Tình hình Biển Đông gay gắt, khó lường:

Cần giải pháp đúng đắn

ANTĐ - Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 1-4, bên cạnh những vấn đề đã được góp ý nhiều tại các phiên thảo luận trước như nợ công tăng cao, nạn tham nhũng, lãng phí, ĐBQH cũng quan tâm đề cập đến môi trường đầu tư kinh doanh, bày tỏ lo lắng, trăn trở trước nạn thực phẩm bẩn, đặc biệt là những nguy cơ rất lớn về an ninh chủ quyền trên Biển Đông.

Còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) bày tỏ bức xúc về vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa ra hàng loạt ví dụ: đó là việc liên tiếp có những thông tin thương lái tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ, rồi người chăn nuôi cho gia súc ăn thêm hóa chất để tạo nạc, dùng chất vàng ô để nhuộm cho da gà vàng, người trồng chuối tiêm hóa chất để cho chuối chín vàng đều, người bán thịt bơm nước vào thịt lợn, bò để tăng trọng lượng…

Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng, nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến bệnh ung thư tăng cao và đang trở thành nỗi ám ảnh của các gia đình Việt Nam.

Trăn trở với vấn đề này, ĐBQH Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) bày tỏ nỗi lo lắng: “Không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”. Đáng nói là pháp lý trong lĩnh vực này đã đầy đủ nhưng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn ngày càng báo động, nguyên nhân do việc tổ chức thực thi luật yếu kém, nhiều bộ ngành, nhiều cấp buông lỏng quản lý, cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm.

Thêm nữa, sự chia cắt và thiếu phối hợp trong quản lý dẫn đến: khi có vụ việc xảy ra, ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm. Vụ việc về chất tạo nạc Salbutamol khiến nhân dân bức xúc thời gian gần đây là ví dụ điển hình. “Đúng là một bộ phận người tiêu dùng chưa kiên quyết “nói không” với thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, đối với hàng triệu người thu nhập trung bình và thấp thì việc chọn thực phẩm sạch với giá cao là điều quá xa vời” - ĐB Lê Thị Nga xót xa.

Đề cao cảnh giác, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

ĐBQH Vũ Công Tiến (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, tình hình Biển Đông trong thời gian qua đang diễn biến phức tạp, gay gắt, khó lường. Do đó, đại biểu bày tỏ hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình.

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế) đề nghị trong phương hướng phát triển kinh tế xã hội đất nước 5 năm tới cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, trong đó cần tập trung xây dựng thế trận phòng thủ ở các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực lẫn vật lực, ưu tiên xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, tăng cường phòng thủ biển đảo.

Đề nghị phải có những động thái phù hợp, phân biệt rõ bạn - thù và đề cao cảnh giác trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhắc lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu và “xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp với tình hình hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu”.

Về các giải pháp chung, các ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), Bùi Thị An (đoàn Hà Nội)… góp ý, nếu không nâng cao được năng lực của chính quyền địa phương các cấp thì Chính phủ có cố gắng đến mấy cũng không tạo chuyển biến được.

Nhiều đại biểu khác đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tập trung đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt phải bổ sung, tích hợp nội dung kế hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các giai đoạn.