Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ 4 vấn đề có thể có "lợi ích nhóm" trong xây dựng luật

ANTD.VN - Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, với quy trình xây dựng luật như hiện nay thì cơ bản là "ổn", tuy nhiên với cơ quan chủ trì soạn thảo luật thì lúc này lúc khác, ít nhiều cũng có cái nhìn thiên lệch, thiên vị, dành phần thuận lợi hơn cho ngành mình, bộ mình.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương

Tiếp tục chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi: Bộ Tư pháp là cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định các văn bản pháp luật, vậy xin Bộ trưởng cho biết có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong việc đề xuất chính sách?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nếu dùng từ “lợi ích nhóm” thì là khái quát “hơi mạnh”. Với quy trình làm Luật, cách thức làm luật của chúng ta như hiện nay thì cơ bản là ổn.

Tuy nhiên, với cơ quan chủ quản soạn thảo luật thì ít nhiều cũng có cái nhìn thiên lệch, thiên vị, dành phần thuận lợi hơn cho ngành mình, bộ mình.

Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ, biểu hiện cục bộ (nếu có) trong xây dựng luật thì thường thể hiện qua 4 vấn đề:

Thứ nhất là quy định về Quỹ tài chính trong các đạo luật không phải chuyên ngành. Thứ hai là vấn đề tổ chức và bộ máy quy định trong các đạo luật không phải chuyên ngành. Thứ ba là quy định về cơ chế chính sách cũng trong các đạo luật không phải chuyên ngành. Thứ tư là một số điều kiện gia nhập thị trường, sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, khi rà soát lại các văn bản, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng là không quy định tổ chức bộ máy trong các đạo luật không phải chuyên ngành, đặc biệt là Nghị quyết 18 đã quy định rõ.

Hiện Ban Cán sự Đảng Chính phủ đang làm đề án trình Trung ương về chính sách tiền lương và khả năng trong chính sách tiền lương này cũng khẳng định quan điểm như vậy (tức không quy định chính sách tiền lương trong các luật không phải chuyên ngành).

Còn về pháp luật, quy trình, thủ tục và những việc cần làm trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật đều đã được quy định rất rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từng tầng, từng nấc, từng công đoạn đánh giá… đều rất rõ.

“Cho nên, tôi nghĩ rằng, nếu có lợi ích nào đấy sâu hơn đối với một ngành thì chắc cũng khó vì quy trình tương đối chặt chẽ” – Bộ trưởng Tư pháp khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, với Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định các dự luật, văn bản pháp luật, Bộ đã quán triệt 4 việc nói trên đến các cán bộ thẩm định, coi như một cẩm nang để bám sát thực hiện. Trước hết yêu cầu về mặt hành chính phải tuân thủ. Thứ hai nữa là phải có trình độ chuyên môn để khi phát hiện vấn đề thì phải thuyết phục, theo suốt cả quá trình giải quyết.