Cần phải được “làm sạch”

ANTĐ - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thảo luận, xem xét một số vấn đề “nóng”. Từ nay đến cuối năm và sang năm 2014, thách thức và khó khăn chưa hết, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định quan điểm của Chính phủ: không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, có ổn định kinh tế vĩ mô là có tất cả. Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế chính là nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, lâu dài, sẽ là một trong hai nội dung trọng tâm của Quốc hội kỳ họp này. 

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào 3 mũi đột phá: tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công, trong đó tái cấu trúc ngân hàng được kỳ vọng nhiều nhất. Tại hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc ngân hàng thương mại Việt Nam” vừa diễn ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chuyên gia một số tổ chức tài chính quốc tế đã xoáy vào hai “điểm nghẽn” là xử lý nợ xấu và sắp xếp hệ thống ngân hàng.

Theo nhận định, trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi rõ: lạm phát thấp, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Tiến trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng với điểm nhấn xử lý nợ xấu và sắp xếp hệ thống đã bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đây chính là cơ sở quyết định thành công tiến trình tái cơ cấu 3 trụ cột của cấu trúc kinh tế. Riêng trong lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống tín dụng, đặc biệt là xử lý nợ xấu, việc thành lập công ty quản lý tài chính các tổ chức tín dụng đặt trong Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia tài chính đánh giá là hoàn toàn phù hợp. Chỉ có một công ty tầm quốc gia chuyên mua bán nợ xấu thì việc xử lý mới có thể minh bạch, việc mua bán được tiến hành độc lập và được giám sát kỹ càng, tạo điều kiện để phát triển thị trường mua bán nợ có sự vào cuộc của nhà đầu tư nước ngoài, thay vì như trước đây, không ai biết được Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” ra bao nhiêu tiền cho ngân hàng nào, trong khi xử lý nợ xấu thông qua tái cấp vốn. Kinh nghiệm ở Thái Lan, Hàn Quốc… có thể bán tới 50-60% nợ xấu cho nước ngoài thông qua công ty mua bán nợ quốc gia. Trong khi đó ở Việt Nam, Công ty này vừa đi gom hàng, phân loại, vừa phải hoàn thành các thủ tục pháp lý, nên chưa có khả năng đáp ứng yêu cầu mua nợ có thể lên tới 50-60 nghìn tỷ đồng. Một “gánh nợ” khá lớn trong việc xử lý nợ xấu chính là nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới 100.000 tỷ đồng. Một số lãnh đạo bộ, ngành cho rằng đây là “nợ của địa phương”.

Đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, sẽ tiếp tục đánh giá thực trạng các ngân hàng, phân loại yếu kém, tiền ẩn rủi ro để xây dựng phương án tái cơ cấu. Riêng khoản nợ xây dựng cơ bản, không nên phân biệt nợ của Trung ương hay nợ của địa phương, quan trọng nhất là đều nằm trên bảng tài sản của ngân hàng và cần phải được “làm sạch” để xử lý tận gốc nợ xấu.