Cái gì thiết thực mới quan tâm

ANTĐ - Nghe hỏi về Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chị Trần Trà My ở Trung Hòa, Cầu Giấy vẫn không hề hay biết mình đã có công cụ trong tay để tự bảo vệ mình trong tiêu dùng hàng ngày.

- Chị nắm được gì về Luật Bảo vệ người tiêu dùng không?

- Thực lòng, cách đây khá lâu khi xem thời sự tôi cũng có nghe nói về Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Rồi, thi thoảng đọc báo cũng thấy có nói đến, nhưng cũng không thực sự để tâm lắm. Nên Luật Bảo vệ ra sao cũng chịu thôi.

- Quyền lợi để bảo vệ mình mà chị lại thờ ơ vậy?

- Cũng chẳng phải thờ ơ. Tôi cũng gặp nhiều trường hợp bản thân bị thua thiệt lắm chứ, nhưng “được vạ thì má cũng sưng”. Từ trước tới nay vẫn vậy mà. Không cứ gì tôi, đồng nghiệp, bạn bè tôi đều có chung suy nghĩ như vậy.

- Trước là chưa có Luật?

- Tôi cũng chỉ biết mang máng, chứ có biết Luật có hiệu lực từ khi nào đâu. Mà hình như, tôi cũng chưa thấy có vụ kiện nào từ người tiêu dùng mà thắng được. Ví dụ, đổ xăng rõ ràng có sự khác nhau giữa các cây xăng. Có chỗ đổ 100.000 đồng là đầy bình, có chỗ 100.000 đồng vẫn vơi vơi... Những cái vụn vặt, nhỏ bé xảy ra hàng ngày, mang đơn kiện ai, bắt đền ai? 

- Ai cũng như chị thì Luật bao giờ mới đi vào cuộc sống?

- Thì hàng ngày, hàng giờ còn bao nhiêu việc phải giải quyết, phải làm, chỉ vì một gói bánh, hộp sữa chất lượng kém mà mất thời gian kiện tụng, tranh chấp, thà bỏ đi, làm việc khác cho hiệu quả. Tôi nghĩ, Luật muốn đi vào cuộc sống trước hết phải đơn giản, gọn nhẹ, tránh rườm rà cho người dân thì mới phát huy được. 

- Nhưng dù sao cũng nên tìm hiểu để tự bảo vệ mình !

- Người ta chỉ quan tâm tới cái gì thiết thực, gắn với lợi ích thôi, cái gì mà chưa thực sự gắn vào cuộc sống, chưa thấy được tính khả thi thì cũng khó dành được sự quan tâm tìm hiểu của người dân.