Cấm đầu tư ngoài ngành là đúng

ANTĐ - Theo Dự thảo Nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì EVN không được sử dụng vốn của mình để đầu tư ra ngoài các ngành nghề kinh doanh được quy định trong điều lệ tổ chức hoạt động, không cần thiết theo chức năng và nhiệm vụ chính trị của EVN, và trên thực tế có tính rủi ro kinh doanh cao. 

Đặc biệt, EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực “nóng” như bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, đơn vị đầu tư chứng khoán. Dự thảo cũng nêu một số quy chế chặt chẽ hơn liên quan đến việc huy động và sử dụng vốn của EVN. Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc đầu tư vốn ra ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực có thể chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng chấp thuận. Một số nội dung đáng chú ý của dự thảo là quy định chặt chẽ hơn và làm rõ EVN sẽ được làm gì bằng việc cụ thể hóa danh mục chi phí được hạch toán vào giá điện. Sắp tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ không được đưa chi phí xây các dịch vụ công ích như sân tennis, bể bơi thì không được tính vào chi phí giá điện mà phải hình thành từ nguồn khác.

Việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước lâu nay bị lên án vì kém hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát vốn. Cấm đầu tư ngoài ngành là đúng, quá hợp lý vì đây là doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước, tiền của Nhà nước mà suy cho cùng là tiền thuế của nhân dân đóng góp cho Nhà nước để doanh nghiệp kinh doanh. 

Có nhiều nguyên nhân khiến EVN bị “cấm cửa” ở hoạt động đầu tư vào tài chính, ngân hàng, BĐS mà chủ yếu là vì EVN đã từng thua lỗ nặng khi đầu tư dàn trải ở BĐS và EVN Telecom. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư ra ngoài ngành lớn với 3,27% vốn chủ sở hữu, tương đương 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính. Bộ Công thương công bố tổng số tiền EVN đầu tư ngoài ngành lên đến 2.108 tỷ đồng và có gần 80 tỷ đồng đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, theo giới đầu tư BĐS con số thực tế đầu tư ngoài ngành mà chủ yếu là BĐS của EVN còn lớn hơn nhiều. Trong khi đó, EVN liên tiếp bị lỗ trong hai năm gần đây. Đã chuyên ngành năng lượng, thì EVN hãy chuyên tâm đầu tư về năng lượng, nhất là năng lượng xanh, phát triển công nghệ, đầu tư tràn lan vào những ngành chẳng liên quan tới chuyên môn, lỗ là điều tất yếu, rồi bắt dân, bắt doanh nghiệp chịu tiền tăng giá điện để bù lỗ là không được.

Theo TS Nguyễn Minh Phong nguyên cán bộ Viện nghiên cứu kinh tế Hà Nội, những hoạt động đầu tư kiểu năng động quá mức mang tính tranh thủ khai thác các cơ hội độc quyền hoặc lợi ích ngắn hạn của các DN Nhà nước, nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt, kịp thời bịt chặt các “lỗ rò” thì rất dễ trở thành những “trái bom hẹn giờ” có sức công phá mạnh và gây tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế - xã hội của đất nước”.