Cần bao nhiêu Nghị định hướng dẫn để đưa Luật Đất đai sửa đổi vào đời sống?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời báo chí về việc có bao nhiêu điểm mới, mang tính đột phá trong Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Phan Đức Hiếu cho biết, nếu liệt kê chi tiết thì hàng trăm điểm mới...
ĐBQH Phan Đức Hiếu trả lời báo chí tại buổi họp báo

ĐBQH Phan Đức Hiếu trả lời báo chí tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV vào sáng 18-1, nội dung được quan tâm nhiều là việc đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào đời sống như thế nào trong thời gian tới?

Trả lời báo chí, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (là người tham gia nghiên cứu cùng cơ quan thẩm tra dự án luật này) cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025 (trừ một số điều khoản cụ thể).

Luật Đất đai được đánh giá là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Khi trình dự thảo Luật thì Chính phủ cũng trình dự thảo Nghị định ban hành kèm theo. Thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, do đó trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định để hướng dẫn thi hành 65 điều khoản này.

Ông Hiếu cho biết, con số 65 Nghị định nêu trên mới là số dự kiến vì thực tế số nghị định được ban hành có thể tăng thêm hoặc giảm đi khi Chính phủ dùng 1 nghị định hướng dẫn nhiều nội dung. Do đó, điều quan trọng là Chính phủ cần sớm có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Luật Đất đai sửa đổi và chất lượng của các Nghị định hướng dẫn.

Trước câu hỏi luật lần này có bao nhiêu điểm mới, mang tính đột phá để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trên thực tế, ông Phan Đức Hiếu nói: “Nếu liệt kê chi li thì hàng trăm điểm mới”.

“Cá nhân tôi cho rằng có 5 nhóm vấn đề mới: Các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp; các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất; các quy định về tài chính đất đai và các quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước về sử dụng đất đai” - ông Hiếu cho biết.

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế phân tích thêm, quan hệ đất đai có tính chất rất đặc biệt, luôn tồn tại lợi ích 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất đai. Đôi khi lợi ích giữa các bên cũng không đồng nhất. Do đó phải giải quyết câu chuyện cân bằng lợi ích các bên và rất khó làm cho tất cả các bên hài lòng ở mức cao nhất.