Cần một Thăng Long lắng đọng

(ANTĐ) - Hà Nội đang sống trong những ngày Đại lễ, đường phố rực rỡ sắc màu, những con đường lung linh ánh sáng. Hà Nội đã lộng lẫy hơn, hào nhoáng hơn và cũng sôi động hơn. Nhưng sự ồn ào ấy lại làm người ta nhớ đến những điều bình dị, sâu lắng, trầm mặc vốn có của Hà Nội.

Hà Nội hôm nay:

Cần một Thăng Long lắng đọng

(ANTĐ) - Hà Nội đang sống trong những ngày Đại lễ, đường phố rực rỡ sắc màu, những con đường lung linh ánh sáng. Hà Nội đã lộng lẫy hơn, hào nhoáng hơn và cũng sôi động hơn. Nhưng sự ồn ào ấy lại làm người ta nhớ đến những điều bình dị, sâu lắng, trầm mặc vốn có của Hà Nội.

“Văn hoá đèn lồng” không phải là nét đặc trưng của Hà Nội
“Văn hoá đèn lồng” không phải là nét đặc trưng của Hà Nội

Có vẻ như Hà Nội những ngày Đại lễ đang thiếu vắng những khoảng lặng rất riêng mà bất cứ ai mỗi khi xa Hà Nội đều nhớ đến nao lòng. Người ta nhớ đến một ông già cắt tóc bên gốc cây cổ thụ, người ta nhớ đến một quán nước vỉa hè, nhớ một tiếng rao đêm và nhớ đến cả những gánh hàng hoa buổi sớm mai, nhớ đến người nghệ sĩ già lang thang trên phố…

Trong các hoạt động của Đại lễ 1.000 năm, rất nhiều hoạt động kỷ niệm tưng bừng và ồn ã. Thế nhưng những ồn ã đó đã biến Hà Nội thành một hình ảnh khác, làm mờ đi cái lắng đọng của Hà Nội. Sao không có cuộc trò chuyện nào với những người lao động bình dị của Hà Nội, sao không có cuộc thăm hỏi nào tới những con người đã sống và trải qua bao thăng trầm cùng Hà Nội, hay như cuộc thăm hỏi với một lão nhà văn sống và gắn bó với Hà Nội chẳng hạn, sao không dựng lại một góc phố nào đó với nếp sinh hoạt thường ngày của Hà Nội, với những con người đã sống cùng Hà Nội như thế để bạn bè khắp bốn phương và những người con đi xa Hà Nội trở về được sống lại với ký ức đẹp về Hà Nội.

Tiếng loa hát suốt ngày sẽ phản tác dụng

Tiếng loa hát suốt ngày sẽ phản tác dụng

Những ngày này trên khắp đường phố Hà Nội, những câu hát về Hà Nội qua loa phóng thanh vang vọng suốt ngày đêm. Những câu hát về Hà Nội thân yêu cũng làm cho lòng người rộn ràng, háo hức trong ngày Đại lễ, nhưng người lớn vẫn phải đi làm, trẻ em vẫn đi học, người già cần nghỉ ngơi thì những câu hát đó cứ lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán trong nhiều ngày liền thì lại hóa… phản tác dụng. Vì cái đẹp của Hà Nội chính là cái đẹp lãng mạn chứ không phải là những thứ phô trương biểu hiện ra bên ngoài. Hà Nội một thời bom rơi, đạn nổ  như vậy mà nhà thơ Phan Vũ vẫn nghe thấy “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Sao cứ phải hát qua loa đài suốt ngày như vậy?

Những ngày này trên nhiều đường phố Hà Nội ngập sắc màu rực rỡ. Sắc màu đã làm cho Hà Nội tươi tắn hơn, nhưng nhiều người dân không đồng tình với việc treo đèn lồng trên những con phố cổ vì “văn hóa đèn lồng” không phải là của người Việt, không phải là bản sắc của Hà Nội. Văn hóa Hà Nội là nét văn hóa tinh tế, trầm mặc, chứ không màu mè, sáo rỗng.  Nỗi niềm trăn trở và cả những ước nguyện của người dân khi Thủ đô nghìn tuổi không chỉ là Hà Nội khang trang ở dáng vẻ bên ngoài mà trong sâu thẳm là cái hồn Thăng Long còn lắng đọng.                 

Thanh Lê