Các nhà văn hành hương theo dấu chân Phật trên đất Ấn Độ, Nepal

ANTD.VN - Mùa xuân năm ấy tôi theo đoàn của Hội Nhà văn đi dự liên hoan thơ quốc tế ở Kolkata (Ấn Độ), rồi từ đó tiếp tục chuyến hành hương theo dấu chân Phật sang Nepal. Chúng tôi khởi hành từ Bodhgaya đi Kushinagar theo sự hướng dẫn của ni sư Từ Tâm, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn ở kiếp luân hồi cuối cùng và sẽ không bao giờ tái sinh. 

Các nhà văn hành hương theo dấu chân Phật  trên đất Ấn Độ, Nepal ảnh 1Vườn Lâm Tỳ Ni nằm trên một ngọn đồi thấp cách biên giới Ấn Độ - Nepal 36 cây số 

10 đêm trải nghiệm trên đất Ấn

Hành trình 350 cây số nhưng đi mất một ngày trời vì đường xấu và lái xe bị lạc. Hôm đó mãi nửa đêm chúng tôi mới vào đến Kushinagar, thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Ni sư Từ Tâm định cho chúng tôi ở chùa Myanmar.

Cần phải nói thêm rằng ở khu vực san sát chùa chiền và tấp nập khách hành hương như miền Bắc Ấn thì việc các ngôi chùa mở dịch vụ là hết sức bình thường. Các chùa đều có phòng nghỉ dành cho khách thập phương, trong phòng có nhà vệ sinh riêng, đủ cả phích nước và chăn đệm, nhưng thường là vài người phải chung một phòng. Mỗi người sẽ trả chừng 300 Rupi cho 1 đêm, thêm 100 Rupi nữa cho bữa sáng có bún riêu (chừng 150.000 đồng tất cả). Có chùa còn xây 3 dãy nhà gạch 3 tầng như khách sạn, màu sắc sặc sỡ, trông không còn giống chùa mấy nữa.

Trong số tất cả những ngôi chùa tôi đã nghỉ lại thì chùa của thầy Huyền Diệu ở Nepal (vị cao tăng từng nổi tiếng trên báo chí với ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bodh gaya), là có vẻ… chuyên nghiệp hơn cả, với phòng ốc chỉ dành cho 2 người và trong phòng có cả bàn ghế làm việc như phòng khách sạn. Thầy không quy định giá tiền mà khách đến nghỉ cúng dường bao nhiêu thì chùa nhận bấy nhiêu.

Không may cho chúng tôi, đêm hôm đó chùa Myanmar hết phòng vì Phật tử nước này đến đông quá. Chúng tôi chuyển sang chùa Việt Nam, phòng 5 người ở. Chăn mỏng nên đêm nằm rét run. Nhà thơ Hải Thanh đêm nào ngủ chùa cũng 3 giờ sáng ngồi bật dậy, comple cà vạt nghiêm chỉnh và ngồi hút thuốc trong bóng đêm, khiến nhà thơ Văn Công Hùng và Nguyễn Linh Khiếu sáng nào cũng cằn nhằn về việc phải ở với một người kỳ dị, đêm nào cũng cữ ấy là đóng bộ như đi họp rồi ngồi hút thuốc.

Tôi đoán ra lý do, anh Hải Thanh đi tận 10 ngày mà mang mỗi chiếc ca táp nho nhỏ, quần áo rét không có, đến như tôi áo đơn áo kép mà nằm chiếc chăn mỏng nhà chùa còn lạnh, nên Hải Thanh không ngủ nổi, dậy mặc comple cho đỡ rét. Đêm ấy ở Kushinagar, mãi 1h30 chúng tôi mới đi ngủ, nhưng vừa chập chờn một giấc ngắn, ni sư Từ Tâm đã gọi: “Dậy đi các cô ơi”. Tôi mắt nhắm mắt mở càu nhàu: “Mới 5 giờ sáng mà cô”. Ni sư bảo: “Ngủ mấy tiếng đó được rồi, giờ dậy còn ăn sáng, xong ra làm lễ”.

Chúng tôi lại lên đường trong lúc còn tờ mờ đất, mắt thì cay xè, trời rét căm căm, sương giá che phủ mặt người, miệng không dám kêu khổ. Đi hành hương phải khổ mới đắc đạo chứ. Có lẽ suốt 10 đêm trên đất Ấn, tôi chỉ ngủ ngon đúng 1 đêm ở trường học của ni sư Từ Tâm, nơi có chăn nệm sạch sẽ dù trong một căn phòng thô sơ nền gạch, ván giường bằng gỗ mà đêm trước vẫn còn dành cho công nhân xây dựng.

Các nhà văn hành hương theo dấu chân Phật  trên đất Ấn Độ, Nepal ảnh 2Một buổi làm lễ ở chùa Niết Bàn

Vườn Lâm Tỳ Ni: Khu resort tôn giáo

Sau khi làm lễ ở chùa Niết Bàn, chúng tôi rời đi Lumbini, thuộc địa phận Nepal, thánh tích Phật giáo thứ ba, nơi Hoàng hậu Maya sinh hạ Thái tử Siddhartha. Con đường độc đạo dẫn vào cửa khẩu Ấn Độ - Nepal lầm bụi và luôn luôn tắc đường, đi bộ nhanh hơn đi xem. Chúng tôi xuống xe cuốc bộ hơn 2 cây số, bụi lấm đến tận đỉnh đầu. Những đoàn xe tải sặc sỡ nối đuôi nhau (xe tải của Ấn thường sơn vẽ xanh đỏ đủ hình thù kín đầu xe như một chiếc xe đồ chơi, mặc dù chúng cũ nát không thể tin được). 

