Thiếu tướng, nhạc sỹ Trần Gia Cường:

Cân bằng giữa nghệ thuật và cuộc sống

ANTĐ - “Khi bạn dành ít phút đến với nơi đây, bạn đã cùng tôi đi một chặng đường dài. Tôi vào đời đã 40 năm…”, lời tựa giản dị tại triển lãm “Dị mộc” của Thiếu tướng, nhạc sỹ Trần Gia Cường một phần nói lên ý nghĩa của những tác phẩm được trưng bày trong không gian nghệ thuật Nhà triển lãm 29 Hàng Bài.

Gã tiều phu gàn dở

Khi còn là anh lính trẻ của trường Trung học An ninh nhân dân đóng quân tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, nhạc sỹ Trần Gia Cường bị coi như một kẻ lập dị. Mọi người xung quanh thường xuyên gặp Trần Gia Cường hàng ngày lên rừng, đào đào xới xới, tìm những gốc cây đẹp và có nhiều hình dáng khác nhau mang về đục đẽo cắt tỉa. Đặc biệt, trong những năm tháng đất nước chống Mỹ đầy gian lao, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, mọi người phải vật lộn với cuộc sống trong chiến tranh thì niềm đam mê của Trần Gia Cường khi đó được liệt vào dạng không bình thường. Bù lại, những tác phẩm đầu tay, dẫu chỉ là những con thú, con giống xinh xinh còn ngây ngô khờ khạo nhưng với anh lính trẻ khi ấy lại trở thành niềm mê say đặc biệt. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng sự hiện diện của tác phẩm này trong căn phòng nhỏ đã khiến Trần Gia Cường thêm yêu cuộc sống và vững tin đi tiếp trong những sáng tạo tiếp theo.

Thiên nhiên đã gợi mở cho tác giả nhiều đề tài phong phú

Nhớ lại, Thiếu tướng Trần Gia Cường thấy lòng thật vui và thanh thản khi ông có đủ lòng dũng cảm, kiên trì vượt qua những lời gièm pha, dị nghị và cũng không quên nhắc lại một vài kỷ niệm vừa hài vừa bi. Chẳng là, ngày đó ô tô đi lại khó khăn, thấy ông đón xe bên đường mà trên vai vài chục kylogram gốc và rễ cây, phụ xe nhất định không cho lên xe và nói với lại “xe còn chở gạo, chở người, hơi đâu mà chở rễ cây”. Hay chính những người đồng chí đồng nghiệp cùng trong đơn vị thấy Trần Gia Cường suốt ngày đục đục đẽo đẽo cũng thấy khó chịu và nhắc khéo “Ông làm nghệ sỹ hay ông làm công an”. Bỏ hết  những điều tiếng và cả sự gièm pha Trần Gia Cường lặng lẽ, âm thầm sáng tác và “tầm sư học đạo” các thầy điêu khắc của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.  

Gia đình là chỗ dựa vững chắc 

Thời nay, cái thú chơi tưởng chừng dân dã, quê mùa của Trần Gia Cường đã biến thành một bộ môn nghệ thuật xa  xỉ và chỉ dành cho những người chịu chơi. Ngay ở cả thời điểm khó khăn về kinh tế như vậy, Gia Cường vẫn bám trụ với sự giúp sức của gia đình. Ủng hộ con trong thú chơi tốn kém ấy, bố Trần Gia Cường đã không tiếc tay bán đi một mẫu đất ở chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) để anh được toàn tâm toàn ý sáng tác. Đặc biệt, vợ con anh là những người ủng hộ và thông cảm nhiều nhất với người đã dính đến nghệ thuật. Đang đêm khi cả nhà ngon giấc, một ý tưởng bất chợt nảy ra cho việc tạo dáng gốc cây vừa mua ban chiều có thể khiến Gia Cường bật dậy đi tìm đục, tìm cưa để đẽo, để gọt. Và tất nhiên, những âm thanh của công việc ấy chẳng thể khiến ai có thể ngon giấc được. Càng nhiều tuổi, anh càng biết cân bằng hơn trong sáng tác nghệ thuật giữa cuộc sống và công việc  nên đã gặt hái được nhiều thành công hơn. 

Tác phẩm “Đội nước” được chạm trên gỗ Ngọn đỏ

Thiên nhiên đã gợi mở cho Gia Cường nhiều đề tài phong phú, vì thế các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm đã đi một vòng từ những tác phẩm đơn thuần khắc họa hình dáng các nhân vật như Lý Thường Kiệt trong tư thế hiên ngang của một vị tướng và tạo dáng bông hoa của gỗ đến những suy ngẫm, khát vọng cá nhân và chừng mực nào đó là quan điểm, quan niệm của tác giả về cuộc đời. Điều đặc biệt hơn, các tác phẩm của “Dị mộc” chỉ được Thiếu tướng Trần Gia Cường công bố trước công chúng mà không bán, không mua. Anh chỉ nhấn mạnh đến những kỷ niệm gắn liền với mỗi tác phẩm trong chặng đường 40 năm hoạt động nghệ thuật tạo hình. Không chỉ được biết đến trên lĩnh vực điêu khắc trên gốc và rễ cây, Thiếu tướng Trần Gia Cường còn được công chúng đón nhận qua nhiều ca khúc sáng tác về ngành và nổi tiếng hơn cả là bài hát “Chúng tôi là chiến sỹ Công an Việt Nam”. 

Ông đem đến cho công chúng hình ảnh người chiến sỹ công an yêu nghệ thuật và hướng tới chân-thiện-mỹ của cuộc sống.