“Cà phê tình”… tan nát

(ANTĐ) - Mải miết chạy theo công việc để kiếm tiền mang về cho gia đình nhưng khi ngoảnh lại tổ ấm ấy tan tác, vì tiền chưa đủ để gây dựng một mái ấm hạnh phúc.
Như một đốm lửa dễ nhóm, khó tàn, người ta cuồng dại lao thân vào “thiên đường hẹn hò” rồi hãi hùng khi biết bến bờ quá xa, không thể nào quay trở lại…

 “Ngăn hẹn hò” - nhân chứng “bất đắc dĩ” của những cuộc tình chóng vánh
 “Ngăn hẹn hò” - nhân chứng “bất đắc dĩ” của những cuộc tình chóng vánh

“Thiên đường” chớp nhoáng
T là chủ nhân của một quán cà phê trên đường H. đã nhiều năm nay. Ông chủ 30 tuổi này hãnh diện rằng mình là một trong số ít người nắm bắt được xu hướng “cà phê tình” của nhân viên công sở ngày càng tăng, và đáp ứng nhu cầu đó ngay lập tức. Nhiều năm kinh doanh, T rút ra rằng: “Nhu cầu “cà phê tình yêu” của dân công sở ngày càng nhiều, quán mình nhiều khi còn đông khách hơn cả… nhà nghỉ! Mấy chục “ngăn hẹn hò” không đáp ứng nổi nhu cầu của khách…”.

Nói rồi T vui vẻ liệt kê những quán “cà phê tình” mà anh nắm rõ: Một quán ở phố Mai Hắc Đế, khách đến uống nước ngồi trên những bậc cao, để giày dép bên dưới, các ô cũng được ngăn với nhau bằng rèm, có ghế nằm. Một quán khác ở Đê La Thành cắt với Láng Hạ, tuy không gian chật chội hơn, nhưng do gần các văn phòng nên thường xuyên đông khách. Một quán khá đặc biệt trên đường Trần Khát Chân, bên dưới là tiệm bánh ngọt, bên trên là “thiên đường hẹn hò”, đáp ứng cả nhu cầu ăn-ngủ-nghỉ của khách.

Làm chủ quán cà phê, T mặc nhiên trở thành nhân chứng “bất đắc dĩ” của những cuộc hẹn hò chóng vánh. Theo T, khách tới chủ yếu là những nhân viên công sở, tranh thủ giờ nghỉ trưa. Mùa rét, có đôi trùm những áo khoác dài và dày lên người, rồi ôm nhau, làm chuyện gì có trời mà biết. Có những vị khách quen thuộc đến nỗi, tưởng như họ nghiện cà phê “buồng” như nghiện ma túy. Tất nhiên, nếu uống cà phê theo đúng nghĩa, chẳng ai đến cà phê có buồng, ngăn làm gì. Tại đây, nhiều người có thể giải quyết nhu cầu tình cảm, sinh lý. Có người còn thú nhận: “Vào nhà nghỉ thì không tiện, ngại người ta trông thấy, lại tốn kém hơn. Đi cà phê vừa an toàn, vừa thoải mái. Có ông ham hố quá, còn “mất tích” luôn để lượn tới nơi này trong giờ làm việc”…

Có ngoại tình thì ắt có ghen tuông, được hỏi về những vụ đánh ghen, T giải thích: “Một trong những tiêu chuẩn để chọn nhân viên bảo vệ quán, là khả năng phát hiện và giải quyết nhanh những mầm mống vụ việc khi có bà vợ nổi cơn ghen nào đó của khách xuất hiện”. Gợi ý để được nghe kể một vài ví dụ, T phẩy tay lắc đầu, mỗi người mỗi chuyện, nhưng thường thì đánh ghen khá hi hữu, cũng nhờ “ưu điểm” của loại hình “cà phê tình” này là cuộc hẹn hò diễn ra vào ban ngày, lại trong giờ nghỉ trưa. Các bà vợ hoặc các ông chồng phần lớn vẫn tin tưởng vợ hoặc chồng mình đang ở công sở hoặc vui vẻ đôi ba chén với bạn bè…”.

Nỗi đau muộn màng
Nếu thực sự yêu và quan tâm tới người chồng hoặc người vợ thân yêu của mình, người trong cuộc sẽ có đủ nhạy cảm để phát hiện ra khi có người thứ 3 xuất hiện. Theo luật sư Lê Huy Quang - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Danko: Hỗ trợ tư vấn cho hàng trăm vụ ly hôn, luật sư Quang đã gặp những cuộc chia tay khiến người ngoài nhìn vào cũng thấy buồn, nuối tiếc cho người vợ thay vì tìm mọi cách để giữ chồng, bỗng dưng “dâng” chồng cho người khác.

Luật sư Huy Quang kể về một trường hợp anh mới hỗ trợ pháp lý việc ly hôn cho đôi vợ chồng. Họ đến với nhau và lấy nhau trong nghèo khó. Gần 20 năm cùng nhau vượt qua gian khổ, họ đã mở một doanh nghiệp. Người chồng làm, người vợ giữ cương vị Chủ tịch hội đồng thành viên. Sau khi bước vào cuộc sống sang giàu, người chồng đổ đốn, cặp bồ với một cô nhân viên trẻ. Những lần đi ngoại giao, tiếp đối tác, họ luôn bên cạnh nhau.

Nghi ngờ mối quan hệ của chồng, người vợ thuê thám tử theo dõi chồng suốt 2 năm. Sự phẫn uất bị kìm nén quá lâu, người vợ đã theo tới tận nơi chồng và nhân tình đang hẹn hò, hai lần cho người đập vỡ kính xe ô tô của chồng và gây mất trật tự giữa nơi công cộng. Vì có người chồng bảo lãnh, người vợ không bị buộc tội “phá hoại tài sản”. Cuối cùng, cuộc hôn nhân của họ không thể cứu vãn. Với vụ việc thế này, luật sư thực sự tiếc cho hạnh phúc mà họ đã cùng nhau gây dựng trong gian khó. Giá như họ có thể ngồi nói chuyện với nhau, thay vì người vợ nóng giận làm ảnh hưởng đến thanh danh của ông chồng giữa chốn đông người.

Trong quá trình tư vấn cho các cặp vợ chồng xin ly hôn, luật sư Huy Quang còn nhớ một trường hợp ở Từ Liêm. Anh chồng tên L, là kỹ sư xây dựng, thường xuyên đi xây những công trình ở nhiều nơi. Hàng tháng thường về thăm vợ 1 đến 2 lần với rất nhiều tiền. Chị vợ tên K ở nhà lặng lẽ nuôi hai con khôn lớn, mỏi mệt nhưng cam chịu một mình. Thế nhưng khi hai con khôn lớn, người đàn bà này biết ao ước hạnh phúc của riêng mình. Chị có người chia sẻ khác khi chồng thì mải miết với công việc…

Mãi đến một ngày đầu năm 2010, chị đưa đơn ra tòa ly hôn và nói với chồng mình đã tìm được tình yêu mới. Chỉ đến khi đó, anh L mới thấy hụt hẫng thật sự và tìm đến luật sư để cứu vãn cuộc hôn nhân này.

“Đàn ông có nhân tình ít khi bỏ vợ. Còn đàn bà có nhân tình thì quá dễ bỏ chồng. Chị K không quay trở lại, anh L đau đớn nhường hết tài sản cho vợ để nuôi con, vì cho rằng, vợ chồng đến phút cuối cùng vẫn trọng nhau ở cái nghĩa”, luật sư Huy Quang nói.