Các bức ảnh đoạt giải Vàng bỗng dưng ồn ào vì... giám khảo

ANTD.VN - Với các cuộc thi ảnh, tác phẩm đoạt giải Nhất chính là linh hồn của cuộc thi. Thế nhưng, không ít các bức ảnh được xướng tên ở ngôi vị cao nhất lại bị “ném đá” bởi lý do không chỉ do xấu mà nhiều khi còn vì… lạc đề. 

Bức ảnh “Đem tiết xuân đến” của Trương Tuấn Giang đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội năm 2019

Giám khảo: Người khen, kẻ chê

Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội vừa khép lại bỗng trở nên ồn ào bởi bức ảnh đoạt giải Vàng đang phải hứng búa rìu dư luận. Với tên gọi “Đem tiết xuân đến”, bức ảnh được ông Đặng Đình An - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi nhận xét là “một ví dụ về thành công lớn cho thời cơ bấm máy. Người chồng gắng sức đẩy chiếc xe chở đầy hoa đào lên đê giúp vợ. Người vợ nét mặt rạng rỡ khi mang hoa đào đi bán. Một mùa xuân lại đến cùng với hạnh phúc gia đình. Vẻ đẹp ở đây biểu trưng cho người Hà Nội ở làng hoa”. 

Thế nhưng, ngay trong lễ trao giải, nhiều người đã bày tỏ thái độ không “tâm phục, khẩu phục” bức ảnh này. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, nếu nói về khoảnh khắc, bức ảnh không có gì đặc biệt, thậm chí còn bị bắt lỗi khi cả 2 nhân vật gần như nhắm mắt, đó là lỗi rất cơ bản trong nhiếp ảnh. Còn nếu nói là bức ảnh tiêu biểu, đại diện cho chủ đề của cuộc thi “Vẻ đẹp người Hà Nội” lại càng không đạt. Bởi bức ảnh miêu tả cảnh chở đào ngày Tết ra chợ bán nhan nhản tại các cuộc thi ảnh nên chưa hẳn đã đi đúng chủ đề.

“Cho tới thời điểm hiện tại, tại nhiều cuộc thi, các thành viên Ban giám khảo mới chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một người chấm ảnh. Nhưng chất lượng chấm ảnh cũng chưa thực sự thuyết phục. Trong khi đó, đáng lý, các thành viên Ban giám khảo còn là người soi đường, định hướng cho các cuộc thi kế tiếp”. 

Nhà phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thành

Trước đó, tại Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội năm 2016, bức ảnh đoạt giải Vàng cũng gây tốn không ít giấy mực của báo giới. Đó là bức ảnh “Họa sĩ Phan Kế An” của Nguyễn Đắc Như bị tố chắp ghép, sử dụng kỹ thuật phần mềm chỉnh sửa ảnh photoshop, vi phạm thể lệ của giải. Sau đó, bức ảnh này đã bị gỡ bỏ khỏi hệ thống giải thưởng của cuộc thi và năm 2016, Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội đành bỏ trống giải Vàng. Cũng trong năm 2016, bức ảnh “Ấm no ở vùng cao” của Vũ Chiến, tác phẩm đoạt Huy chương Vàng của Liên hoan khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16 cũng làm “dậy sóng” khi bị tố sử dụng photoshop. Áp lực lớn đến mức, tác giả bức ảnh đã từ chối nhận Huy chương Vàng tại lễ trao giải. 

“Chọn mặt gửi vàng” để “cầm cân nảy mực”

Gần đây nhất, tại Liên hoan ảnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long 2019, bức ảnh đoạt giải Vàng cũng lại gây nên sự phẫn nộ với những người cầm máy chỉ vì… xấu. Với chủ đề “Đất nước, con người đồng bằng sông Cửu Long trên đường phát triển”, bức ảnh “Giờ thể dục” của Trần Quang Thắng đã đoạt Huy chương Vàng. Có ý kiến cho rằng, bức ảnh này vô chủ đề, không đặc trưng cho đồng bằng sông Cửu Long. Bức ảnh bảo chụp ở Hà Nội cũng được, mà chụp ở TP.HCM cũng không sai. Chưa kể, về bố cục và ánh sáng rất đỗi… bình thường. 

Bức ảnh “Ấm no vùng cao” của Vũ Chiến đoạt Huy chương Vàng Liên hoan khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16 năm 2016 bị tố chắp ghép, sử dụng photoshop

“Trình độ của Ban giám khảo đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng các cuộc thi ảnh, đặc biệt là các cuộc thi ảnh mang tính phong trào như Liên hoan ảnh khu vực (8 liên hoan ảnh khu vực diễn ra trên toàn quốc trong 1 năm). Vì không cập nhật các kiến thức mới nên những người “cầm cân nảy mực” dễ dàng bị qua mặt với các bức ảnh sử dụng photoshop một cách tinh vi”.

Nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm

Những ý kiến khen chê về các bức ảnh đoạt ngôi vị cao nhất đi liền với sự hoài nghi về trình độ của Ban giám khảo. Theo nhà phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thành, cho tới thời điểm hiện tại, tại nhiều cuộc thi, các thành viên Ban giám khảo mới chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một người chấm ảnh. Nhưng chất lượng chấm ảnh cũng chưa thực sự thuyết phục.

Trong khi đó, đáng lý, các thành viên Ban giám khảo còn là người soi đường, định hướng cho các cuộc thi kế tiếp. Nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm khẳng định, trình độ của Ban giám khảo đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng các cuộc thi ảnh, đặc biệt là các cuộc thi ảnh mang tính phong trào như Liên hoan ảnh khu vực (8 liên hoan ảnh khu vực diễn ra trên toàn quốc trong 1 năm). Vì không cập nhật các kiến thức mới nên những người “cầm cân nảy mực” dễ dàng bị qua mặt với các bức ảnh sử dụng photoshop một cách tinh vi. 

Chính vì thế, để các cuộc thi có chất lượng tốt hơn, các bức ảnh được xướng tên một cách xứng đáng phụ thuộc vào trình độ cá nhân, thực tài của mỗi thành viên Ban giám khảo. Và còn phụ thuộc cả vào Ban tổ chức bằng việc “chọn mặt gửi vàng”, tuyển chọn, mời vào Hội đồng nghệ thuật những người xứng đáng trong giới nhiếp ảnh.