Bùi Xuân Phái và bức tranh đầu tiên

(ANTĐ) - Nói về Bùi Xuân Phái, ai cũng có thể trả lời rằng ông là họa sỹ Việt Nam nổi tiếng nhất ở ngoài nước, Phái cũng là một trong những họa sỹ được kính trọng và nổi tiếng nhất ở trong nước. Tranh phố của Bùi Xuân Phái, nhiều người biết, nhiều người yêu. Nhưng khi được hỏi, đã ai từng được tận mắt nhìn thấy những bức tranh phố của Bùi Xuân Phái thì nhiều người chợt bối rối...

Bùi Xuân Phái và bức tranh đầu tiên

(ANTĐ) - Nói về Bùi Xuân Phái, ai cũng có thể trả lời rằng ông là họa sỹ Việt Nam nổi tiếng nhất ở ngoài nước, Phái cũng là một trong những họa sỹ được kính trọng và nổi tiếng nhất ở trong nước. Tranh phố của Bùi Xuân Phái, nhiều người biết, nhiều người yêu. Nhưng khi được hỏi, đã ai từng được tận mắt nhìn thấy những bức tranh phố của Bùi Xuân Phái thì nhiều người chợt bối rối...

Người mê tranh Phái có ở khắp nơi nhưng ít ai có dịp được tận mắt chiêm ngưỡng những họa phẩm này. Mới đây, cuộc triển lãm hy hữu: "Những tác phẩm của Bùi Xuân Phái qua các thời kỳ" diễn ra tại Viện Goethe - Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông đã mang đến cho người xem nhiều cảm nhận mới mẻ. Tại triển lãm lần này, 36 bức tranh đến từ ba bộ sưu tập của gia đình họa sỹ Trần Hậu Tuấn và họa sỹ Bùi Quốc Chí tuy chưa phải là con số đáng kể nhưng đã là những nỗ lực hết mình của những người sở hữu tác phẩm nghệ thuật mang đến cho người yêu tranh. Trong đó có một bức tranh mang rất nhiều ý nghĩa: Phố Hàng Phèn.

Cả cuộc đời cầm cọ, Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều tranh và ở nhiều thể loại khác nhau nhưng thành công nhất vẫn là tranh sơn dầu. Những năm còn đang theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã có tranh “xuất ngoại” đi dự triển lãm Tokyo khi tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ. Tác phẩm sơn dầu Phố Hàng Phèn khi đó đã có người mua ngay lập tức nhưng tiếc rằng, sau này không ai biết bức tranh đầu tiên  hiện đang có mặt ở đâu. Cho đến giờ người ta chỉ biết đây là bức tranh đầu tiên mà họa sĩ bán được và cũng có thể được xem là bức vẽ phố đầu tiên của ông, khi đó họa sĩ Bùi Xuân Phái mới 20 tuổi. Nhưng đó cũng là điều khiến họa sỹ đau đáu trong lòng. Bởi cho đến giờ, nguyên tác của bức Phố Hàng Phèn đang ở đâu, không ai biết. Theo họa sỹ Bùi Thanh Phương, con trai thứ của Bùi Xuân Phái, việc không tìm lại được tung tích bức Phố Hàng Phèn khiến Bùi Xuân Phái rất buồn.

Sau này, vào những năm tháng cuối đời khi nằm trên giường chống chọi lại với căn bệnh ung thư phổi, ông đã vẽ lại bức “Phố Hàng Phèn”. Tiếc rằng bức họa này vẫn còn dang dở. Hiện nay, bức họa vẫn chưa hoàn chỉnh ấy đang có mặt trong bộ sưu tập của họa sỹ Trần Hậu Tuấn. Cho đến cuối đời, đó vẫn là nỗi canh cánh của người họa sỹ gắn liền với phố Hà Nội. Đó không chỉ là nỗi buồn về một bức vẽ đầu tiên ghi lại dấu ấn của ông đối với nền hội họa thế giới mà còn là nỗi buồn về những góc phố Hà Nội đã xa không còn gặp lại nữa. Đến phố hàng Phèn, hàng Mắm, hàng Bạc… bây giờ, vẫn thấy thấp thoáng dáng cây cột điện, những mái nhà và cả người thiếu nữ Hà Thành nhưng người ta không bao giờ có thể tìm lại được nét lặng lẽ, u buồn của góc phố Hà Nội xa xưa từng hiện lên trong tranh Bùi Xuân Phái. Có lẽ cũng bởi vậy mà bức tranh vẽ lại Phố Hàng Phèn không bao giờ hoàn chỉnh.

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã được ghi nhận là một họa sỹ bậc thầy trong làng hội họa Việt Nam với một thứ ngôn ngữ hội họa mới mẻ. Hàng ngàn bức tranh, hàng vạn ngôi nhà, hàng trăm bức chân dung… dưới nét vẽ của ông đều mang thứ hồn phách lạ kỳ, có tiết tấu riêng và ẩn chứa một tình yêu thiết tha dành cho Hà Nội. Cũng bởi thế mà người yêu tranh phố Phái muốn tìm và lưu giữ lại bút họa cùng ông. Âu cũng là muốn gìn giữ cho muôn đời sau thấy được vẻ đẹp của một Hà Nội có nét phảng phất u buồn nhưng đầy thân thương.

Thế nhưng, việc tìm kiếm những bức tranh của Bùi Xuân Phái hiện gặp rất nhiều khó khăn. Một số bức sau khi phát hiện là tranh Bùi Xuân Phái đã được trả giá rất cao. Tuy nhiên, những người sở hữu tranh này sau đều đã qua đời hoặc già yếu nên những bức tranh ấy không được biết đến với tư cách của một danh họa Việt Nam và những người thân của họ cũng không thấy được giá trị thật của nó.

Bằng Kiều