trong sản xuất không phải là cơ quan quản lý làm khó doanh nghiệp mà là đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng. Bản thân doanh nghiệp cũng phải nhận thấy người tiêu dùng chính là nguồn sống của mình, nếu người tiêu dùng quay lưng thì doanh nghiệp cũng tự chết”, PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, do hiện có nhiều doanh nghiệp TPCN chưa đáp ứng nhanh được GMP nên Cục ATTP sẽ nghiên cứu lộ trình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi sang việc áp dụng GMP. Mặt khác, Cục ATTP sẽ nghiên cứu một cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng GMP trong sản xuất TPCN để khuyến khích doanh nghiệp sớm áp dụng.