Cần cái bắt tay chặt chẽ hơn giữa du lịch và điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 5 năm kể từ khi được nhà sản xuất phim “Kong: Skull Island” chọn làm bối cảnh quay chính, vẫn chưa có nhiều đoàn làm phim Hollywood chọn Việt Nam làm phim trường. Đây được xem là điều đáng tiếc khi hiệu quả từ việc quảng bá du lịch qua điện ảnh là điều đã được minh chứng bằng thực tế.

Cơ hội bị lãng phí?

Năm 2017 sau khi “Kong: Skull Island” ra mắt trên toàn thế giới, không ít lời khen ngợi từ khán giả và truyền thông quốc tế dành cho bối cảnh quay của phim, chủ yếu tại một số địa danh nổi tiếng ở Việt Nam. Cũng không phải chờ quá lâu sau đó, một loạt các tour du lịch mới được mở liên quan đến các địa danh này, kèm theo lời giới thiệu đại loại như: “Địa điểm từng xuất hiện trong phim “bom tấn” Hollywood”.

Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) xây dựng hẳn phim trường mang tên bộ phim Hollywood để phát triển du lịch

Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) xây dựng hẳn phim trường mang tên bộ phim Hollywood để phát triển du lịch

Trong số các tour tuyến thu hút khách du lịch ở cả trong và ngoài nước tìm đến để tham quan kết hợp thăm thú phim trường bộ phim này, tiêu biểu phải kể đến khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Nơi này còn xây dựng hẳn phim trường mang tên bộ phim Hollywood nói trên để phát triển du lịch, tái hiện khung cảnh một ngôi làng thổ dân với 40 túp lều như hình ảnh trong phim “Kong: Skull Island” và tồn tại suốt 2 năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Bên cạnh đó là các bối cảnh quay khác như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)… cũng được đưa vào giới thiệu trong các tour tuyến du lịch, là điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim quốc tế, tạo nên “cơn sốt” du khách tham quan.

Trên thực tế, trong vòng 30 năm trở lại đây, số lượng các phim nước ngoài có bối cảnh quay tại Việt Nam chỉ đếm lác đác trên đầu ngón tay, gây chú ý nhiều nhất vẫn là “Kong: Skull Island”. Trước đó có một số phim như “Đông dương” (đạo diễn Régis Wargnier - 1992), “Điện Biên Phủ” (đạo diễn kiêm biên kịch Pierre Schoendoerffer - 1992), “Người tình” (đạo diễn Jean Jacques Annaud - 1992)… Đây là con số cực kỳ khiêm tốn so với tiềm năng du lịch, cảnh quan của một đất nước có rất nhiều danh lam, thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và có bề dày không gian văn hóa vùng miền độc đáo. Chưa kể, chi phí để dựng phim trường, thuê nhân công, địa điểm… để thực hiện một bộ phim tại Việt Nam được cho là ở mức vừa phải và được so sánh là tiết kiệm hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…

Vẫn còn nhiều “nút thắt”

Không ít lần giới chuyên môn lẫn những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, du lịch, hợp tác quốc tế lên tiếng bày tỏ sự đáng tiếc trên. Có rất nhiều “nút thắt” được đặt ra để các bên tìm cách tháo gỡ, từ đó thu hút các đoàn làm phim quốc tế đến với Việt Nam, ví như: Thiếu thông tin quảng bá đến thế giới; chưa có chính sách hoàn thuế hấp dẫn phù hợp; ngành bổ trợ thiếu về dịch vụ và kinh nghiệm; nguồn nhân lực chuyên nghiệp còn hạn chế… Ngay cả việc làm sao tạo ra sự kết nối giữa các đoàn làm phim với địa phương cũng còn lỏng lẻo, thế nên chính các nhà làm phim quốc tế cũng ngần ngại không biết có thể làm việc với đầu mối liên lạc nào để hỗ trợ khâu làm thủ tục xin giấy phép đưa máy móc thiết bị, nhân lực từ nước ngoài vào Việt Nam để quay.

Đứng ở góc độ chuyên môn, cũng có ý kiến cho rằng nên chăng loại bỏ việc thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài muốn đến ghi hình, làm phim tại Việt Nam, có vậy mới tạo ra sự hấp dẫn với họ. Tuy nhiên điều này, theo như ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, là không thể. Người đứng đầu Cục Điện ảnh lý giải, đứng ở góc độ nguồn lợi kinh tế thì điều đó đúng là cởi mở hơn, thu hút các nhà làm phim quốc tế hơn, song xét ở góc độ an ninh, vấn đề tư tưởng thì điều đó lại ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường. Việc thẩm định kịch bản suy cho cùng là để cơ quan quản lý văn hóa kiểm soát được nội dung phim sẽ quay tại Việt Nam, tránh để xảy ra những “lỗ hổng” về vấn đề nội dung tư tưởng.

Có một thực tế khác, cho tới thời điểm này, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu giới thiệu, tổng hợp các địa danh, danh lam thắng cảnh nổi tiếng gửi đến “chào hàng” các nhà làm phim quốc tế, để họ có cơ sở thông tin trước khi đưa ra quyết định chọn bối cảnh quay phù hợp.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, thì tất cả các nước trên thế giới lâu nay đã xem hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là lĩnh vực quan trọng để phát triển điện ảnh.

Theo đó, có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác. Đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi sản xuất phim ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức ưu đãi trung bình 20% - 30% giá trị dự án phim. Để làm được điều này không phải chuyện một sớm một chiều, song có lẽ đã đến lúc ngành du lịch và điện ảnh Việt Nam cần có cái bắt tay chặt chẽ hơn để không bỏ phí tiềm năng phát triển.