Mong Chính phủ mới tiếp tục thể hiện ý chí mạnh mẽ về Biển Đông

ANTĐ - Nhìn nhận, đánh giá lại nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những việc đã làm được, chưa làm được trong công tác điều hành kinh tế xã hội nói chung, các ĐBQH cũng còn rất nhiều trăn trở, tâm tư về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Phóng viên ANTĐ đã phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Anh Sơn - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định xung quanh vấn đề này. 

Mong Chính phủ mới tiếp tục thể hiện ý chí mạnh mẽ về Biển Đông ảnh 1

- PV: Là ĐBQH từng trực tiếp đề nghị Quốc hội phải đưa nội dung về Biển Đông vào chương trình nghị sự của một kỳ họp trong khóa XIII, ông đánh giá như thế nào về vấn đề chủ quyền biển đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta hiện nay?

- ĐBQH Nguyễn Anh Sơn: Những hành động trái phép, trái luật pháp quốc tế mà Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông trong 2 năm vừa qua, nhất là việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các hành động cải tạo trái phép một số đảo thuộc chủ quyền Việt Nam trên biển, theo tôi đó là những phép thử nhắm vào mục đích chính trị, chủ quyền biển đảo chứ không hề có mục đích kinh tế. Tôi cho rằng diễn biến trên Biển Đông trong năm 2016 và những năm tiếp theo chắc chắn sẽ còn căng thẳng, phức tạp hơn nhiều. Cũng vì thế, tôi tha thiết mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có tiếng nói, hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề này.

- Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ quý I-2016 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: những hành động trái phép, trái pháp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay khiến quốc tế cũng bất bình, còn trong nước người dân rất tâm tư. Ông đánh giá thế nào về câu nói này cũng như quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Biển Đông trong suốt nhiệm kỳ qua?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Quan điểm cá nhân của tôi, ở nhiệm kỳ vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong những người lãnh đạo cấp cao của Nhà nước luôn có ý kiến mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện được bản lĩnh của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về vấn đề này. Tôi dám chắc nhân dân cũng đánh giá cao.

Đặc biệt, những phát biểu về vấn đề Biển Đông của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên các diễn đàn quốc tế đã thể hiện được khí phách, ý chí kiên định của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Mong rằng Chính phủ khóa mới tiếp tục phát huy được ý chí, quyết tâm này.

- Về công tác lãnh đạo, điều hành kinh tế xã hội nói chung, phát biểu tại tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp 11 - Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận 8 hạn chế, yếu kém của Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, vai trò của Thủ tướng Chính phủ?

- Nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là một nhiệm kỳ rất vất vả bởi đất nước phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức to lớn như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những yếu kém trong quản lý kinh tế từ các nhiệm kỳ trước bộc lộ, hay diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Có thể nói Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế đất nước thoát ra khỏi bờ vực suy thoái.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có những thiếu sót, thậm chí là thiếu sót nghiêm trọng. Những khó khăn, thách thức mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua để lại cho nhiệm kỳ tới đây phải giải quyết là rất lớn, như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao, quản lý vốn - nhất là vốn vay ODA chưa chặt chẽ…

Song điều quan trọng hơn cả là Chính phủ đã nhìn nhận ra được những hạn chế, yếu kém này, thẳng thắn nhận trách nhiệm và tìm giải pháp khắc phục. Tôi nhớ trong nhiệm kỳ này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không dưới 2 lần thẳng thắn nhận khuyết điểm, trách nhiệm khi phát biểu trước Quốc hội, đó là điều rất đáng ghi nhận. 

- Cảm ơn ông!