Bộ trưởng KH&CN trăn trở với kết quả nghiên cứu khoa học "bỏ ngăn kéo"

ANTD.VN - Chỉ trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ (KH&CN) lên tới 95.812 tỷ đồng. Thế nên, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn kéo” là vấn đề rất trăn trở.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều nay, 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chất vấn với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng, ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ trưởng làm rõ: “Hàng năm, ngân sách nhà nước chi bao nhiều tiền cho công tác nghiên cứu khoa học. Có hay không tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn kéo”, không có giá trị áp dụng vào thực tiễn?

Trả lời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ, “bỏ ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu khoa học đúng là vấn đề rất trăn trở. Với trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, nhìn một cách tổng thể, thấu đáo, thì kết quả nghiên cứu chậm ứng dụng vào cuộc sống cũng là lãng phí.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ KH&CN mong các ĐBQH chia sẻ một số đặt thù của ngành KH&CN là các nghiên cứu thường có độ trễ, có rủi ro, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích. Nhiệm vụ của Bộ là giải quyết hệ thống các việc này.

Cụ thể, về giải pháp, cùng với việc kết nối KH&CN phục vụ KTXH, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đang tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu của KH&CN, nghiên cứu cơ bản.

Nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu KH&CN đang chuyển động theo hướng tích cực hơn theo hướng tăng đầu tư cho các đề tài cấp quốc gia, tăng đầu tư vào khu vực trọng điểm gắn với doanh nghiệp đồng hành, với cơ chế đối tác công tư...

Tham gia trả lời làm rõ hơn phần chất vấn với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ thời gian qua đều được thực hiện đúng theo nghị quyết của Quốc hội là bố trí khoảng 2% tổng chi ngân sách mỗi năm cho lĩnh vực này.

Cụ thể, giai đoạn 2006-2010, tổng chi ngân sách là 2.092.680 tỷ đồng, trong đó chi trực tiếp cho KH&CN là 42.352 tỷ đồng (bằng 2,02%), gồm chi cho khoa học công nghệ và công nghệ quốc phòng an ninh.

Giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách của cả nước là 4.760.500 tỷ đồng, trong đó chi trực tiếp từ ngân sách cho KH&CN là 77.342 tỷ đồng và từ nguồn ưu đãi, thu nhập tính thuế của các doanh nghiệp là 18.470 tỷ đồng... Tổng chi cho KH&CN giai đoạn này là 95.812 tỷ đồng (bằng 2,01% tổng chi ngân sách).

Tương tự, giai đoạn 2016, 2017, 2018 cũng đều được bố trí ngân sách tương đương ở mức 2% tổng chi ngân sách.

Đăng ký tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ KH&CN, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra, tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn tủ” vẫn còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Trả lời làm rõ hơn phần tranh luận của ĐB Cương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để khắc phục và hạn chế tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn “bỏ ngăn kéo”, Bộ đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc giảm các nghiên cứu cấp cơ sở.

Hiện nay, các địa phương đã kiên quyết bỏ các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội cấp cơ sở để dồn nguồn lực cho các nghiên cứu trọng điểm cấp tỉnh. Ngay một tỉnh  nghèo như Hà Giang hiện cũng đã không còn các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn cấp cơ sở mà tập trung cho các nghiên cứu thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.