Phòng nhập cảnh Nepal là một ngôi nhà cấp bốn ở tỉnh biên giới Belahiya, xấu, bẩn, bụi mù và xập xệ nhưng đông kín khách du lịch da trắng tha thiết muốn được vào thánh địa. Phòng trong có 3 nhân viên đang cuống quýt đóng dấu visa vào hộ chiếu, là một con tem nhỏ không được đẹp. Trong phòng có một chiếc máy tính phủ bụi không biết có dùng được không và một chiếc giường lùm lùm một đống chăn chiếu chưa gấp. 

Nửa tiếng sau, chúng tôi có visa nhập cảnh vào đất Nepal, sau khi ăn cơm bụi (theo đúng nghĩa đen) ở một quán cơm biên giới. Chúng tôi lại đi qua bao làng mạc xứ Nepal, vẫn thấy cảnh nghèo nàn như đã từng nhưng người dân quê Nepal có vẻ gì đó văn minh và sạch sẽ hơn. Về đến vườn Lâm Tỳ Ni thì trời đã ngả chiều. Đó là một khu vườn sinh thái rộng lớn và vuông vắn có rào bao, có an ninh bảo vệ. Trong khuôn viên cây cối tuyệt đẹp này có những ngôi chùa thờ Phật đa phong cách của Trung Quốc, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, Việt Nam…

Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc đặc sắc. Riêng chùa Việt Nam thì khiêm tốn hơn, lại chẳng hiểu sao không có trong tờ chỉ dẫn của Vườn Lâm Tỳ Ni. Chính phủ Nepal có chính sách khôn ngoan là cấp đất miễn phí vô thời hạn cho bất cứ công dân mang bất cứ quốc tịch nào muốn xây dựng chùa trong vườn, miễn là phải có bộ hồ sơ hợp lý.

Dự án vườn thiêng Lâm Tỳ Ni giờ phần lớn là đất trống, mới có chưa đầy 20 công trình xây dựng được khai thác. Nếu ngày càng nhiều vị cao tăng đổ đến đây xây chùa, khu vườn sẽ trở nên đông đúc và ngày càng thu hút khách du lịch cũng như các Phật tử. Kinh tế Nepal theo đó mà cũng được nhờ cậy. Vườn Lâm Tỳ Ni giống như một khu resort tôn giáo thực sự, với những vườn cây yên lặng và không khí trong lành, những con đường trải nhựa phẳng lì len giữa rừng thưa. 

Các nhà văn hành hương theo dấu chân Phật  trên đất Ấn Độ, Nepal ảnh 3Nhà văn Di Li 

Thoáng nỗi nhớ nhà…

Chúng tôi đi bộ dọc theo con kênh đào tuyệt đẹp dẫn đến trụ đá do Hoàng đế Ashoka (A Dục) xây dựng năm 249 trước công nguyên. Lịch sử Phật giáo nhắc nhiều đến công lao của Ashoka, vị hoàng đế hung bạo từng giết nhiều anh em để cướp ngôi vua, nhưng sau khi đắc đạo, ông đã cho xây dựng hàng vạn ngôi chùa và bảo tháp. Cũng nhờ Ashoka mà các đoàn truyền giáo đã đưa đạo Phật ra khỏi biên giới Ấn Độ đến tận châu Âu, Trung Á, Trung Đông, Đông Á, Đông Nam Á và cả Việt Nam, trước khi Phật giáo bị thanh trừng và biến mất trên đất Ấn. 

Ni sư Từ Tâm hướng dẫn chúng tôi quỳ trước cột đá Ashoka cầu nguyện. Lúc đó chiều đã tà, vầng dương dần khuất bóng, chỉ còn một ráng hồng lợt trên bầu trời đang tối sẫm. Ni sư đọc một bài kinh, thi thoảng lại cúi rạp đầu chạm đất. Tôi không để ý lắm tới những lời cầu nguyện, chỉ dõi bóng theo đàn chim đang lướt qua bầu trời tìm chỗ nghỉ, cố gắng hình dung hơn 2.000 năm trước, nơi này phồn thịnh đến thế nào. Đất dưới chân tôi lạnh, sương đã buông và tôi thoáng nỗi nhớ nhà. Tôi chợt thương ni sư Từ Tâm thay vì đáng lẽ bà phải thương tôi, những chúng sinh chưa giác ngộ nên vẫn còn tham sân si mà mắc vòng oan khổ. 

Nhưng người tu hành chẳng bao giờ cô đơn, họ đã diệt trừ mọi tham ái mất rồi còn đâu. Lúc còn ngồi trên xe, bà vui vẻ bảo ngày xưa bà cũng hay viết báo, làm thơ, nhưng lúc xuất gia rồi thì không được tham gia những hoạt động đó nữa. Nghe nhà thơ Hoàng Việt Hằng nói có lần bà đọc thơ tình thời xưa sáng tác cho chị và Đàm Quỳnh Ngọc nghe, vào đêm cuối cùng ở Varanasi, trước khi chúng tôi bay về New Dehli. Hỏi thơ thế nào, hai chị nhất định không nói, bảo bí mật!