Ca khúc "Nhớ về Hà Nội" bị chế thành "phở Hà Nội, VCPMC xin lỗi gia đình nhạc sĩ Hoàng Hiệp

ANTD.VN - Câu chuyện bắt nguồn từ việc nhiều khán giả xem truyền hình ngạc nhiên khi thấy ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp bị “chế” lời thành “phở Hà Nội”.

Theo đó, trong một clip quảng cáo cho một thương hiệu phở ăn liền, ca sĩ Hồng Nhung xuất hiện trên sân khấu trong bộ trang phục áo dài cùng kiểu tóc của người con gái Hà thành xưa, nhạc ca khúc “Nhớ về Hà Nội” vang lên và thay vì hát theo thì nữ “diva” lại “chế” thành: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành…”. Đoạn clip nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít người bày tỏ sự không đồng tình, không hài lòng khi một ca khúc được xem là mang trọn vẹn hồn cốt của người Hà Nội lại bị đem ra “chế” lời để quảng cáo cho một món ăn. 

Liên quan đến sự việc gây chú ý này, ông Lưu Nguyễn – con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho biết, ngày 1-5-2009 gia đình ông có ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thay mặt gia đình quản lý và bảo vệ tác quyền đối với các sáng tác của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Trong hợp đồng có điều khoản ghi rõ về việc phía VCPMC có quyền sử dụng, khai thác cả tác phẩm “phái sinh”, có nghĩa là VCPMC có quyền trao đổi, khai thác cả những sản phẩm được sáng tạo dựa trên ca khúc gốc.

Thời gian gần đây, VCPCM đã ký hợp đồng cấp phép sử dụng tác phẩm đối với một đơn vị truyền thông, trong đó cho phép đơn vị này sử dụng ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp để làm nhạc nền quảng cáo cho sản phẩm của mình trong thời hạn 1 năm, từ ngày 1-5-2019 đến 30-4-2020. Sau đó, đơn vị truyền thông này đã tiến hành khai thác ca khúc để có thể sử dụng trong ý tưởng quảng cáo sản phẩm của mình.

Ông Lưu Nguyễn nói thêm, hợp đồng giữa gia đình và VCPMC được ký có hiệu lực 5 năm và sau 5 năm nếu gia đình không thay đổi gì thì hợp đồng được tự động gia hạn. Tuy nhiên kể từ lúc ký hợp đồng này cho tới nay mới xảy ra trường hợp xuất hiện đoạn nhạc chế hay còn gọi là đoạn nhạc “phái sinh” từ ca khúc của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Mặc dù đoạn quảng cáo được phát trên truyền hình cũng một thời gian rồi nhưng chỉ đến khi nhận được phản ánh từ nhiều người, gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp mới để ý và biết đến.

Hồng Nhung trong clip quảng cáo "phở Hà Nội" gây tranh cãi

Con trai của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp chia sẻ, trên thực tế, bản hợp đồng mà gia đình ông đã ký với VCPMC có ghi rõ điều khoản liên quan đến tác phẩm “phái sinh” và gia đình cũng đã đồng ý ký kết, do vậy về mặt lý thì VCPMC không sai. Chỉ có điều, VCPCM không hề thông báo với gia đình về việc có bản “phái sinh” với lời hát được sửa lại như trên. Vì thế, mặc dù VCPMC vẫn trả tiền tác quyền đầy đủ đối với gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp khi cho đơn vị trên khai thác tác phẩm “Nhớ về Hà Nội” và chỉnh sửa lại lời bài hát, song phía gia đình ông vẫn cảm thấy vô cùng đáng tiếc.

“Đứng về mặt tình cảm, gia đình cảm thấy hơi buồn vì VCPMC không báo trước cho chúng tôi biết việc sử dụng và chỉnh sửa tác phẩm như vậy. Nếu biết trước, gia đình có thể góp ý, mà cũng có thể không đồng ý vì lời lẽ sau khi sửa lại có thể làm ảnh hưởng đến tình cảm của người Hà Nội.” – con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp bày tỏ.

Cũng theo ông Lưu Nguyễn thì trước sự bàn tán và quan tâm của dư luận, phía VCPMC và cả đại diện đơn vị truyền thông kể trên đã gọi điện xin lỗi ông và gia đình. Con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói thêm, ông được biết giữa VCPMC và đơn vị truyền thông quảng cáo này đã ký kết hợp đồng liên quan đến việc khai thác nhạc nền ca khúc “Nhớ về Hà Nội” với thời hạn trong vòng 1 năm.

Chia sẻ thêm về điều khoản phái sinh trong hợp đồng ủy quyền cho VCPMC khai thác và bảo vệ tác quyền các sáng tác của cha mình, ông Lưu Nguyễn cho biết, điều khoản này cũng ghi rõ quy định đối với các tác phẩm “phái sinh”, trong đó có quy định không được có lời lẽ vi phạm thuần phong mỹ tục. Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho biết, sắp tới đây khi ký kết lại hợp đồng với VCPMC, phía gia đình ông sẽ làm phụ lục hợp đồng hoặc không đồng ý điều khoản “phái sinh”, hoặc tác phẩm “phái sinh” phải có sự đồng ý của gia đình nhằm bảo vệ giá trị của tác phẩm.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sinh ngày 1-10-1931, là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc Cách mạng Việt Nam, với nhiều tác phẩm phản ánh những giai đoạn thay đổi của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ 20. Âm nhạc của ông là sự hài hòa giữa âm hưởng trữ tình lãng mạn và hào hùng Cách mạng. Ông từng là Tổng thư ký Hội âm nhạc TP.HCM. Với những công hiến to lớn cho sự nghiệp Cách mạng và nền âm nhạc nước nhà, ông đã được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2000.