Các nhà hát được... “cởi trói”

(ANTĐ) - Thực tế cho thấy sau khi được "cởi trói", một số tác phẩm được cácNhà hát chọn dựng đã gây tiếng vang  và nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn cũng như khán giả...

Các nhà hát được... “cởi trói”

(ANTĐ) - Thực tế cho thấy sau khi được "cởi trói", một số tác phẩm được cácNhà hát chọn dựng đã gây tiếng vang  và nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn cũng như khán giả...

Quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật thẩm định tác phẩm đã được Cục NTBD thực hiện từ tháng 8. Đây được xem là “nút cởi” giúp các nhà hát có  toàn quyền  trong khâu tìm kiếm nguồn kịch bản và dàn dựng vở diễn. Sau hơn một tháng được giao quyền tự chủ, 12 nhà hát đều đã cho ra lò nhiều tác phẩm được cấp phép từ phía cơ quan quản lý nghệ thuật.

Vở diễn ra đời sau khi Nhà hát được quyền tự quyết
Vở diễn ra đời sau khi Nhà hát được quyền tự quyết

Những “phát nổ” đầu tiên

Mạnh dạn đi đầu trong việc tự lựa chọn kịch bản phải kể đến Nhà hát Tuổi trẻ. Ngay khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có chủ truơng phân cấp và giao quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị này đã lập tức chọn triển khai vở kịch chống tham nhũng “Quân bài định mệnh” của nữ tác giả  Phan Gia Liên.

Mặc dù dự đoán được trước đây là một vở không ăn khách nhưng đạo diễn Lê Hùng vẫn quyết tâm chọn làm phát nổ đầu tiên vì theo ông chỉ cần có người thích và đến xem là được, lúc đầu có thể không đông nhưng sau sẽ khác.

Xác định bắt đầu hướng đi mới bằng đôi chân nghệ thuật như vậy nên Nhà hát tiếp tục chọn ra mắt khán giả vở kịch hình thể “Vườn thiên đàng” của NSND Lan Hương.

Không hẳn vì thận trọng mà Lê Hùng cho dựng những kịch bản thiên về yếu tố nghệ thuật mà bởi “chúng tôi mà  dựng hết đời cười này đến đời cười khác thì sẽ “chết” trước vì không đảm bảo chất lượng vở diễn mà khán giả cũng chán”.

 Thực tế cho thấy hai vở được Nhà hát chọn dựng đã gây tiếng vang  và nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn cũng như khán giả.

NSND Lê Hùng tâm sự: “Nghệ sỹ chúng tôi phải cảm ơn các cơ quan quản lý vì đã tin tưởng giao quyền tự chủ, đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi”.

Với ông, trên cương vị người đứng đầu một nhà hát tầm vóc quốc gia thì vẫn sẽ luôn cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định thẩm duyệt một kịch bản văn học nào chứ không làm ẩu.

Sau một thời gian án binh bất động, nhà hát chèo Việt Nam cũng đã bắt tay vào dàn dựng một vở mới trên cơ sở tự chủ là “Chinh phụ hai chồng”, sắp tới là “Duyên phận trầu cau” và “Khoảnh khắc đời người”.

Ông Bùi Đắc Sừ - Giám đốc Nhà hát cho biết với kinh nghiệm dựng gần 200 vở chưa đổ lần nào, ông hoàn toàn tự tin với việc kinh nghiệm thẩm định của mình và Hội đồng nghệ thuật. Song song với tâm lý thoải mái hơn vì được tự quyết là tinh thần tự chịu trách nhiệm.

Theo ông Sừ, chèo là một loại hình nghệ thuật đặc thù mà đôi khi chỉ những người trong nghề mới hiểu được sâu sắc nhất nên việc thẩm định nghệ thuật phải để chính Hội đồng thẩm định của Nhà hát thực hiện. Cho tới thời điểm hiện nay, điều này cũng đã được minh chứng rõ nét qua những vở diễn được Nhà hát dàn dựng thành công trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, là một loạt những tác phẩm khác đã và đang được khởi dựng như: “Giữa vùng sáng tối” cuả tác giả Đăng Chương (nhà hát Cải lương Việt Nam), “Ngọn lửa hồng sơn” của tác giả Lương Tử Đức (nhà hát Tuồng), “Cuội buôn vua” của tác giả Đỗ Minh Tuấn (nhà hát Kịch Việt Nam)...

Trao quyền nhưng không buông lỏng

Rõ ràng việc gút bớt thủ tục hành chính trong quá trình sáng tạo một tác phẩm sân khấu là tín hiệu đáng mừng đối với các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên khi đã được giao quyền tự chủ thì việc các nhà hát thực hiện như thế nào cũng là một vấn đề cần phải quan tâm chứ không thể buông lỏng.

Chính bởi vậy nên Cục NTBD cũng đang tiến hành soạn thảo quy chế trình Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch về việc quản lý cấp phát kinh phí hàng năm và định hướng nghệ thuật cho từng nhà hát. Theo đó, xen lẫn với các vở diễn có đề tài dân gian, dã sử thì các đơn vị cũng cần phải dàn dựng nhiều tác phẩm mang tính chất đương đại phản ánh cuộc sống mới.

Quy chế này cũng sẽ quy định cụ thể định mức đêm diễn hàng năm của từng đơn vị, số kinh phí cấp phát cho một vở diễn, định biên số đêm diễn bắt buộc để phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, bao nhiêu phần trăm kinh phí được phép dùng trước lúc ra vở...

Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục NTBD cho biết: “Cần thiết phải có quy định bắt buộc để các nhà hát phấn đấu chứ không thể dựa trên tinh thần tự giác hoàn toàn được. Khi đã có quy chế, nếu đơn vị nào không thực hiện được thì sẽ phải chịu biện pháp kỷ luật phù hợp. Quy định nghe có vẻ làm khó dễ cho các đơn vị, nhưng đó là biện pháp để đảm bảo tính nghiêm túc của hoạt động nghệ thuật”.

Hiện tại quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật mới được hiện thực hóa đối với 12 nhà hát Trung ương, và nếu mô hình này duy trì được tính hiệu quả như thời gian vừa qua, thì việc trao quyền cho các đơn vị địa phương cũng sẽ được xem xét tới. Ông Cường cho biết thêm: “ở nhiều địa phương cũng có một số đoàn có bộ khung lãnh đạo và phòng nghệ thuật đủ năng lực, trong tương lai có thể cân nhắc để giao quyền cho họ”.

Dương Cầm